Đức Tổng Giám mục Jurkovič: ‘Liên đới đòi hỏi cần phải có sự hy sinh’

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 22-03-2018 | 16:16:55

‘Chào đón và bảo vệ những người tị nạn chính là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế’.

“Chào đón và bảo vệ những người tị nạn chính là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”, Đức TGM Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tại cuộc họp Tham vấn chính thức lần thứ hai về Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn – Phần III.A tại Geneva, ngày 21 tháng 3 năm 2018.

Ivan_Jurkovič-1-740x493

Đức TGM Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc

“Khi đáp ứng nhu cầu của họ, chúng ta nhận thức rõ được rằng tinh thần liên đới này không xảy ra nếu không có sự hy sinh”, Đức TGM Jurkovič nói. “Trong một số trường hợp, những người tị nạn thậm chí còn đông hơn cả dân số địa phương, do đó cho thấy những thách thức hiển nhiên”.

Đức TGM Jurkovič cho biết rằng Tòa Thánh vui mừng vì bản dự thảo của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn “đề xuất việc phân phối các nguồn tài chính cho sự phát triển về phía của các tổ chức quốc tế, với sự xem xét đặc biệt tới các dự án, ở các quốc gia tiếp nhận những người tị nạn, vốn đem lại lợi ích cho những người tị nạn và đồng thời tán dương sự hào phóng của các gia đình cũng như các cộng đồng địa phương”.

Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Jurkovič:

Xin cám ơn ngài chủ tịch,

Phái đoàn của Tòa Thánh muốn chia sẻ một số nhận xét ngắn gọn về Phần III.A của Chương trình Hành động, vốn đưa ra những cơ chế để hoàn thành gánh nặng công bằng hơn và có thể đoán trước cũng như việc chia sẻ trách nhiệm.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhấn mạnh: “Tòa Thánh tin tưởng rằng những nỗ lực này […] sẽ dẫn tới những kết quả xứng đáng với một cộng đồng thế giới đang ngày càng phát triển phụ thuộc lẫn nhau hơn nữa và được dựa trên các nguyên tắc liên đới và bổ trợ lẫn nhau. Với tình hình quốc tế hiện nay, những cách thức và phương tiện là không thiếu để đảm bảo rằng tất cả mọi người, cả nam và nữ, trên trái đất đều có thể tận hưởng những điều kiện sống xứng đáng với con người” [1]

Thưa ngài chủ tịch,

Chào đón và bảo vệ những người tị nạn chính là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Khi đáp ứng nhu cầu của họ, chúng ta nhận thức rõ được rằng tinh thần liên đới này không xảy ra nếu không có sự hy sinh. Trong một số trường hợp, những người tị nạn thậm chí còn đông hơn cả dân số địa phương, do đó cho thấy những thách thức hiển nhiên.

Các quốc gia tiếp nhận và cho những người tị nạn lưu trú, thường xuyên trong thời gian dài, đã tạo ra sự đóng góp to lớn vào lợi ích tập thể và mục tiêu của nhân loại và đã làm như vậy từ các nguồn lực hạn chế của mình.

Do đó, Phái đoàn của tôi lấy làm vui mừng khi nhận thấy rằng bản Dự thảo đã đề xuất việc phân phối các nguồn tài chính cho sự phát triển về phía của các tổ chức quốc tế, với một sự xem xét đặc biệt tới các dự án, ở các quốc gia tiếp nhận những người tị nạn, vốn đem lại lợi ích cho những người tị nạn và đồng thời tán dương sự hào phóng của các gia đình cũng như các cộng đồng địa phương. Xét cho cùng, đây chính là “những sự đầu tư” cho nhân loại và hòa bình, vì lợi ích chung.

Đồng thời, tuy nhiên, cần lưu ý rằng những người tị nạn không phải là những con số để được phân phối và phân bổ, nhưng là những người có tên tuổi, có những câu chuyện, với những hy vọng và khát vọng về một sự phát triển con người toàn diện, những người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương xứ sở của họ và cần được bảo vệ và hỗ trợ.

Việc phân phối các khoản tài trợ và các nguồn lực không nên được xem như là một cái cớ cho việc “thoái thác” trách nhiệm bảo vệ một số quốc gia đơn giản chỉ vì sự gần gũi về địa lý với các khu vực không ổn định. Nó cũng không nên được xem như là một sự biện hộ cho việc “ngăn chặn” đối với phong trào người tị nạn, nhưng thực sự phải là một biểu hiện của sự hợp tác quốc tế đích thực và tinh thần liên đới với mục tiêu rõ ràng của việc đạt được các giải pháp bền vững.

Thưa ngài chủ tịch,

Cuối cùng, Phái Đoàn của tôi hoan nghênh bản xét duyệt, trong đoạn 12, vốn liên quan đến Chương trình Hành động với “những nỗ lực rộng lớn hơn của LHQ nhằm chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc tín ngưỡng và đồng thời cổ võ và bảo vệ nhân quyền”. Thật vậy, điều quan trọng đó chính là Hiệp ước Toàn cầu cần phải tập trung trung vào con người, tránh những suy nghĩ về ý thức hệ, kể cả những vấn đề về “tuổi tác, giới tính và sự đa dạng”. Về khía cạnh này, chúng tôi muốn đề xuất rằng phẩm giá của mỗi người và nhân quyền cơ bản của họ phải hướng dẫn và củng cố tất cả mọi khía cạnh của Chương trình Hành động.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

 Minh Tuệ chuyển ngữ

[1] ĐTC Phanxicô, Diễn văn với các Ngoại giao đoàn Được công nhận tại Tòa Thánh, ngày 8 tháng 1 năm 2018.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube