Đức Phanxicô: Việc xưng tội mang lại ‘thời điểm đặc biệt của ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa’

Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên khóa đào tạo năm nay trên diễn đàn nội bộ (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên khóa đào tạo năm nay trên diễn đàn nội bộ (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Linh mục tương lai trong một khóa học hàng năm trên diễn đàn nội bộ, và đồng thời mời họ cử hành Bí tích Hòa giải với trọng tâm là “sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa”.

“Chớ gì năm chuẩn bị cho Năm Thánh này chứng kiến lòng thương xót của Chúa Cha nở rộ trong nhiều tâm hồn và nhiều nơi, để Thiên Chúa ngày càng được yêu mến, được nhìn nhận và tán tụng nhiều hơn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ niềm hy vọng đó vào thứ Sáu tuần trướ khi ngài gặp gỡ các chủng sinh tham gia khóa đào tạo trên diễn đàn nội bộ do Tòa Ân giải Tối cao tổ chức.

Khóa đào tạo hàng năm nhằm hướng dẫn các Linh mục và các Linh mục tương lai đang học tập tại Rôma về nghệ thuật ban Bí tích Hòa giải.

Trải nghiệm ‘vị ngọt ngào’ của tình yêu Thiên Chúa

Trong bài phát biểu đã được soạn sẵn của mình, Đức Thánh Cha nói với các tham dự viên rằng nhiệm vụ của họ là giúp các hối nhân đến với Tòa cáo giải trải nghiệm “vị ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa”.

“Tôi khuyến khích các Cha hãy thể hiện mỗi lần ngồi tòa giải tội như một khoảnh khắc ân sủng độc đáo và không thể lặp lại, đồng thời hãy quảng đại trao ban sự tha thứ của Thiên Chúa, với sự niềm nở, với tình phụ tử, và tôi dám nói, ngay cả với sự dịu dàng của người mẹ”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung suy tư của mình vào ba yếu tố của Kinh Ăn Năn Tội mà hối nhân đọc trong khi xưng tội trước khi lãnh nhận ơn xá giải.

Ăn năn tội lỗi, không kết án mình trong tội lỗi

Trước hết Đức Thánh Cha nói về “sự ăn năn”, đồng thời cho biết rằng nó khác biệt rất nhiều với cảm giác tội lỗi về mặt tâm lý.

Sự ăn năn sám hối, Đức Thánh Cha nói, “hoàn toàn xuất phát từ nhận thức về nỗi khốn cùng của chúng ta trước tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và lòng thương xót vô hạn của Ngài”.

Sự ăn năn của người Kitô hữu không phải là sự tự hủy nhưng tràn đầy sự tin tưởng và phó thác vào sự tha thứ và tình phụ tử của Thiên Chúa.

“Cảm giác tội lỗi tỷ lệ thuận với nhận thức về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói. “Càng cảm nhận được sự dịu dàng của Ngài, chúng ta càng mong muốn được hiệp thông trọn vẹn với Ngài, và sự xấu xa của sự ác trong cuộc sống của chúng ta càng trở nên rõ ràng hơn”.

Tin tưởng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang khía cạnh của “sự tin tưởng phó thác”, như Kinh Ăn Năn Tội mô tả Thiên Chúa là “Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự có nghĩa là đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống của chúng ta và phó thác mọi sự cho Ngài.

“Sự ưu việt này”, Đức Thánh Cha nói, “làm sinh động mọi tình yêu khác: tình yêu đối với tha nhân và các loài thọ tạo, bởi vì ai yêu mến Thiên Chúa thì yêu thương anh em mình và luôn tìm kiếm thiện ích của họ, trong công lý và hòa bình”.

Quyết tâm không bao giờ phạm tội nữa, với sự trợ giúp của Thiên Chúa

Cuối cùng Đức Thánh Cha đã nói về “sự quyết tâm”, vốn là ý chí của hối nhân để không rơi vào những tội đã phạm nữa.

Ý chí cương quyết này cho phép người Kitô hữu vượt qua “sự thống khổ vì tội lỗi đến sự ăn năn, từ sự buồn phiền không hoàn toàn đến sự đau buồn hoàn toàn”.

Những lời – “con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội ”—thể hiện một quyết tâm, chứ không phải một lời hứa, Đức Thánh Cha nói.

“Không ai trong chúng ta có thể hứa với Chúa rằng sẽ không bao giờ phạm tội nữa”, Đức Thánh Cha nói thêm, “và điều cần thiết để nhận được sự tha thứ không phải là sự bảo đảm về sự hoàn hảo, mà là một ý định hiện tại, được thực hiện với ý định đúng đắn vào thời điểm xưng tội”.

Cam kết không bao giờ phạm tội nữa của chúng ta, Đức Thánh Cha nói, đi kèm với lời cầu xin của chúng ta để được Thiên Chúa nâng đỡ, nếu không thì “không thể hoán cải”.

Thiên Chúa được biểu lộ nơi lòng thương xót

Lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc, khép lại Kinh Ăn Năn Tội và thể hiện một đặc điểm quan trọng của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, xin thương xót, xin tha thứ cho con” là những lời sau cùng của lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói. “Thiên Chúa là lòng thương xót; lòng thương xót là danh của Ngài, dung mạo của Ngài. Thật tốt đẹp khi chúng ta khi luôn nhớ điều này: trong mọi hành vi thương xót, trong mọi hành vi yêu thương, dung mạo của Thiên Chúa được biểu lộ”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube