Formosa bồi thường 500 triệu USD, chia thế nào?

Chiều 30/6, Chính phủ VN tổ chức họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Khẳng định thủ phạm là Formosa

Nội dung cuộc họp báo tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân.

ca-chetBộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: “Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường”.

Ông Dũng cho biết đã tổ chức trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa Thiên – Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt. Bộ TN&MT đã rà soát nguồn thải, thành lập đoàn kiểm tra.

Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN&MT đã phối hợp các bộ ngành đã nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.

Hôm qua, tại Bộ TN-MT, lãnh đạo Formosa đã có buổi ghi hình xin lỗi  xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam vì chính họ là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung hồi tháng 4/2016.

“Công ty chúng tôi xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Công ty chúng tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của người dân và môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam”, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa nói trong video được phát trong buổi họp báo và được các báo, đài dẫn lại.

Lãnh đạo Formosa cũng cam kết bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Họ cũng cam kết khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện của công nghệ của nhà máy.

Dân có còn tin?

Như vậy, sau 3 tháng vòng vo, loanh quanh, cuối cùng Chính phủ cũng phải công bố thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt là Formosa. Việc chậm trễ này khiến người dân gần như rơi vào sự bế tắc, mất niềm tin.

Một phóng sự phát trên truyền hình Đài Loan dài 60 phút mang tên “Việt Nam – Cái chết của cá” hôm 20/6 khiến nhiều người Việt sửng sốt. Nhiều tờ báo trong nước đã dẫn lại phóng sự này. Trong phóng sự này phóng viên nước ngoài đã về tận địa phương có cá chết hàng loạt để điều tra. Tất cả những người được phỏng vấn trong phóng sự đều khẳng định cá chết là do Formosa xả nước thải trực tiếp ra biển. Họ cũng cho biết cùng thời điểm cá chết, họ mắc các bệnh về da khi dầm mình trong nước biển hay bị nhiều chứng bệnh lạ khi ăn cá biển.

Trong khi đó, hàng trăm bài báo về cá chết trên báo Nhà nước bị gỡ bỏ để che giấu thông tin. Phóng viên quốc doanh không được phỏng vấn các ngư dân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa này. Họ còn muốn phong tỏa cả mạng xã hội – truyền thông nhân dân, khi bắt Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn – những người tích cực hoạt động xã hội, đưa lên bêu riếu trên truyền hình và báo chí nhà nước khi 2 người này về vùng thảm họa để lấy thông tin.

thuyen

Những chiếc thuyền “đắp chiếu” 3 tháng nay

Họ gây hoang mang nghi ngờ giữa những người dân lành với nhau. Có chuyện buồn cười ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh khi một người đàn ông đi đến vùng này và bị chính quyền xã cử lực lượng an ninh túm về trụ sở để tra hỏi. Tuy nhiên, sau khi xác minh, người đàn ông nói trên chỉ là một người khất thực. Ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh có 2 thanh niên hỏi thăm người dân về chuyện cá mú cũng bị đuổi đi như những người xấu. Ở Nghệ An, 2 thương lái bị bắt người, giữ xe đông lạnh chỉ vì… mua cá nhanh quá, và mua cao hơn giá chợ một chút! Thật kinh khủng, may mà họ đã không bị đánh như những kẻ trộm chó, hoặc những thông tin tương tự đã bị giấu nhẹm đi.

Còn nhớ những người thợ lặn làm việc trong khu vực Formosa xả thải phải vào viện kiểm tra sức khỏe vì những dấu hiệu bất thường nhưng họ không được biết kết quả xét nghiệm.

Thế nhưng trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông vẫn nói rằng “không hề có chủ trương che giấu thông tin vì không chỉ người dân mà Đảng và Nhà nước cũng có nhu cầu biết sự thật”. Tuy nhiên ông này cũng phải thừa nhận “đã yêu cầu báo chí giảm liều lượng, giảm những thông tin suy diễn, không tác động, gây trở ngại đến điều tra, vì các nhà báo không thể tìm ra thủ phạm”.

Tin tức công bố thủ phạm làm cá chết hàng loạt dường như còn khiến người dân mong ngóng chẳng qua chỉ để xem Nhà nước, Chính phủ còn bao nhiêu % thành thật với dân. Việc lần lữa công bố thủ phạm cùng với những phát ngôn lấp liếm, bao che, chẳng qua cũng chỉ là đến lúc đặng chẳng đừng.

Việc nhà nước tự động thỏa thuận với Formosa về khoản bồi thường 500 triệu đô liệu có thể xoa dịu được những mất mát của người dân, của đất nước trong thảm họa này?

500 triệu đô sẽ được chia như thế nào? Những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ thảm họa do Formosa gây ra sẽ được bao nhiêu?

Formosa sẽ làm gì để khắc phục môi trường biển đã bị ô nhiễm nặng nề và sẽ tiếp tục ô nhiễm khi nhà máy vận hành? Hay chỉ cần “chuyển đổi nghề nghiệp” cho ngư dân lên bờ cày cuốc là xong?

Teresa Nguyễn

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube