Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ Hồng y Đoàn: ‘Chúng ta cùng chịu trách nhiệm đối với Giáo hội’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 8 năm 2022 (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Chúng ta có cùng sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới giống như các Tông đồ cách đây 2.000 năm, một thực tế khiến chúng ta phải kinh ngạc về vị trí trách nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ với Hồng y Đoàn hôm thứ Ba.

“Chúng ta tiếp tục kinh ngạc trước quyết định không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng cho toàn thể thế giới, bắt đầu từ nhóm các môn đệ thuộc tầng lớp khố rách áo ôm đó, một số người – như các Thánh sử đã nói với chúng ta – vẫn còn nghi ngờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô hôm 30 tháng 8.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta cũng sẽ kinh ngạc không kém nếu chúng ta tự nhìn lại chính mình, đang cùng nhau quy tụ nơi đây ngày hôm nay, những người mà Chúa Giêsu đã nói những lời đó, được trao cho cùng một sứ mạng đó”.

Kinh ngạc là một cách thức để được cứu rỗi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nguyện xin Thiên Chúa giữ cho nó luôn tồn tại trong trái tim chúng ta, vì nó giúp chúng ta thoát khỏi sự cám dỗ của suy nghĩ rằng chúng ta có thể ‘xoay sở mọi thứ’. Hoặc khỏi cảm giác an toàn giả tạo khi nghĩ rằng ngày nay đã khác đi một cách nào đó, không còn giống như thuở ban đầu nữa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay Giáo hội lớn mạnh, vững chắc, và chúng ta nắm giữ những vị trí nổi bật trong hàng giáo phẩm…Ở đây có sự chân thật, nhưng cũng có nhiều sự dối trá, theo đó, cha đẻ của sự dối trá tìm cách khiến những người theo Chúa Giêsu Kitô trước hết trở nên trần tục, sau đó trở nên tẻ nhạt”.

Thánh lễ cùng với Hồng y Đoàn được cử hành để cầu nguyện cho Giáo hội. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên Trưởng Hồng y Đoàn, đã chủ sự Phụng vụ Thánh Thể, và Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết giảng trong Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã chỉ trích “căn bệnh ung thư của sự trần tục trong đời sống tâm linh”.

Một thừa tác viên của Giáo hội, Đức Thánh Cha nói, là “người cảm thấy kinh ngạc trước kế hoạch của Thiên Chúa và với tinh thần đó, nhiệt thành yêu mến Giáo hội và luôn sẵn sàng phục vụ sứ mạng của Giáo hội ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ theo cách thức nào Chúa Thánh Thần có thể chọn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng các tín hữu Công giáo nên kinh ngạc không chỉ về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, mà còn về “sự thật còn kinh ngạc hơn” mà Thiên Chúa mời gọi họ tham gia vào kế hoạch này.

Đối với các tín hữu Công giáo, có một “mầu nhiệm kép về việc chúng ta được chúc phúc trong Đức Kitô và về việc cùng với Đức Kitô đi vào thế giới”.

“Sự kinh ngạc này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tân Hồng y, “không giảm đi theo năm tháng; nó không suy yếu với trách nhiệm ngày càng tăng của chúng ta trong Giáo hội. Không, tạ ơn Chúa. Nó phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn”.

Thánh lễ với các tân Hồng y sau hai ngày họp kín với Hồng y Đoàn để thảo luận về việc cải tổ Giáo triều Rôma của Đức Thánh Cha Phanxicô, như được quy định trong Tông Hiến Praedicate Evangelium.

197 Hồng y đã tham gia Công nghị Hồng y ngoại thường, Công nghị đầu tiên theo hình thức như vậy trong vòng bảy năm qua.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Thông điệp Ecclesiam Suam năm 1964 của Ngài về Giáo hội.

Thánh Phaolô VI đã yêu mến Giáo hội bằng “một tình yêu trước hết là lòng biết ơn, sự ngạc nhiên trong tâm tình biết ơn trước sự huyền nhiệm của Gáo hội và món quà của việc chúng ta không chỉ là thành viên của Giáo hội, mà còn tham gia vào đời sống của Giáo hội, chia sẻ và, thật vậy, cùng chịu trách nhiệm đối với Giáo hội”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Khi bắt đầu Thông điệp Ecclesiam Suam của mình, được viết trong Công đồng [Vatican II]”, Đức Phanxicô nói, “ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu Đức Phaolô VI là ‘Giáo hội cần trau dồi nhận thức sâu sắc hơn về bản sắc của mình… nguồn gốc và sứ mạng của Giáo hội’”.

“Về vấn đề này, Đức Phaolô VI đã đề cập rõ ràng đến Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, đến ‘mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa… để thông qua Giáo hội… điều đó có thể được biết đến’”.

“Đây chính là trường hợp của Thánh Phaolô Tông đồ, như chúng ta thấy từ các lá thư của Ngài. Lòng nhiệt thành Tông đồ của Ngài và sự quan tâm đến cộng đoàn luôn đi kèm, và thực sự đi trước bằng những lời chúc tụng đầy kinh ngạc và biết ơn: ‘Chúc tụng Thiên Chúa…’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Chớ gì đó cũng là trường hợp của chúng ta”, Đức Thánh Cha kết luận. “Chớ gì đó cũng là trường hợp của mỗi người trong số các huynh đệ Hồng Y thân mến. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu bầu để Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn này”.

Minh Tuệ (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube