Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Hòa bình đòi hỏi cần phải hiểu biết người khác, lắng nghe và linh hoạt về trí tuệ’

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad al-Tayyeb (trái) trong chuyến viếng thăm UAE vào tháng 2 năm 2019 (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad al-Tayyeb, trong chuyến viếng thăm UAE vào tháng 2 năm 2019 (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp tới các tham dựvieen tham gia Đại hội Quốc tế lần thứ 4 của Nền tảng Nghiên cứu Đại học về Hồi giáo, được tổ chức tại Abu Dhabi, UAE. Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký Tuyên bố chung về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình thế giới và Cùng chung sống vào ngày 4 tháng 2 năm 2019.

Không hiểu biết và không lắng nghe người khác, thiếu linh hoạt trí tuệ là ba “nguyên nhân sâu xa” của chiến tranh và sự bất công vốn “hủy hoại Tinh thần Huynh đệ Nhân loại”, và phải được xác định rõ ràng nếu nhân loại muốn tìm được “sự khôn ngoan và hòa bình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định mạnh mẽ lập trường này trong thông điệp ngài gửi hôm Chúa Nhật tới các tham dự viên tham gia Đại hội PLURIEL lần thứ tư, Nền tảng Nghiên cứu Đại học về Hồi giáo ở Châu Âu và Lebanon, diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 4-7 tháng 2 theo khuôn khổ chủ đề “Hồi giáo và Tinh thần Huynh đệ Nhân loại: Tác động và Triển vọng của Tuyên bố Abu Dhabi về việc Cùng nhau chung sống”.

Đại hội

Nền tảng học thuật được Liên đoàn các trường Đại học Công giáo Châu Âu (FECU) thành lập vào năm 2014 như một không gian dành cho các học giả làm việc về Hồi giáo và đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo để chia sẻ nghiên cứu và ý tưởng của họ, đồng thời khuyến khích sự tương tác giữa các học giả và các chủ thể xã hội.

Hội nghị, được xây dựng dựa trên các đại hội trước được tổ chức vào năm 2016, 2018 và 2022, được tổ chức với sự hợp tác của Bộ Khoan dung và Cùng chung sống của UAE nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tuyên bố về “Tinh thần Huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Cùng nhau chung sống” được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad al-Tayyeb, vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 trong chuyến Tông du tới đất nước này.

Với hơn 57 diễn giả và chủ tịch từ 40 trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp bốn châu lục, cuộc họp mặt nhằm đánh giá việc tiếp nhận tài liệu mang tính bước ngoặt này và khám phá những thay đổi cần thiết để thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại toàn cầu trong bối cảnh xã hội, chính trị và thần học.

Tình huynh đệ nhân loại đang đối mặt với những thách thức từ những bất công và chiến tranh

Đức Thánh Cha Phanxicô “nhiệt liệt chúc mừng” ban tổ chức về địa điểm và chủ đề được chọn, vào thời điểm khi mà tình huynh đệ và sự chung sống toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức từ những bất công và chiến tranh, điều mà ngài nhắc lại, “luôn là một sự thất bại đối với nhân loại”.

 Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tài liệu Abu Dhabi trở thành chủ đề nghiên cứu và suy ngẫm trong các cơ sở giáo dục nhằm nuôi dưỡng các thế hệ mới cam kết xây dựng hòa bình, công lý và vận động cho quyền của những người “thấp kém nhất” trong xã hội.

Tầm quan trọng của giáo dục đối với đối thoại và gặp gỡ

Thông điệp lưu ý rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự tàn ác của chiến tranh là do thiếu sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và thay đổi nhận thức tiêu cực về “người khác là anh chị em của chúng ta trong nhân loại” để khởi động các tiến trình hòa bình có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người.

Do đó tầm quan trọng cốt yếu của giáo dục: “Hòa bình mà không có nền giáo dục dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết người khác thì quả thực không có giá trị”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. ”Nếu chúng ta muốn xây dựng thế giới mà chúng ta mong muốn này, trong đó chúng ta lấy đối thoại làm con đường, sự hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn, thì con đường mà ngày nay phải theo là giáo dục đối thoại và gặp gỡ”.

Lắng nghe người khác

Nhắc lại rằng trí tuệ của con người, trái ngược với trí tuệ nhân tạo, về cơ bản là “có tính tương quan”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh sức mạnh của việc lắng nghe người khác và vai trò của đối thoại đích thực trong việc hiểu các quan điểm khác nhau. Quả thực, việc thiếu lắng nghe là “cái bẫy thứ hai gây tổn hại cho tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói. “Để tranh luận, chúng ta phải học cách lắng nghe, tức là im lặng và sống chậm lại, trái ngược với xu hướng hiện nay của thế giới sôi động hậu hiện đại, đầy hình ảnh và ồn ào”.

“Có thể tránh được biết bao nhiêu tệ nạn nếu có thêm sự lắng nghe, sự im lặng và những lời nói chân thật cùng một lúc, trong các gia đình, các cộng đồng chính trị hoặc tôn giáo, trong chính các trường đại học và giữa các dân tộc và các nền văn hóa!”.

“Việc tạo ra những không gian để chào đón những ý kiến khác nhau không phải là một sự lãng phí thời gian mà là một lợi ích nhân bản”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Cần sự linh hoạt về trí tuệ

Mặt khác, thông điệp tiếp tục, tranh luận hàm ý một nền giáo dục về tính linh hoạt về trí tuệ nhằm làm cho các cá nhân trở nên linh hoạt, cởi mở và có tính huynh đệ. Sự khôn ngoan, tìm đến người khác, coi trọng quá khứ và tham gia đối thoại với hiện tại, Đức Thánh Cha lưu ý, đồng thời nhắc lại những lời của ngài tại Hội nghị Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Al-Azhar, Cairo, vào năm 2017.

Giấc mơ về tình huynh đệ trong hòa bình không được chỉ giới hạn ở lời nói

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tham dự viên tham gia hội nghị đừng để “giấc mơ về tình huynh đệ trong hòa bình chỉ giới hạn trong lời nói” và đồng thời khuyến khích họ đón nhận việc đối thoại trong tất cả sự phong phú của nó, vun trồng sự linh hoạt và lắng nghe thế giới.

 “Hãy luôn tò mò, trau dồi sự linh hoạt, lắng nghe thế giới, đừng sợ hãi thế giới này, hãy lắng nghe người anh em của bạn, người mà bạn không chọn mà là người mà Thiên Chúa đã đặt để bên cạnh bạn để bạn học cách yêu thương”.

Các chủ đề được thảo luận ở Abu Dhabi

Hội nghị kéo dài bốn ngày sẽ được trình bày xoay quanh ba lĩnh vực chủ đề nhằm khám phá các khía cạnh và thách thức khác nhau vốn có trong việc thúc đẩy tinh thần huynh đệ nhân loại.

Chủ đề pháp lý xã hội sẽ xem xét vấn đề quyền công dân đầy đủ trong các xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo, đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ pháp lý cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Mục đích sẽ là đánh giá những thực hành tốt cũng như những mối quan ngại liên quan đến tự do tôn giáo và việc công nhận các quyền của các nhóm thiểu số. Lĩnh vực chủ đề thứ hai sẽ là địa chính trị, trong đó các tham dự viên sẽ xem xét vai trò của tôn giáo và ý thức hệ trong các cuộc xung đột hiện nay. Nó sẽ tìm cách xác định các ví dụ tích cực về các quá trình nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự không khoan dung về tôn giáo. Nó cũng sẽ khám phá cách các chính phủ và tổ chức quốc tế có thể thu hút các tác nhân tôn giáo vào việc thúc đẩy các mục tiêu chung như phát triển bền vững, nhân quyền và hòa bình.

Cuối cùng, chủ đề thần học-đối thoại sẽ khám phá suy tư thần học được Tài liệu về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại thúc đẩy, phân tích cách các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo đang tái xem xét cách hiểu của họ về tình huynh đệ và sứ mạng để đáp lại lý tưởng về tình huynh đệ toàn diện này.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube