Đức TGM Peter Loy Chong: 'Mực nước biển dâng cao đe dọa hòn đảo chính'

Đức Tổng Giám mục Peter Loy Chong cảnh báo: “Hòn đảo của chúng ta đang dần biến mất”

Nhiều phần của hòn đảo chính của Fiji đang trên đà biến mất do mực nước biển dâng cao, theo vị Tổng giám mục của đất nước này, người đã cảnh báo rằng giờ đây “nó chính là vấn đề sống còn” để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu.

Mô tả cuộc khủng hoảng sinh thái vốn đang đe dọa nhấn chìm Viti Levu, hòn đảo lớn nhất của Fiji, Đức Tổng giám mục Peter Loy Chong Địa phận Suva, đã mô tả về tình trạng phá hủy môi trường xảy ra tràn lan – với việc cây cối bị chặt hạ và các con sông bị ô nhiễm.

FIJI / SUVA 17/00023 Support to maintain Nazareth Prayer Centre for Christian meditation in Fiji: Group photo

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, một tổ chức từ thiện Công giáo, ngài nói: “Chúng ta có thể tận mắt chứng kiến – mực nước đại dương đang càng ngày càng gia tăng mỗi năm, vì vậy hòn đảo Viti Levu của chúng ta đang dần biến mất”.

Liên quan đến vấn đề dân số của hòn đảo, ước tính khoảng 600.000 người, Đức TGM Chong đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để di dời người dân ra khỏi vùng nước biển đang ngày càng dâng cao.

“Điều đó nói về ngôi nhà của chúng ta. Nhiều người trong số họ sẽ chìm dưới nước trong thời gian 50 năm nữa”.

Đề cập đến tình trạng thủy triều dâng cao, Đức TGM Chong nói: “Đó không chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên. Ngược lại, trong những năm tới, những người dân hiện đang sinh sống ở 34 ngôi làng ven biển ở Fiji sẽ phải đối mặt với những biến động vốn buộc họ phải di dời nhà cửa, do tình trạng gia tăng mực nước biển”.

Đức TGM Chong cho biết thêm: “Người dân đảo Thái Bình Dương hiện đang phải chịu những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là một vấn đề sống còn”.

Đức Tổng giám mục Chong tiếp tục nhấn mạnh những tác động của những thiệt hại gây ra đối với môi trường.

Ngài nói: “Hòn đảo của chúng ta đang bị tàn phá, các con sông bị ô nhiễm, cây cối của chúng ta đã bị chặt hạ. Kết quả là những loài cá đang biến mất khỏi các bờ biển của chúng ta”.

Đức Tổng Giám mục Chong cho biết rằng, để đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái, những ưu tiên của ngài đó chính là “vấn đề của việc tôn trọng Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Ngài và đồng thời làm giảm bớt nỗi đau của những người phải chịu đựng những hậu quả đó”.

Nhấn mạnh những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu, ngài nói: “Làm thế nào tôi có thể nói với người dân rằng họ phải học cách để sống với vấn đề này?”.

Đức TGM Chong cho biết thêm: “Người dân của tôi đang kêu khóc. Vậy ai sẽ lau khô những giọt nước mắt của họ?”.

Đức Tổng Giám mục Chong giải thích rằng các nhà chức trách đã lên kế hoạch để toàn bộ các quần thể tại ngôi làng được di chuyển từ khu vực dọc theo bờ biển đến các khu vực nội địa, bao gồm các khu vực đồi núi.

Ngài nói: “Chính quyền Fiji đã xác định những ngôi làng này dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong vòng 5 đến 10 năm tới”.

“Một ngôi làng ở tỉnh Bua đã được chuyển đến Yadua và đã có những kế hoạch để sớm di dời ngôi làng Tavea”.

Những lời nhận xét của Đức Tổng Giám mục Chong đã được đưa ra sau dịp kỷ niệm năm thứ ba Thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô, đề cập đến các vấn đề về biến đổi khí hậu và đồng thời kêu gọi “một cuộc hoán cải môi sinh”.

Đức Tổng Giám mục Chong đã chia sẻ như vậy sau khi tham dự một hội nghị được tổ chức tại Rome liên quan đến việc kỷ niệm 3 năm Thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô.

Đức Tổng Giám mục Chong nói: “Cuộc hoán cải môi sinh sẽ không xảy ra trong sự cô lập. Sự hoán cải này cũng phải là một thứ gì đó bên trong tâm hồn của mỗi cá nhân”.

“Công trình sáng tạo chính là một món quà nhưng đồng thời nó cũng chính là một trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng ta để dày công chăm sóc”.

Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ hiện đang hỗ trợ cho công việc của Giáo Hội tại Fiji, bao gồm việc hỗ trợ cho Trung Tâm Cầu Nguyện Nazareth thuộc Tổng Giáo Phận Suva.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube