Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các Tu sĩ và giáo dân đã giúp đỡ các bệnh nhân HIV/AIDS

Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư cho Michael O’Loughlin, nhà báo và người dẫn chương trình podcast về công việc của một số đại diện của Giáo hội trong thời kỳ cao điểm của đại dịch HIV/AIDS vào những năm 1980 và 1990. Đức Thánh Cha ca ngợi “lòng thương xót” được thể hiện bởi những người này, bao gồm nhiều người đã đặt nghề nghiệp và danh tiếng của họ trước những rủi ro nghiêm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nhiều Linh mục, Nữ tu và giáo dân đã giúp đỡ những bệnh nhân HIV và AIDS, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của họ, trong những năm 1980 và 1990 khi đại dịch của một loại vi rút chưa được biết đến vào thời điểm bấy giờ có tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận sự phục vụ của những cá nhân này trong một bức thư gửi cho Michael O’Loughlin, nhà báo, phóng viên của tạp chí “America” của Hoa Kỳ và là tác giả của một ấn phẩm được phát hành gần đây có tiêu đề “Lòng thương xót thầm lặng: AIDS, người Công giáo và những câu chuyện chưa kể về Lòng trắc ẩn khi đối diện với sự sợ hãi”.

Trong bức thư ngắn gọn, Đức Thánh Cha viết: “Cám ơn anh chị em vì lời chứng của rất nhiều Linh mục, Nữ tu và giáo dân, những người đã chọn đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ những anh chị em của họ đang phải chịu đựng căn bệnh HIV và AIDS trước nguy cơ cao đối với nghề nghiệp và danh tiếng của họ”.

“Thay vì thờ ơ, xa lánh và thậm chí lên án”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “những người này đã để cho mình bị đánh động bởi Lòng thương xót của Chúa Cha và để cho lòng thương xót trở thành hoạt đọng trong cuộc đời của họ; một lòng thương xót kín đáo, âm thầm và ẩn giấu, nhưng vẫn có khả năng duy trì và phục hồi sự sống và lịch sử cho mỗi người chúng ta”.

Sứ mạng chăm sóc và trợ giúp của Giáo hội

Việc chăm sóc và giúp đỡ bệnh nhân AIDS, bao gồm cả hỗ trợ tinh thần, là một phần trong sứ mạng của Giáo hội ngày nay, tuy nhiên, trước đây không phải lúc nào cũng như vậy.

Vào đầu những năm 1980, khi các nhà khoa học phát hiện ra ở một số bệnh nhân ở Hoa Kỳ sự khởi phát của căn bệnh mới gây chết người lúc đó – không có triệu chứng ở giai đoạn đầu và rất dễ lây lan – một sự khiếp sợ kinh hoàng trong xã hội nhanh chóng lan rộng, dẫn đến sự phân biệt đối xử và kỳ thị đối với những người có liên quan, ngay cả khi chỉ tiềm năng.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử

Ở thành phố New York, nơi có tỷ lệ người mắc bệnh AIDS cao, đôi khi những người mắc bệnh thậm chí còn bị các bệnh viện từ chối. Sự từ chối này đặc biệt ảnh hưởng đến những người đồng tính luyến ái, những người mà trong số đó xảy ra sự lây lan rộng nhất của các trường hợp AIDS. Trên thực tế, bản thân căn bệnh này ban đầu được gọi là Hội chứng suy giảm miễn dịch liên quan đến người đồng tính, và trong một thời gian dài, những người đồng tính đã bị sa thải khỏi công việc và bị loại khỏi các Giáo xứ, vì có nhiều thành viên của hàng Giáo phẩm của Giáo hội gọi loại vi rút này là “một sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với hành vi tính dục trái với luân lý”.

Quan điểm này được duy trì trong nhiều năm, thậm chí ngay cả sau khi các trường hợp bệnh nhân không phải là người đồng tính, những người nghiện ma túy, những người mắc bệnh máu không đông Hemophiliacs, xuất hiện. Chỉ mới vào năm 1982, căn bệnh này được đặt tên là Hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Mẹ Têrêsa Calcutta

Chính giữa bầu khí của sự từ chối và sự sợ hãi mà Mẹ Têrêsa đã can thiệp. Vào dịp Lễ Giáng sinh năm 1985, Nữ tu người Albania, Đấng sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái – đã hội kiến Đức Tổng Giám mục Địa phận New York, Đức Hồng y Terence Cooke, với cùng một tinh thần mà trong nhiều năm Mẹ đã phục vụ những người mắc bệnh phong ở Calcutta và “những người không thể chạm tới” ở Ấn Độ. Mẹ Têrêsa Calcutta đã thành lập “Món quà của Tình yêu”, một tổ chức tiếp nhận và chăm sóc các bệnh nhân AIDS.

Một vài năm sau, chính vị Thánh truyền giáo đã nhắc lại những ngày đầu của công việc phục vụ đó: “Chúng tôi bắt đầu với 15 giường vì có nhiều người bệnh, và những bệnh nhân đầu tiên là bốn thanh niên mà tôi đã cố gắng giúp họ bước ra khỏi nhà tù vì họ không muốn chết ở đó. Tôi đã cho xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ cho họ, để những thanh thiếu niên trẻ tuổi này, những người có lẽ chưa bao giờ gần gũi với Chúa Giêsu hoặc có lẽ đã rời xa Ngài, có thể, nếu họ muốn, một lần nữa đến gần với Ngài”.

“Dần dần, tạ ơn Chúa, trái tim của họ đã không còn chai cứng”, Mẹ Têrêsa kể lại, liên quan đến câu chuyện về cuộc gặp gỡ của Mẹ với một trong những thanh niên trẻ tuổi, trong giai đoạn cuối của căn bệnh, cần phải được chuyển đến bệnh viện, nhưng đã đề nghị được ở lại mái ấm để được gần gũi với Chúa Giêsu và với Mẹ, vì những cơn đau đầu, đau lưng và chân tay đã nhắc nhở anh về những sự đau đớn của Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Mẹ Têrêsa vẫn có lẽ là trường hợp nổi tiếng nhất, nhưng ngay cả trước Mẹ, đã có nhiều Nữ tu, Linh mục, Tu sĩ và giáo dân đã dấn thân trợ giúp và chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và đặc biệt là giữa những năm 1982-1996, đỉnh điểm của căn bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh công việc từ thiện này, các bệnh nhân cũng phải chiến đấu với một trận chiến chống lại sự xét đoán và những định kiến.

Nữ tu Carol Baltosiewich

Một ví dụ khác là của Nữ tu Carol Baltosiewich, một y tá là một trong những người đầu tiên làm việc với những bệnh nhân AIDS và người thường đụng độ với những người chỉ trích công việc của mình. Kinh nghiệm của Nữ tu Baltosiewich đã được kể lại trong cuốn sách của tác giả O’Loughlin, bao gồm một số được trích từ các cuộc phỏng vấn của Sơ.

Việc chăm sóc những người khác

Ông O’Loughlin cũng là tác giả của podcast, “Plague” (Dịch bệnh), được dành riêng cho vấn đề về  các trường hợp nhiễm AIDS. Trong câu trả lời từ Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thánh Cha cho biết rằng ngài đã bị đánh động bởi cách chúng ta sẽ bị xét đoán: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25: 35).

Năm 2008, chính Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Buenos Aires, đã rửa chân cho 12 bệnh nhân HIV/ AIDS trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Gần đây hơn, trong chuyến viếng thăm Panama vào tháng 1 năm 2019 nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Mái ấm Casa Hogar Buen Samaritano, nơi tiếp nhận nhiều người dương tính với HIV.

Vào dịp đó, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “người Samaritanô nhân hậu, cho dù trong câu chuyện dụ ngôn hay trong tất cả các mái ấm của anh chị em, cho chúng ta thấy rằng người lân cận của chúng ta, trước hết, là một người, một người nào đó có khuôn mặt thực sự, cụ thể, chứ không phải là một thứ gì đó để bị né tránh hoặc bị phớt lờ, bất kể tình huống của họ có thể là gì”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube