​Hội chợ sách Xuân Thu 2016: Giới trẻ đang đọc gì?

  • Xã hội
  • Thứ Năm, 31-03-2016 | 19:14:08

Hội chợ Sách Xuân Thu 2016 tại TPHCM diễn ra trong 7 ngày (từ 21 đến 27/3/2016) là một dịp để đánh giá và nhìn nhận về văn hoá đọc hiện nay. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tham quan và mua sắm, trong đó giới trẻ chiếm đa số. Đây là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ trong thời đại công nghệ thông tin, bên cạnh chiếc điện thoại thông minh, giới trẻ vẫn dành cho sách một sự ưu tiên nhất định. 

sách giải trí "lấy lòng" của giới trẻ

sách giải trí “lấy lòng” của giới trẻ

Thích “mì ăn liền”

Xu hướng kinh doanh và phát hành sách hiện nay đã nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ: trình bày bắt mắt, loại hình phong phú từ sách giấy, sách nói đến sách điện tử cùng những thiết bị đọc sách hiện đại.

Cũng như những hội chợ sách nhiều năm trở lại đây, đây là dịp xướng danh những những “tác phẩm” mới do đội ngũ tác giả trẻ viết. Giới ca sĩ, diễn viên cũng theo đó trở thành “nhà văn” bất đắc dĩ và ăn khách. Cứ như làn sóng này, đã tạo ra một trao lưu “làm nhà văn” ở giới trẻ vậy. Giấc mơ “trở thành nhà văn” có khó không? Xin thưa rằng không, nhất là khi bạn đã là một nhân vật số má trong giới giải trí. Còn nếu không thuộc giới giải trí, chỉ cần bạn chiều lòng độc giả trẻ và viết, xa lánh tuyệt đối những chủ đề được xem là “nhạy cảm”, ắt bạn sẽ trở thành nhà văn ăn khách.

Những “tác phẩm” thường được viết khá nhanh, không gây đau đầu và cũng chẳng hóc búa; kịp thời cho những phiên hội chợ, triển lãm về sách. Một thế lợi không thể không nhắc đến là “độc giả” của những “tác phẩm” này, đa phần hào phóng và dễ tính, chẳng khắt khe với bất kỳ trào lưu, lối sống nào cả. Bên cạnh đó, nhuận bút và tác quyền cho những “tác phẩm” này rất cao nữa là khác. Vì thế, người người cầm bút, nhà nhà cầm bút.

Sách cũ nhưng không cũ

Những best-seller năm nay vẫn quanh đi quẩn lại ở chủ đề phòng the, đồng tính, đĩ điếm. Như chúng ta biết, trào lưu viết về phòng the, đồng tính, đĩ điếm chỉ nở rộ một vài năm trở lại đây. Điều này không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng từ phía dòng truyện ngôn tình và đam mỹ của Trung Quốc đương đại. (Sách ngôn tình hiểu đơn giản là về chuyện phòng the, còn đam mỹ, viết về đồng tính nam).

Và những “nhà văn” của chúng ta đã kế thừa và tiếp thu dòng văn học này một cách khá uyển chuyển, đồng thời tạo ra  một lượng độc giả lớn, có chiều hướng gia tăng. Theo đà phát triển này, dòng sách ngôn tình của Trung Quốc vì thế đang bị lép vế bởi ngôn tình “made in Vietnam”. Vẫn là những trang viết về phòng the, đồng tính, chuyện tình một đêm, v.v  nhưng nồng độ nhẹ hơn, phô và vụng. Không hấp dẫn bằng ngôn tình “made in China”, nhưng ngôn tình “made in Vietnam” dễ “nuốt” hơn.

Đơn giản chỉ vì thích

Việc đọc sách, và rộng hơn là văn hoá đọc không những phản ánh thị hiếu, mà còn ít nhiều thể hiện lối sống, dân trí và nếp nghĩ của cộng đồng đó. Đức Thánh Cha nói, khi bạn đang xem một ảnh xấu trên mạng, là bạn đang xúc phạm chính mình, bạn đang hạ giá chính nhân phẩm của mình. Nếu áp dụng lời của Đức Thánh Cha, liệu chúng ta quá khắt khe với việc đọc của giới trẻ không?

Tôi như choáng ngợp tại gian hàng của Tiki, đủ thượng vàng hạ cám. Tôi hỏi nhiều bạn trẻ lý do vì sao chọn những cuốn sách này (tạm gọi là dâm thư, ngôn tình) và điều gì hấp dẫn ở cuốn sách này. Một bạn trẻ trả lời:

buổi ra mắt sách của nhóm nhạc 365- còn một giờ đồng hồ mới bắt đầu, không còn một chiếc ghế trông nào

Buổi ra mắt sách của nhóm nhạc 365 còn một giờ đồng hồ mới bắt đầu, nhưng không còn một chiếc ghế trống.

– “Vì viết về cuộc đời anh Thạch – tác giả cuốn “Lạc Giữa Miền Đau”, “Đời Callboy”, ” Khóc Giữa Sài Gòn”.

– “Cuộc đời anh ta có gì ghê gớm lắm ạ?”

– “Thì viết về cuộc đời anh ta”.

– “Chị hơi tò mò, chị thấy 299.000 đồng đâu có nhỏ. Có hay không?”

– “Không biết!”(?)

Rất nhiều câu trả lời tương tự như vậy khi được hỏi. Hoặc chỉ trả lời đơn giản rằng, vì họ thích. Chỉ cần thích là đủ, mà chẳng đòi hỏi gì thêm, một thông điệp, một nhận định gì sau khi trang sách gấp lại cả. Thêm nữa, họ đọc về phòng the, về đồng tính, về đĩ điếm, không hẳn vì họ thích phòng the, đồng tính, đĩ điếm như chúng ta vẫn nghĩ. Nhiều bạn đọc cầm trên tay những ấn phẩm này có em chỉ hơn 10 tuổi, còn khoác áo tiểu học.

 Xa lánh sách chính trị, lịch sử, sách tinh tuyển

12009675_1148897638455176_3974434637003746136_n

Facebooker Hoàng Thành (Nguyễn Thành Nhân) cầm trên tay cuốn sách “Anh Ba Sàm”, nxb Trẻ Hà Nội. 2016.

Cùng thời điểm với hội chợ sách tại TPHCM, là buổi ra mắt cuốn sách viết về tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh – blogger Anh Ba Sàm với tựa đề “Anh Ba Sàm”. Tuy nhiên, cuốn sách này cũng như phiên xử blogger này, chẳng được mấy người trẻ quan tâm! Đến cả nốt like hoặc share trên facebook cũng là một sự cấm kỵ. Và like hay share về cuốn sách này đã là một sự dũng cảm ghê gớm, chưa bàn đến những bạn trẻ tìm đọc trên máy tính, hay chuyền tay nhau những bản photo.

Giới trẻ ngại nói về chính trị, ngại đọc và tìm hiểu về chính trị, không phải không có căn nguyên của nó. Như blogger Khải Đơn viết: ” Sự răn đe hằn học khắp nơi, khiến bạn co lại, và lờ đi tất cả”.

Những cuốn sách mang tính “lề trái” tương tự có cần thiết cho dân trí Việt cũng như tuổi trẻ Việt Nam không? Nói về điều này, bạn Nguyễn Nữ Phương Dung bày tỏ: “Hầu như đọc các trang báo về giới trẻ ta dễ dàng đọc được các bài báo liên quan đến showbiz, scandal tình ái hay những trang báo xã hội thì hay đề cập đến đánh nhau, yêu đương đánh ghen nhăng nhít. Sơn Tùng, Lệ Rơi hay những nhà văn như Gào, Nguyễn Ngọc Thạch v.v… Khi ra những đầu sách mới thì đc PR công khai rộng rãi. Điều đó dễ ăn nhập vào sâu trong đại bộ phận giới trẻ vì nó dễ dãi, dễ đọc, dễ hiểu, dễ kích thích những tò mò ham muốn đơn thuần trong con người họ. Điều đó, hiện đang được truyền thông xã hội quảng bá nhiều, gần như là ủng hộ và cổ súy. Còn những sách như chính trị, giáo dục xã hội thì dường như khô khan, ít được quảng bá, và cần phải tư duy, có kiến thức thì mới tiếp thu được. Em nghĩ đó cũng thể hiện là giới trẻ Việt Nam đang lười học hỏi, bị động và thích hưởng thụ nhiều hơn là mong muốn tiếp thu kiến thức.”

Dưới đây là lời khuyên ngắn gọn của dịch giả Tạ Quang Hiệp dành cho các bạn trẻ: “Thời sinh viên, tôi luôn (ưu tiên) chọn đọc nhữngc tác phẩm kinh điển, dù đọc không dễ. Còn văn học đương đại thì nên tìm sách qua những phê bình có uy tín; tránh những bài PR đơn thuần. Việc đọc sách ngôn tình không xấu, nhưng đọc không chọn lọc sẽ mất thời gian, vô ích. Đọc cũng là học. Đọc ngôn tình thì khác gì nói chuyện phiếm”.

Cúc Hoa

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube