Ông Obama chỉ là một sứ giả

Có lẽ ngay cả Tổng thống Obama, cả Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cả Đảng Cộng sản Việt Nam và cả thế giới đều bất ngờ choáng ngợp vì tình cảm đặc biệt của người dân Việt dành cho “kẻ cựu thù”, nói theo ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lòng qúy mến chân thành ấy đã bộc phát từ niềm tin và hy vọng vào luồng gió mới mà Tổng thống Obama sẽ đem lại cho Việt Nam, cũng như từ sự thân thiện nồng nhiệt mà người dân Việt dành cho Tổng thống Obama như thể “đón người thân” về nhà.

20160526 dan chung don obama

Ảnh : Internet

Ông Obama không phải là biểu tượng cho dân chủ, cho tự do, cho nhân quyền, cho sự phồn vinh. Ông chỉ là người đại diện cho một quốc gia đề cao các giá trị đó. Dù vậy, chính thái độ của người Việt khi phấn khởi đổ ra đường tiếp đón ông đã cho thấy cái lý tưởng “định hướng theo chủ nghĩa xã hội” chỉ là hoang tưởng, đồng thời cũng đang là bức tường kiên cố nhất giam giữ khát vọng chính đáng của dân tộc, của đất nước. Chưa biết ông Obama có thể đáp ứng được đến đâu những khát vọng đó, nhưng chính sự phấn khích của dân Việt do sự có mặt và vị thế của ông hay chí ít là do một lời khẳng định cam kết về những chính sách của Hoa kỳ đang theo đuổi “với những người bạn và đối tác”, và nỗi vui mừng “như ngày hội lớn” khơi thông những trăn trở, đã như phần nào hứa hẹn sự phá sản mau chóng của cái gọi là “sự kiên định” đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà cầm quyền. Lòng dân đã tin tưởng, đã nghiêng về, đã hướng về những giá trị dân chủ và tự do như cơn lũ dữ, những khát vọng tiềm ẩn ấy đã bùng phát và sẽ không gì có thể kềm chế được.

Tổng thống Obama đã có bài phát biểu quan trọng trước hơn hai nghìn người tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, nhưng rõ ràng ông không phải Đấng Cứu Rỗi đem ơn cứu chuộc đến cho dân Việt.

Dù ông rất ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu của người dân đã “chạm tới trái tim” mình, cảm nhận được tình hữu nghị và trân trọng những giá trị quá khứ lịch sử rất huy hoàng và tinh thần bất khuất của người Việt Nam khi trích bài thơ thần nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành đã định tại sách trời”, cũng như việc xóa bỏ thù hận, và trong vai trò là tổng thống, ông muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước để xích lại gần nhau và cùng hợp tác vì sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định;

Dù ông có ca ngợi tuyên bố độc lập của Việt Nam trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền khác nhau trong đó có quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc, và đã hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương để đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết bảo đảm an ninh;

Dù ông có gợi nhớ đến những người đã ngã xuống vì đất nước, cả người Việt và người Mỹ trong quá khứ, hay cho thấy một tương lai khá hơn khi “người biết thương người” và cho biết “mục tiêu của chuyến thăm này là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới”, còn ông chỉ là người tạo thời cơ, vận hội cho Việt Nam để phát triển các khía cạnh trong xã hội, nhất là việc đầu tư vào nguồn lực con người: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định, và cứ theo thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình;

Dù ông có đề cập tới vấn đề về nhân quyền, người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội, là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam và xác nhận với kinh nghiệm cá nhân, chính những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp giúp xã hội tiến bộ hơn;

Nhưng hơn một lần, ông chỉ ra rằng, chỉ có người Việt quyết định tương lai của người Việt. Mỹ luôn là đối tác và người bạn, chỉ có người dân sẽ lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho mình, còn ông, trong viễn tượng tốt đẹp, chỉ xin người Việt nhớ khoảnh khắc này, như Nguyễn Du đã nói: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Còn nhớ ngày trước, khi Đức Giêsu cùng các môn đệ tiến vào thành Giêrusalem, dân Do thái cũng phấn khởi, hồ hởi ra nghênh đón với cành lá trên tay, và trải cả áo choàng lót đường cho Người đi với lời tung hô vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Mt 21,1-11), vì người ta nhận ra Đức Giêsu là Đấng quyền năng được Thiên Chúa sai đến, là Đấng đem lại niềm hy vọng lớn lao cho họ, một dân tộc quá khổ đau và đang chịu ách thống trị của người Roma và sự tan rã của truyền thống đạo đức, chính Người sẽ thực hiện sứ mạng do Thiên Chúa trao phó, là mang lại cho dân sự giải phóng, phúc lành và tự do cho dân. Họ kỳ vọng Đức Giêsu đang mang đến cho họ triều đại Đavít, tổ phụ của họ. Nhưng thực ra, Đức Giêsu đã công bố một Vương Triều đã đến gần, là Nước Thiên Chúa chứ không phải triều đại Đavít.

Ngồi trên lưng lừa vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu công khai cho môn đệ và đám đông dân chúng biết Người chính là vị vua đã được loan báo, nhưng họ phải ý thức rằng, Người không phải như các là vị vua trần thế luôn đói khát với vinh quang và quyền bính, đến với những hoc thuyết chính trị, với quân đội đằng đằng sát khí, viên mãn. với vũ khí sát thương cao, hay với lực lượng cảnh sát đầy bạo lực, hoặc với những thỏa hiệp ma quỷ, mà Người là Vua khiêm tốn, Vua bình an, thiết lập một nền hòa bình

Khi Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem, dân chúng nô nức đứng bên đường tung hô. Nhưng Đức Giêsu không phải vị vua của những khao khát trần tục của  người Do Thái, mà họ sẽ được Đức Giêsu hướng dẫn, để cùng với Người phó thác hoàn toàn cho quyền năng của Thiên Chúa, và cùng với Người đi vào cuộc khổ nạn đau thương.

Chính trong tư thế ấy, Người là Đấng ngự đến nhân danh Chúa…

Chính Người mới là Đấng Cứu Rỗi và định hình dân Việt trong sự viên mãn của Người.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube