Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Sự tham lam không chỉ liên quan đến người giàu, ước gì của cải của chúng ta là phúc lành cho người khác’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 24 tháng 1 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 24 tháng 1 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 24 tháng 1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào thói xấu ngăn cản con người chúng ta thể hiện tinh thần quảng đại. Lời cảnh báo được đưa ra trước Ngày Tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát Shoah: “Logic của sự hận thù và bạo lực không bao giờ có thể được biện minh, bởi vì chúng phủ nhận chính nhân tính của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nhớ điều này trong các cuộc chiến tranh ngày nay”.

Tham lam “là căn bệnh của trái tim, chứ không phải của ví tiền”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói điều này trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 24 tháng 1, được tổ chức tại Đại thính đường Phaolô VI. Như một phần của loạt bài chia sẻ Giáo lý về các tội trọng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào “hình thức quyến luyến tiền bạc vốn ngăn cản người ta thể hiện tinh thần quảng đại”.

“Đó không phải là tội chỉ liên quan đến những người sở hữu tài sản lớn, mà là một tội lỗi xuyên suốt, thường không liên quan gì đến số dư tài khoản vãng lai”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc chính các Giáo phụ trong sa mạc đã luôn ghi nhớ rằng sự tham lam có thể tồn tại “ngay cả với những tu sĩ, những người sau khi từ bỏ những tài sản thừa kế to lớn, trong sự cô độc trong căn phòng nhỏ của mình đã trở nên gắn bó với những đồ vật ít giá trị: họ không cho mượn, không chia sẻ, càng không sẵn lòng cho đi những thứ đó”.

Để chữa lành căn bệnh này, các tu sĩ đã đề xuất một phương pháp quyết liệt nhưng rất hiệu quả: suy ngẫm về cái chết. “Cho dù một người có tích lũy của cải nhiều đến bao nhiêu trên thế giới này – Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét – chúng ta hoàn toàn chắc chắn một điều rằng: chúng sẽ không vừa với quan tài”.

Nhưng cái nhìn này cũng bộc lộ gốc rễ sâu xa nhất của lòng tham lam: “nỗ lực xua đuổi nỗi sợ phải chết: tìm kiếm sự an toàn thực sự sụp đổ vào thời điểm chúng ta nắm bắt được chúng”.

“Chúng ta có thể trở thành ông chủ của những của cải chúng ta sở hữu – Đức Thánh Cha nhận xét – nhưng điều ngược lại thường xảy ra: cuối cùng chúng mới là những thứ làm chủ chúng ta. Một số người giàu không còn tự do, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, phải gánh vác vì việc tích lũy của cải cũng đồi hỏi cần phải có sự quan tâm của họ”.

Thay vào đó, “Thiên Chúa không nghèo: tuy nhiên, Ngài là Chúa tể của mọi sự – như Thánh Phaolô viết – ‘mặc dầu giàu có, Ngài đã trở nên nghèo vì anh em, để qua sự nghèo khó của Ngài, anh em có thể trở nên giàu có’ (2 Cr 8:9)”.

Đó chính xác là điều mà “người keo kiệt không hiểu – Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận – Đáng lẽ anh ta có thể là nguồn phúc lành cho nhiều người, nhưng thay vào đó, anh ta lại đi vào ngõ cụt của sự bất hạnh. Và cuộc sống của người keo kiệt thật tồi tệ. Chúng ta hãy cẩn thận và rộng lượng với tất cả mọi người và rộng lượng với những người cần chúng ta giúp đỡ nhất”.

Trong lời chào mừng các tín hữu, Đức Thánh Cha đã nhân cơ hội Ngày tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát Shoah, được cử hành vào thứ Bảy, để một lần nữa lên tiếng chống lại sự khủng khiếp của chiến tranh.

“Ký ức và sự lên án đối với hành động tàn sát khủng khiếp hàng triệu người Do Thái và những người thuộc các tôn giáo khác xảy ra vào nửa đầu thế kỷ trước – giúp mọi người không quên rằng logic của sự hận thù và bạo lực không bao giờ có thể được biện minh, bởi vì chúng phủ nhận nhân tính của chúng ta. Bản thân chiến tranh là sự phủ nhận tính nhân văn. Chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình, để các cuộc xung đột có thể chấm dứt, vũ khí được chấm dứt và dân chúng đang kiệt sức được giúp đỡ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi nghĩ đến Trung Đông, Palestine và Israel – Đức Thánh Cha tiếp tục – tôi nghĩ đến những tin tức đáng lo ngại đến từ Ukraine đang chịu dày vò khốn khổ, đặc biệt là các vụ đánh bom xảy ra ở những nơi có dân thường sinh sống, gieo rắc sự chết chóc, sự tàn phá và đau khổ. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ: Tôi cầu xin tất cả mọi người, đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị, hãy bảo vệ sự sống con người bằng cách chấm dứt chiến tranh. Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một sự thất bại, chỉ có nhà sản xuất vũ khí mới giành chiến thắng”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube