Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Bất chấp lợi ích kinh tế, xã hội phải đảm bảo công bằng xã hội’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón các tham dự viên tham gia cuộc tham vấn tại Vatican, có tựa đề: "Care is Work, Work is Care" khi ngài đến dự cuộc gặp gỡ của họ tại Vatican ngày 8 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón các tham dự viên tham gia cuộc tham vấn tại Vatican, có tựa đề: “Care is Work, Work is Care” khi ngài đến tham dự cuộc gặp gỡ của họ tại Vatican ngày 8 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Mặc dù ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường có thể cản trở con người thúc đẩy công bằng xã hội, xã hội không thể im lặng trước các hoạt động lao động bất công và các cơ cấu kinh tế bóc lột, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Xã hội hiện đại có nguy cơ “chấp nhận một cách thụ động những gì xảy ra xung quanh chúng ta với một sự thờ ơ nhất định hoặc bởi vì chúng ta không có điều kiện để hiểu những vấn đề thường phức tạp và tìm ra những giải pháp thích hợp cho chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm 8 tháng 5.

Đức Thánh Cha khuyến khích các học giả, người sử dụng lao động, các tổ chức của người lao động và các tổ chức dựa trên đức tin tham gia vào cuộc tham vấn của Vatican về việc triển khai các thực hành lao động công bằng nhằm “tập trung vào mối quan hệ giữa công việc phù hợp với phẩm giá và công bằng xã hội”.

“Cách diễn đạt ‘công bằng xã hội’ này xuất hiện trong các Thông điệp xã hội của các Giáo hoàng, là một từ không được nền kinh tế hàng đầu, tự do chấp nhận”, Đức Thánh Cha nói.

Được tổ chức bởi dự án “Tương lai của việc làm, Lao động sau Laudato Si’”, Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế và Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, cuộc tham vấn kéo dài 3 ngày đã đưa 60 tham dự viên đến Rôma từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về phẩm giá của lao động, chuyển đổi môi trường, di cư và công bằng xã hội.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc tham vấn vào ngày 8 tháng 5, Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã kêu gọi các tham dự viên áp dụng cách tiếp cận “Hiệp hành” cho các cuộc thảo luận của họ, điều có thể chứng kiến “những đồng minh khó có thể xuất hiện” đoàn kết vì thiện ích chung.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tham dự viên rằng điều kiện làm việc phải được xem xét dưới góc độ tác động môi trường của lao động, đặc biệt lưu ý việc các ngành công nghiệp khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô “với mục đích duy nhất là đáp ứng thị trường của các quốc gia công nghiệp hóa phía Bắc” nhưng lại thường tạo ra những điều kiện làm việc nguy hiểm, “trong đó có ô nhiễm thủy ngân hoặc lưu huỳnh dioxide trong mỏ”.

Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến vấn đề khan hiếm lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh như Gaza và Sudan, điều mà ngài cho rằng nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và bị làm cho trở nên trầm trọng hơn bởi “những điểm yếu về cơ cấu như nghèo đói, sự phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực và cơ sở hạ tầng bấp bênh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng xã hội không thể quên mối quan hệ giữa việc làm có phẩm giá và vấn đề di cư.

“Do thành kiến và thông tin không chính xác hoặc mang tính ý thức hệ”, Đức Thánh Cha nói, người di cư “thường bị coi là một vấn đề và gánh nặng đối với chi phí của một quốc gia, trong khi trên thực tế, bằng cách làm việc, họ đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước tiếp nhận họ và quê hương của họ” bằng cách gửi tiền về cho gia đình họ.

Di cư cũng giúp các quốc gia giàu có xử lý “vấn đề rất nghiêm trọng” do tỷ lệ sinh giảm gây ra, Đức Thánh Cha nói, nhưng thường thì người di cư vẫn bị tước đoạt các quyền đầy đủ của họ ở các quốc gia đó, bao gồm cả việc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài chính và dịch vụ xã hội.

Minh Tuệ (theo Catholic Review)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube