Đức TGM Auza chủ tọa sự kiện của LHQ về quyền của phụ nữ

‘Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái tại Châu Phi trong kỷ nguyên của sự thực dân hóa về ý thức hệ’

Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi sự chú ý đối với thực tiễn về điều mà Ngài gọi là “sự thực dân hóa về ý thức hệ”, vốn xảy ra khi các quốc gia hùng mạnh và giàu có, các cơ quan và tổ chức cưỡng buộc các quốc gia đã từng là thuộc địa về quân sự và kinh tế phải chấp nhận những thực tiễn đã bị tục hóa liên quan đến vấn đề tính dục con người, sự sống, gia đình và nhân chủng học, như một điều kiện để được hỗ trợ phát triển.

Đó là những ý tưởng theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hợp Quốc, trong những lời phát biểu của mình tại sự kiện bên lề trong Phiên họp lần thứ 62 của Ủy ban về Thân phận của Phụ nữ, được dành riêng cho chủ đề ‘Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái tại Châu Phi trong kỷ nguyên của sự thực dân hóa về ý thức hệ’. Sự kiện được tài trợ bởi Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc.

Đức Tổng Giám Mục Auza nhấn mạnh rằng không có nơi nào mà sự thực dân hóa ý thức hệ này lại diễn ra nhiều hơn là ở lục địa Châu Phi, nơi mà số tiền dành cho các chương trình kiểm soát dân số đã thu hẹp việc hỗ trợ đối với vấn đề y tế, nước uống, vệ sinh và giáo dục. Đức Tổng Giám mục Auza đã trích dẫn từ Tuyên bố Chung năm 2015 của các Giám mục Công giáo châu Phi và Madagascar vốn mô tả bằng ngôn ngữ rõ ràng về những gì đang xảy ra và những hình thức nói giảm nói tránh vốn đang được sử dụng. Đức Tổng Giám Mục Auza nhấm mạnh rằng hệ thống phát triển “không bao giờ được sử dụng như là phần mềm ác tính ‘Trojan Horse’ để tấn công các giá trị văn hoá và tôn giáo của các quốc gia đang phát triển” và rằng khi điều này xảy ra, nó cần phải được lên tiếng để kêu gọi sự chú ý của mọi người. Tòa Thánh đã tài trợ cho sự kiện làm nổi bật bốn người phụ nữ đến từ Châu Phi, những người đã chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm của họ về việc thực tiễn của việc thực dân hóa ý thức hệ đang ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em châu Phi như thế nào.

auza4-740x493

Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Bernardito Auza:

Kính thưa quý vị,
Kinh thưa các vị diễn giả,
Kính thưa quý vị đại biểu của Ủy ban về Thân phận của Phụ nữ,

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự hiện diện tham dự của toàn thể quý vị tại sự kiện chiều nay với chủ đề ‘Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái tại Châu Phi trong kỷ nguyên của sự thực dân hóa về ý thức hệ’, mà Phái đoàn Quan sát viên thường trực của Toà Thánh đồng tài trợ cùng với Tổ chức ‘Culture of Life Africa’ (Văn hóa Sự sống Châu Phi), Chiến dịch ‘Life Coalition and Human Life International’ (Liên minh Sự sống và Sự sống Con người Quốc tế).

Khi ĐTC Phanxicô trình bày tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 năm 2015, phát biểu ngay trước khi thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững, Ngài đã kêu gọi chú ý tới nhu cầu đối với sự phát triển đôi khi có thể được sử dụng, mà Ngài nói, “như một cái vỏ bọc bên ngoài đối với tất cả các hình thức lạm dụng và tham nhũng, hoặc đối với việc thực hiện một sự thực dân hóa về ý thức hệ bằng cách áp đặt những kiểu mẫu dị thường và những lối sống vốn hoàn toàn xa lạ với bản sắc dân tộc”.

Trong vòng 30 tháng kể từ bài phát biểu đó, ĐTC Phanxicô đã liên tục trở lại chủ đề của việc thực dân hóa về ý thức hệ. Cụm từ này miêu tả nỗ lực của các nhà tài trợ có quyền lực và giàu có để bắt buộc các nước đang phát triển vốn đã từng là thuộc địa về quân sự và kinh tế phải chấp nhận những thực tiễn đã bị tục hoá liên quan đến vấn đề giới tính, sự sống, gia đình và thậm chí là cả vấn đề nhân chủng học cơ bản, như một điều kiện đối với việc được tiếp nhận hỗ trợ phát triển. ĐTC Phanxicô thậm chí đã gọi hình thức tống tiền nhân danh sự phát triển này tương đương như một “cuộc chiến tranh thế giới … không phải bằng các loại vũ khí những với các ý tưởng”.

Vào đầu tháng Giêng, khi ĐTC Phanxicô gặp gỡ các Đại sứ đến từ khắp nơi trên thế giới được công nhận tại Tòa thánh, Ngài đã thảo luận về sự kiện Kỷ niệm lần thứ 70 Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền và tìm cách chú giải về việc thực dân hóa ý thức hệ, thậm chí là việc tôn trọng nhân quyền, cũng đã bị thao túng nhằm nỗ lực thúc đẩy những ý tưởng và thực tiễn mới chống lại phẩm giá con người cũng như giá trị của người dân ở các nước đang phát triển.

“Những ý kiến có thể gây tranh cãi về nhân quyền”, ĐTC Phanxicô nói, “đã gia tăng, trái ngược với văn hoá của nhiều quốc gia. Các quốc gia này cảm thấy rằng họ không được tôn trọng trong các truyền thống văn hoá và xã hội của họ, và thay vào đó họ bị bỏ quên đối với những nhu cầu thực sự mà họ phải đối mặt. Một cách đầy nghịch lý, có một nguy cơ rằng, nhân danh vấn đề nhân quyền, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của các hình thức hiện đại của việc thực dân hóa ý thức hệ bởi những quốc gia hùng mạnh hơn và giàu có hơn, đối với sự thiệt hại cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất”.

Không có nơi nào mà sự thực dân hóa ý thức hệ này lại diễn ra nhiều hơn tại những khu vực đang phát triển tại lục địa Châu Phi, vốn mỗi năm nhận được hơn 50 tỷ đô la viện trợ từ các nhà tài trợ phương Tây. Trong 20 năm qua, đã có một sự thay đổi về ngân sách viện trợ nước ngoài từ các khoản viện trợ phát triển đối với vấn đề giáo dục, y tế, việc cung cấp nước, vệ sinh và các nhu cầu thiết yếu khác có lợi cho các chương trình kiểm soát dân số. Phân tích gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về viện trợ nước ngoài cho Châu Phi (2014) đã cho thấy rằng ngày càng có thêm nhiều khoản tiền được dành cho các chương trình kiểm soát dân số hơn là đối với vấn đề y tế, cung cấp nước, vệ sinh và giáo dục.

Không ai có thể trình bày chi tiết hiện tượng này tốt hơn so với những người hiện đang phải chịu đựng nó. Vào năm 2015, các Giám mục Công giáo châu Phi và Madagascar đã cùng nhau phát biểu trong một Tuyên bố Chung về việc một số chính phủ nước ngoài đang nỗ lực áp đặt các giá trị của họ lên các dân châu Phi như là một điều kiện để được tiếp nhận các nguồn cung cấp y tế khẩn cấp, các khoản đầu tư giáo dục, các hình thức hỗ trợ phát triển cũng như trợ giúp quân sự cơ bản khác. Ngôn ngữ của các Giám mục hết sức mạnh mẽ và cụ thể về việc phẩm giá con người và rất nhiều quyền được ghi trong Tuyên ngôn thế giới hiện đang bị đe dọa để có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết nhằm giúp người dân của họ thoát khỏi đói nghèo.

“Những quyền lợi quá đáng và ích kỷ”, các Giám mục viết, “đang áp đặt trên lục địa của chúng ta với một tốc độ ngày càng tiếp tục gia tăng, với một sự hung hãn không ngừng gia tăng, theo một cách thức được tổ chức và được tài trợ mạnh mẽ hơn, giới thiệu chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa khoái lạc, vốn cả hai đều rất xa lạ với chúng ta và muốn len lỏi vào các xã hội của chúng ta. Đây chính là một sự hồi sinh đáng kinh ngạc của tinh thần thực dân dưới hình thức bề ngoài của những tên gọi đầy hấp dẫn như tự do, bình đẳng, nhân quyền, quyền tự chủ, sự dân chủ hoá và sự phát triển.

Bao cao su, các loại thuốc ngừa thai, các chương trình giáo dục giới tính được ngụy tạo ở đâu đó, … cái được gọi là ‘các biện pháp phá thai an toàn’, đã trở thành những mặt hàng dễ tiếp cận hơn với người dân châu Phi hơn là sự phát triển toàn diện, mà trong đó chúng ta có một nhu cầu thiết yếu như vậy. Không thể phủ nhận rằng dưới hình thức nói giảm nói tránh đối với vấn đề ‘sức khoẻ và tình dục và sức khoẻ sinh sản’, các chương trình như vậy hiển nhiên bị áp đặt như là một điều kiện để được hỗ trợ phát triển. Đó cũng là trường hợp của cái được gọi là “quan điểm về giới tính”, mà theo đó thân phận làm mẹ, đặc tính hôn nhân của con người và gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người phụ nữ sẽ trở thành “những khuôn mẫu có một sự phân biệt đối xử”.

Quá trình của việc thực dân hóa ý thức hệ này cần phải được lên tiếng để kêu gọi sự chú ý của mọi người. Hệ thống phát triển không bao giờ được sử dụng như là phần mềm ác tính ‘Trojan Horse’ để tấn công các giá trị văn hoá và tôn giáo của các quốc gia đang phát triển. Chúng ta không bao giờ có ý chỉ trích việc trợ giúp phát triển, nhưng khi nó trở thành một công cụ của việc áp đặt và kiểm soát các lối sống và các hệ thống giá trị của các quốc gia nghèo hơn, chúng cần phải bị lên án.

Sự kiện hôm nay làm nổi bật bốn tiếng nói, những người sẽ chia sẻ với chúng ta sự chuyên môn và kinh nghiệm của họ về việc thực tiễn của việc thực dân hóa ý thức hệ đang ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em châu Phi như thế nào, đặc biệt là ở những vùng nông thôn rộng lớn của châu lục này. Chúng ta sẽ lắng nghe về những gì đang xảy ra, về việc nó vi phạm thế nào đến các giá trị sâu xa và bản địa của phụ nữ và trẻ em châu Phi, những đau khổ mà nó gây ra, và những cuộc chiến pháp lý không ngừng nghỉ cũng như những sự chia rẽ xã hội mà nó đang gây ra. Họ rất mong muốn chia sẻ với chúng ta về những kinh nghiệm và quan điểm của họ.

Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị vì đã đến để lắng nghe những lời chứng của họ.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube