Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Trong mọi thói tật, kiêu ngạo là tật xấu đứng đầu’

Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên xe lăn trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 2 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên xe lăn trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 2 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tận dụng buổi tiếp kiến chung của mình để tập trung vào tật kiêu ngạo, trong đó, tuần thứ hai liên tiếp Đức Thánh Cha vẫn phải nhờ một phụ tá để đọc những chia sẻ suy tư của mình.

“Bài chia sẻ Giáo lý hôm nay sẽ được đọc bởi một Đức Ông”, Đức Thánh Cha nói hôm thứ Tư, “bởi vì tôi vẫn còn bệnh và không thể đọc tốt”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin từ cửa sổ Điện Tông Tòa vào hai Chúa nhật trước đó. Đức Thánh Cha đã phải nhờ các trợ lý đọc các bài phát biểu trước công chúng của mình kể từ khi Vatican thông báo rằng ngài đang mắc các triệu chứng “cúm nhẹ” vào cuối tháng Hai.

Bài cjhia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha hôm thứ Tư tập trung vào thói kiêu ngạo, điều mà Đức Thánh Cha cho là “tật xấu đứng đầu” của mọi thói tật.

“Những ai nhượng bộ thói xấu này đều xa cách Thiên Chúa, và việc sửa chữa sự sai trái này đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực, hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được mời gọi tham gia”.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên hệ thói kiêu ngạo với sự tự đắc, chủ đề của buổi tiếp kiến chung tuần trước, đồng thời cảnh báo: “Nếu thói kiêu ngạo là một căn bệnh của con người, thì nó vẫn là một căn bệnh ấu trĩ khi so sánh với sự tàn phá mà sự kiêu ngạo có thể gây ra”.

Thói kiêu ngạo là điều “xấu xa”, Đức Thánh Cha nói, và nó nghiêm trọng hơn sự tự đắc, vì nó phát sinh từ “sự tuyên bố xuẩn ngốc rằng mình giống như Thiên Chúa”.

Đề cập đến truyền thống đan tu thời cổ đại và sử thi “The Divine Comedy” (Thần Khúc) của Dante Alighieri, Đức Thánh Cha lưu ý rằng có một “chuỗi các tệ nạn”, hoặc thứ bậc các thói tật, bắt đầu bằng thói ham ăn tục uống và lên đến đỉnh điểm là thói kiêu ngạo.

Nhấn mạnh những ảnh hưởng của sự kiêu ngạo trong cuộc sống hàng ngày, Đức Thánh Cha lưu ý rằng nó “hủy hoại các mối tương quan giữa con người với nhau” và gây ra sự chia rẽ thay vì thúc đẩy sự liên đới huynh đệ.

Đức Thánh Cha mô tả “người kiêu ngạo” là người có ý thức thổi phồng về bản thân và vị thế của mình trên thế giới, đồng thời nói thêm rằng đây là “người lo lắng về việc được công nhận là vĩ đại hơn những người khác, luôn muốn thấy giá trị của chính mình được công nhận, và coi thường người khác, coi họ thấp kém hơn mình”.

Dựa trên đặc điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra những gì ngài coi là đặc điểm của người bị khuất phục trước sự kiêu ngạo, đồng thời lưu ý rằng người kiêu ngạo là người “cứng nhắc” hoặc không linh hoạt, và là người “dễ bị đưa đến sự phán xét đầy khinh miệt”.

“Không có lý do gì, anh ta đưa ra những phán xét không thể thay đổi đối với người khác, những người mà đối với anh ta dường như là những người kém cỏi và không có khả năng. Qua sự kiêu ngạo của mình, anh ta quên rằng Chúa Giêsu trong Tin Mừng đã ban cho chúng ta rất ít giới luật luân lý, nhưng với một trong số đó Ngài không khoan nhượng: đừng bao giờ phán xét”, Đức Thánh Cha nhận xét.

“Rất ít ai có thể làm gì với một người mắc chứng kiêu ngạo. Không thể trò chuyện với họ, càng không thể sửa sai họ, bởi vì chung quy họ không còn hiện diện với chính mình nữa. Người ta chỉ cần kiên nhẫn với họ, bởi vì một ngày nào đó ý niệm kiêu ngạo của họ sẽ sụp đổ”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Cuối bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu “tận dụng Mùa Chay này để chiến đấu chống lại sự kiêu ngạo của chúng ta”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “sự cứu rỗi đến từ sự khiêm nhường, phương thuốc đích thực cho mọi hành vi kiêu ngạo”.

Đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc lời kêu gọi ở cuối bài diễn văn, trong đó ngài nhắc lại lời kêu gọi hòa bình ở những khu vực bị chiến tranh tàn phá: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube