Kitô hữu phải thúc đẩy chính quyền hành động vì công ích

Chính quyền phải phục vụ công ích; và chúng ta có quyền và nhiệm vụ phải lên tiếng với chính quyền vì công ích. Nếu cần, phải thay đổi chính quyền. Vì chính quyền được lập ra vì công ích chứ không phải ngược lại.

Chính quyền ra tay hành xử tàn ác với những người tuần hành vì môi trường hôm Chúa Nhật vừa qua, 8/5/2016.

Một người “đạo đức” đã trích lời của Chúa Giêsu  “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác”, để bảo vệ lập trường của anh ta không dấn thân chống lại bất công trong xã hội hôm nay.

Tiếc thay, anh ta không biết rằng chính khi nói thế, anh ta đang đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu!

Để cho thấy đâu là thái độ mà người đồ đệ phải có đối diện với bất công, Chúa Giêsu nói thế này: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42).

Chúa dùng 5 ví dụ (bị vả vào mặt, bị kiện lấy áo, bị bắt đi một dặm, gặp người xin giúp đỡ, gặp người muốn vay mượn) để nói với chúng ta rằng: đừng lấy sự ác mà chống lại sự ác, trái lại còn phải lấy sự thiện mà đối lại sự ác. Chúa muốn mời gọi các đồ đệ của Chúa đi xa hơn lẽ công bình (2 ví dụ đầu tiên), đi xa hơn những điều luật đòi hỏi (ví dụ thứ ba), đi xa hơn cách hành xử thông thường (hai ví dụ sau cùng).

Trong cái nhìn về tương quan giữa người với người ở cấp độ xã hội, giáo huấn đó của Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: đối với người đồ đệ, điều quan trọng không phải là giành lại một cái quyền nào đấy cho bản thân mình, càng không phải là trốn vào nhà thờ với “mũ ni che tai”, mà là phải làm thế nào để người khác có một không gian đủ rộng rãi, đủ tốt lành mà phát triển.

Góp phần kiến tạo một không gian tốt lành, một không gian thuận lợi, với những điều kiện thích hợp, để người khác có thể phát triển và triển nở một cách tốt đẹp, đó chính là nhiệm vụ của người môn đệ Chúa Kitô. Dấn thân xây dựng xã hội là dấn thân xây dựng một “không gian” nhân văn, tâm linh, kinh tế, chính trị, xã hội… đủ rộng để cho cả người giàu và người nghèo đều có thể triển nở được, cá nhân cũng như tập thể.

Ở cấp độ xã hội, tạo điều kiện xã hội để các cá nhân và các tập thể có thể triển nở và phát triển, nghĩa là gì?

Giáo huấn xã hội của Giáo hội gọi đấy là dấn thân cho công ích, cho thiện ích chung. Mỗi người sống không phải chỉ vì cái thiện ích của mình, nhưng phải cộng tác với nhau để làm nên một điều kiện xã hội trong đó các cá nhân và các tập thể có thể triển nở một cách tốt đẹp và dễ dàng.

Mà nói đến công ích, thì lại không thể không nói đến chính quyền. Bởi vì cái lý do tồn tại chính yếu nhất, nếu không muốn nói là duy nhất của chính quyền là gì, nếu không phải là để phục vụ, để bảo đảm thiện ích chung cho mọi người?

Đây là nhiệm vụ hết sức tế nhị và khó khăn của chính quyền: Làm thế nào để đảm bảo công ích? Làm thế nào đảm bảo những điều kiện văn hóa, xã hội, vật chất, tâm linh để những con người và những cá nhân trong xã hội có thể triển nở?

Chính quyền không có lý do lớn hơn nào để tồn tại, nếu không phải để phục vụ công ích.

Sự dấn thân xã hội, vì thế, đòi buộc chúng ta phải can đảm hành động để có một chính quyền đủ lành mạnh, bảo đảm công ích. Nếu chính quyền chỉ lo phục vụ một nhóm lợi ích nào đó, Hội thánh phải can đảm để nói với họ rằng họ làm sai rồi. Nếu chính quyền chỉ lo bảo vệ một nhóm nào đấy, mà nhóm đó lại là một nhóm bóc lột và đàn áp người khác, thì đức bác ái Kitô giáo đòi chúng ta phải làm chứng rằng công ích là thực tại khác hẳn.

Chính quyền phải phục vụ công ích; và chúng ta có quyền và nhiệm vụ phải lên tiếng với chính quyền vì công ích. Nếu cần, phải thay đổi chính quyền. Vì chính quyền được lập ra vì công ích chứ không phải ngược lại.

Tin Mừng và lương tri con người không cho phép chúng ta hy sinh người nghèo, hy sinh tổ quốc, hy sinh công ích… vì chính quyền, vì chế độ.

Chúa Giêsu nói phải yêu kẻ thù. Nếu kẻ thù còn phải yêu, thì huống nữa là những người xung quanh mình, không thù oán với mình? Nếu kẻ thù còn phải yêu, thì huống nữa là những anh chị em mình ở miền Trung bị khó khăn vì biển nhiễm độc? Nếu kẻ thù còn phải yêu, thì huống nữa là con cháu chúng ta, những thế hệ tiếp theo, phải gánh hậu quả của môi trường chết?…

Có khi chúng ta quá nhấn mạnh đến việc yêu kẻ thù mà quên là anh chị em của mình cần được tạo điều kiện để triển nở, mà quên là người bạn của mình trong cùng một công ty cần được tạo điều kiện để triển nở, mà quên là những người nghèo, những người mất đất, những người đang bị tù oan sai, những người đang bị áp bức bóc lột… cũng cần một điều kiện để triển nở.

Cho nên không có con đường nào khác ngoài con đường dấn thân cho thiện hảo chung, cho công ích. Tất nhiên là bằng những cách thức phù hợp với Tin Mừng và các nguyên tắc đạo đức.

Đừng nhân danh lòng bác ái Kitô giáo để phớt lờ công ích.

Đừng nhân danh lòng bác ái Kitô giáo để coi thường tiếng kêu của người nghèo.

Chúng ta phải dấn thân để có một xã hội trong đó mọi người đều có quyền được hưởng thiện ích chung với nhau. Mọi người đều có quyền phát triển, chứ không chỉ vài triệu đảng viên của đảng cầm quyền.

Không làm như thế là phản bội lý tưởng của Tin Mừng.

Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube