Đức Thượng phụ Pizzaballa: ‘Lệnh ngừng bắn ở Gaza cấp bách hơn bao giờ hết’

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa (Ảnh: REUTERS)

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa (Ảnh: REUTERS)

Trong một cuộc phỏng vấn mới với Vatican News, Đức Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem đã lặp lại lời kêu gọi của ngài về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, đồng thời kêu gọi cả hai bên hãy thỏa hiệp.

“Lệnh ngừng bắn ở Gaza trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.

Đó là lời kêu gọi hòa bình mới nhất do Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, đưa ra.

Phát biểu với Federico Piana của Vatican News, Đức Thượng Phụ Pizzaballa nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn là điều khả thi: “Tất cả những gì còn thiếu là ý chí để biến điều đó trở thành hiện thực”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thượng phụ Pizzaballa cũng đã đề cập đến tình hình “mong manh” của các Kitô hữu ở Gaza, và vai trò của Giáo hội trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Bản ghi sau đây đã được chỉnh sửa nhẹ vì lý do giải thích mọi thứ được rõ ràng.

Đức Thượng phụ Pizzaballa: Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt mọi cuộc giao tranh ở Gaza; chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi như vậy liên tục kể từ tháng 10, cùng với nhiều cơ quan tôn giáo khác, trước hết trong số đó là Đức Thánh Cha Phanxicô. Lời kêu gọi gần đây nhất của chúng tôi được đưa ra chính vì chúng tôi đang tiếp xúc với người dân ở Gaza; chúng tôi nhận thức được rằng tình hình ngày càng trở nên khủng khiếp hơn như thế nào.

Tại sao ngài nghĩ rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza là khả thi?

Các yếu tố cho một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra đã luôn ở đó; tất cả những gì còn thiếu là ý chí để biến nó trở thành hiện thực. Nó đòi hỏi cả hai bên cần phải có thiện chí đạt được những thỏa hiệp, bởi vì rõ ràng sự thỏa hiệp sẽ phải được thực hiện từ cả hai phía. Đối với tôi, có vẻ như vào thời điểm này, vì tháng Ramadan đang đến gần, và cũng vì sau 5 tháng, người ta thấy rõ sự mệt mỏi về tình hình, đã đến lúc phải đi một con đường khác.

Gần đây có một tin tức từ Gaza làm chấn động thế giới: vụ tàn sát xảy ra trong khi người dân đang xếp hàng nhận viện trợ nhân đạo. Ngài cảm thấy thế nào khi nghe tin này? Ngài có thể chia sẻ cho chúng tôi biết điều gì khác về những sự việc đang xảy ra ở Gaza?

Phản ứng của tôi, giống như mọi người khác, là một sự thất vọng tột độ. Thất vọng trước sự hỗn loạn mà toàn bộ Dải Gaza đã rơi vào, và thất vọng trước nạn đói kém đang lan rộng, đặc biệt là ở phía bắc Dải Gaza.

Cá nhân tôi biết rằng việc cung cấp thực phẩm và khí đốt đến dải đất này ngày càng trở nên khó khăn, như những hình ảnh đó cho thấy. Ví dụ, các Kitô hữu ở Dải Gaza chỉ nấu ăn nhiều nhất một hoặc hai lần một tuần và những gì họ nấu phải đủ cho cả tuần lễ. Điều này cho thấy tình hình chúng tôi đang gặp phải.

Nước khan hiếm và những gì sẵn có đều không sạch, vì vậy, ngay từ góc độ dịch bệnh, tình hình ngày càng trở nên mong manh. Thuốc men cũng đang thiếu; thực tế mọi thứ đều hết sức thiếu thốn. Tôi thiết nghĩ mọi người đều nhận ra rằng chúng tôi không thể tiếp tục như thế này. Tôi đã thấy rằng họ đã bắt đầu thả dù cùng với các gói thực phẩm, nhưng cần phải tìm ra các giải pháp có tính hệ thống và phối hợp khác bởi vì, nếu chúng ta tiếp tục như thế này, mọi thứ đơn giản sẽ trở nên hỗn loạn chồng chất hỗn loạn.

Người tị nạn cư trú tại Giáo xứ Thánh Gia tại Dải Gaza (Ảnh: Vatican News)

Những người tị nạn cư trú tại Giáo xứ Thánh Gia tại Dải Gaza (Ảnh: Vatican News)

 Giáo hội địa phương mà ngài vừa đề cập phản ứng thế nào trước tình huống này? Cảm giác từ quan điểm đức tin là gì: có hy vọng hay không?

Luôn có hy vọng; luôn có mong muốn điều này chấm dứt, hy vọng có thể trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể, mặc dù tôi phải nói rằng những điều này đang thử thách nó. Nhưng có niềm tin như vậy.

Tôi thấy cộng đồng Gaza cầu nguyện, có đức tin và trước hết cố gắng tự tổ chức, để tự duy trì nhưng cũng như giúp đỡ các nhóm lân cận. Chỉ cần có mong muốn làm điều gì đó, tổ chức, giúp đỡ thì tất cả đều không mất đi.

Giáo hội có vai trò gì trong các cuộc đàm phán ngoại giao? Liệu có không gian nào để Giáo hội can thiệp vào tình hình quốc tế có phần phức tạp này và có tác động theo một cách nào đó không?

Tôi không biết liệu Giáo hội có thể đóng vai trò này hay không, bởi vì đây là những tình huống nghiêm trọng, phức tạp mà động lực quyền lực là điều cần thiết, và Giáo hội không có quyền lực tức thì. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng Giáo hội hiện diện rất nhiều trong mọi kênh truyền thông, với tất cả các bên, với nhiệm vụ tạo điều kiện cho sự hiểu biết giữa các bên khác nhau.

Về phương diện cá nhân, với hoàn cảnh phức tạp, đau đớn và khó khăn này, ngài có nghĩ rằng có khả năng đạt được một kết quả tích cực, hay ngài bi quan hơn?

Trong ngắn hạn, tôi không nghĩ tình hình này sẽ mang lại điều gì tích cực. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là, sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 70–80 năm qua, sẽ không còn ai sẵn sàng chấp nhận các giải pháp tạm thời nữa, kể cả người Israel hay người Palestine.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng này rõ ràng sẽ buộc mọi người – với những động lực cần được xác định, điều chắc chắn sẽ không xảy ra ngay lập tức – tất cả mọi người phải tìm ra giải pháp ổn định lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine, đã cướp đi quá nhiều mạng sống trong những năm qua.

Vì vậy, tóm lại: Liệu có hy vọng cho giải pháp hai nhà nước không?

Tôi không biết liệu chúng ta có thấy giải pháp hai nhà nước hay không: đó có thể là giải pháp hai nhà nước hoặc giải pháp khác, bởi vì giải pháp hai nhà nước sẽ không dễ dàng, mặc dù về mặt khách quan, nó có vẻ là giải pháp duy nhất khả thi.

Nhưng rõ ràng là phải tìm ra các giải pháp đảm bảo sự ổn định, tự do và phẩm giá cho cả người Palestine lẫn người Israel.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube