Đức Phanxicô với các tín hữu Rôma: ‘Đồng nghị tính thể hiện bản chất của Giáo hội’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tín hữu của Giáo phận Rome (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tín hữu của Giáo phận Rome (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong bài diễn văn trước các tín hữu của Giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả tiến trình Thượng hội đồng sẽ bắt đầu vào tháng 10 và tầm quan trọng của Giáo phận khi Giáo hội cùng nhau làm việc để cảm thấy như là một phần của “một dân tộc vĩ đại”.

Ngỏ lời với các tín hữu của Giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Thượng Hội đồng sắp tới – với chủ đề “Vì một Giáo hội Đồng nghị tính: Hiệp thông, Tham gia, Truyền giáo” – như một cuộc hành trình mà toàn thể Giáo hội cùng tham gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Thượng Hội đồng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023, và cuộc hành trình đã được nhận thức như là “một động lực của việc lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi cấp độ của Giáo hội, kêu gọi sự tham gia của toàn thể dân Chúa”.

Giai đoạn một

Giai đoạn đầu tiên của quá trình (tháng 10 năm 2021 – tháng 4 năm 2022) là giai đoạn liên quan đến các Giáo phận riêng lẻ. “Đó là lý do tại sao tôi hiện ở đây, với tư cách là vị Giám mục của anh chị em, để chia sẻ, bởi vì điều rất quan trọng là Giáo phận Rome cam kết với sự xác tín vào cuộc hành trình này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “đồng nghị tính thể hiện bản chất của Giáo hội, hình thức, phong cách, và sứ mạng của Giáo hội”. Từ “Thượng hội đồng” (Synod), trên thực tế, chứa đựng tất cả những gì chúng ta cần hiểu: “cùng nhau bước đi”.

Sách Công vụ Tông đồ

Đề cập đến Sách Công vụ Tông đồ như là “‘cẩm nang’ đầu tiên và quan trọng nhất về Giáo hội học”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng cuốn sách kể lại câu chuyện về một con đường bắt đầu ở Giêrusalem và sau một cuộc hành trình dài kết thúc ở Rome. Con đường này, Đức Thánh Cha nói, kể câu chuyện trong đó Lời Chúa và những người đồng hành hướng sự chú ý và đức tin của họ vào Lời đó cùng nhau bước đi. “Mỗi người đều là một nhân vật chính”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “không ai có thể bị coi là thành phần phụ”. Đôi khi có thể cần phải ngừng lại, thay đổi hướng đi, để vượt qua những xác tín đã kìm hãm chúng ta và ngăn cản chúng ta di chuyển và bước đi cùng nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng có những vấn đề nảy sinh trong việc tổ chức số lượng các Kitô hữu ngày càng gia tăng, và “đặc biệt là trong việc lo liệu cho những nhu cầu của người nghèo”. Cách thức nhằm tìm ra giải pháp, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn Sách Công vụ Tông đồ, “đó là tập hợp nhóm các môn đệ lại với nhau và đưa ra quyết định chỉ định bảy người được tiếng tốt sẽ dấn thân toàn thời gian cho diakonia, lo việc ăn uống”.

Giai đoạn Giáo phận

Trở lại với tiến trình Thượng hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết giai đoạn cấp Giáo phận là rất quan trọng vì nó liên quan đến việc lắng nghe toàn thể những người đã được rửa tội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “có nhiều lực cản để vượt qua hình ảnh về một Giáo hội bị chia rẽ một cách cứng nhắc giữa những người lãnh đạo và những người cấp dưới, giữa những người giảng dạy và những người phải học hỏi, mà quên mất rằng Thiên Chúa muốn đảo ngược vị trí đó. Việc cùng nhau bước đi khám phá chiều ngang chứ không phải chiều thẳng đứng”.

Sensus Fidei

Sensus Fidei (tiếng Latinh: “cảm thức đức tin”) giúp mọi người có đủ tiêu chuẩn về phẩm giá của chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu Kitô”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, để chúng ta có thể phân biệt đâu là đường lối của Tin Mừng trong thời điểm hiện tại”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “Việc thực hiện Sensus Fidei không thể chỉ dừng lại ở việc trao đổi và so sánh các ý kiến mà chúng ta có thể có về chủ đề này hoặc chủ đề kia, khía cạnh duy nhất của học thuyết, hoặc quy tắc kỷ luật đó”. Đức Thánh Cha cho biết thêm, “Ý tưởng của việc phân biệt đa số và thiểu số không thể chiếm ưu thế”.

“Cần phải cảm nhận như là một phần của một dân tộc vĩ đại, những người nhận được những lời hứa thiêng liêng”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “mở ra một tương lai đang chờ đợi tất cả mọi người tham gia vào bữa tiệc do Thiên Chúa chuẩn bị cho tất cả các dân tộc”. Ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Tôi muốn chỉ ra rằng ngay cả trong khái niệm ‘dân Chúa’, vẫn có thể tồn tại những cách diễn giải cứng nhắc và đối nghịch, vẫn bị mắc kẹt trong ý tưởng về một sự độc quyền, một đặc ân, như đã xảy ra với sự giải thích về khái niệm ‘được chọn’, mà các Tiên tri đã sửa lại, chỉ ra cách hiểu nó một cách chính xác”. Đó không phải là một đặc ân, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, mà là một món quà mà ai đó lãnh nhận cho tất cả mọi người, mà chúng ta đã nhận được cho những người khác, một trách nhiệm”.

Thực ra, trong hành trình Thượng hội đồng, việc lắng nghe phải tính đến Sensus Fidei, nhưng không được bỏ qua tất cả những “linh cảm” thể hiện ở nơi chúng ta không ngờ tới: có thể có “linh cảm không có quyền công dân”, nhưng không kém phần hiệu quả.

“Tôi đến đây để khuyến khích anh chị em thực hiện tiến trình đồng nghị này một cách nghiêm túc và để nói với anh chị em rằng Chúa Thánh Thần cần anh chị em”, Đức Thánh Cha kết luận. “Hãy lắng nghe Ngài bằng cách lắng nghe chính mình và đừng bỏ qua hay bỏ lại đằng sau bất cứ ai”. Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói, điều này không chỉ đúng đối với những người hiện diện, mà còn đối với toàn thể Giáo hội, “vốn không chỉ được củng cố bằng cách cải tổ cơ cấu, đưa ra những hướng dẫn, tổ chức các cuộc tĩnh tâm và hội nghị, hoặc bởi các chỉ thị và chương trình, nhưng nếu nó tái khám phá ra rằng đó là một dân tộc khao khát được bước đi cùng nhau, giữa chính nó và với nhân loại. Một dân tộc, dân tộc Rome, chứa đựng sự đa dạng của mọi dân tộc và mọi điều kiện: thật là một sự phong phú phi thường, trong sự phức tạp của nó!”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube