Đức Phanxicô: 'Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ về một thế giới không có chiến tranh'

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết phần kết cho một cuốn sách bằng tiếng Ý có tựa đề “Hòa bình trên Trái đất. Tình huynh đệ là điều khả thi”, được xuất bản bởi Vatican. Bộ sách đã có mặt tại các hiệu sách vào ngày 28 tháng 6.

“Hòa bình trên Trái đất. Tình huynh đệ là điều khả thi” là tập hợp những lời nói và bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô về hòa bình và tinh thần huynh đệ. Nó gợi lại thông điệp mang tính bước ngoặt năm 1963 của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, “Pacem in Terris” (Hòa bình trên Trái đất).

Loạt sách viết về chủ nghĩa đại kết

Cuốn sách là một phần của loạt sách về đại kết của Nhà xuất bản Vatican (LEV), “Trao đổi những Món quà”, nhằm làm nổi bật mối quan hệ giữa các Giáo hội Kitô giáo. Các tập sách của loạt sách này được giới thiệu bởi đại diện của các Giáo hội không hiệp thông với Giáo hội Công giáo La Mã. Lời tựa của cuốn “Hòa bình trên Trái đất. Tình huynh đệ là điều khả thi” đã được viết bởi Đức Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Coptic Alexandria ở Ai Cập. Các đoạn trích từ cuốn sách đã được xuất bản bởi nhật báo La Republica của Ý vào hôm Chúa nhật.

Lãng quên những bài học lịch sử

Trong phần lời kết cho cuốn sách, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu với thực tế của ngày nay, đó là hàng triệu con người khao khát hòa bình nhưng vẫn bị “đe dọa bởi chiến tranh, bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, bị ảnh hưởng bởi bạo lực”. “Nguyện vọng chính đáng này thường bị chà đạp hoặc bị coi thường”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Ngài chỉ ra rằng với sự biến mất của thế hệ trải qua Thế chiến II, chúng ta nhanh chóng “quên đi những bài học của lịch sử”.

Những lời bào chữa cho chiến tranh

Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận rằng “chiến tranh ngày nay đang được ‘đánh giá lại’ một cách nguy hiểm”. Người ta dễ dàng lựa chọn chiến tranh bằng cách đưa ra tất cả các loại lý do nhân đạo, phòng thủ hoặc phòng ngừa, thậm chí sử dụng đến việc thao túng thông tin. Do đó, với phong cách đặc trưng của mình, Đức Thánh Cha tự vấn lương tâm: “Chúng ta có nhận thức được sự đau khổ của rất nhiều người vì cảnh chiến tranh? Chúng ta có nhận thức được những mối đe dọa đối với nhân loại?”. “Phải chăng chúng ta đang bị phân tâm và chỉ chú trọng vào lợi ích của bản thân?”. Chúng ta vẫn hết sức điềm nhiên vì chiến tranh không chạm đến chúng ta từ gần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng những câu hỏi này “sẽ đánh động các nhà lãnh đạo chính trị, những người sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa và nhân dân về việc tiếp tục gây chiến tranh”.

Nỗ lực làm việc vì những người tị nạn là dấn thân cho hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên khái niệm của ngài về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba “chiến đấu  ‘từng phần’, với những tội ác, sự thảm sát và hủy diệt”, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng việc sống trong sự điềm nhiên bình thản trước những cuộc chiến xung quanh chúng ta sẽ khiến lương tâm chúng ta trở nên chai lì.

Điều này thường xảy ra ở các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng bị xáo trộn bởi các vấn đề chẳng hạn như sự xuất hiện của những người tị nạn. Chính những người tị nạn này, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra, là “những nhân chứng của chiến tranh, là ‘những đại sứ’ đau buồn của sự mong mỏi khao khát hòa bình chưa được lắng nghe”, những người “khiến chúng ta tận mắt trải nghiệm cuộc chiến vô nhân đạo như thế nào”. “Chúng ta hãy lắng nghe họ bài học đau thương về cuộc sống của họ!”, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Việc chào đón những người tị nạn cũng là một cách thức nhằm hạn chế những đau khổ của chiến tranh và dấn thân cho hòa bình”.

Việc sa vào sự thờ ơ thúc đẩy chiến tranh

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người tránh sa vào sự thờ ơ, đồng thời nhấn mạnh rằng “sự thờ ơ chính là sự đồng lõa với chiến tranh”. Đúng hơn, người ta nên “nỗ lực hành động vì hòa bình mà không mệt mỏi”. Ngay cả khi một người không thể hành động trực tiếp trước các xung đột, thì công luận mang tính cảnh giác cũng có thể làm được nhiều điều. Mọi người có thể gây áp lực lên đất nước của họ và cộng đồng quốc tế.

Tố cáo mafia và tội phạm “thực hiện các cuộc chiến tranh thực sự ngày nay, phá hủy hòa bình vì lợi ích của chính họ”, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi không đáp trả bạo lực bằng bạo lực hơn nữa. Nhắc lại những lời của Chúa Giêsu trong Vườn Gethsemane, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kẻ nào dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”. “Và những xung đột, một khi đã mở ra … đôi khi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. “Làm thế nào một người có thể là một Kitô hữu với một thanh kiếm trong tay? Làm thế nào một Kitô hữu lại có thể chế tạo ra những ‘thanh kiếm’ mà người khác dùng để giết hại lẫn nhau?”. Họ sẽ tự chém giết lẫn nhau? Ngày nay, thật không may, những vũ khí chết người và tinh vi lại đang được chế tạo”. Do đó, việc buôn bán vũ khí phải bị chấm dứt ngay,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng hco biết thêm rằng không có lời biện minh nào cho hành động này, thậm chí để tránh tình trạng thất nghiệp.

 Tinh thần Assisi

 Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô rút ra niềm an ủi từ thực tế rằng “trong tất cả các nền văn hóa và tôn giáo, một hạt giống của hòa bình” đã được chứng kiến bởi cuộc gặp gỡ do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986. “Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1986. Nhưng chúng ta cần… hơn cả trong quá khứ, sự cộng tác và lời cầu nguyện của các tôn giáo, cũng nhằm mục đích giảm thiểu bạo lực nhân danh Thượng đế”.

Một thế giới không có chiến tranh

Lời kêu gọi sau cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô đó là đừng cam chịu chiến tranh “như một người bạn đồng hành hàng ngày của nhân loại” với rất nhiều trẻ em lớn lên trong bóng tối của xung đột. Đức Thánh Cha Phanxicô tin rằng chiến tranh có thể bị xóa bỏ như trường hợp của chế độ nô lệ. “Chúng ta không được từ bỏ ước mơ về một thế giới không có chiến tranh. Cầu chúc cho tất cả moi dân tộc trên trái đất được hưởng niềm vui hòa bình!”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube