Đức Phanxicô: ‘Cuộc cách mạng kỹ thuật số buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc trở nên con người’

Đức Thánh Cha Phanxicô chụp ảnh selfiesướng với những người hành hương tại buổi tiếp kiến chung ngày 1 tháng 4 năm 2015 ở Quảng trường Thánh Peter. | Truyền thông Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô chụp ảnh selfie với những người hành hương tại buổi tiếp kiến chung ngày 1 tháng 4 năm 2015 tại  Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng những đổi mới công nghệ đã tạo ra sự cấp thiết cần phải có một sự suy tư mới về những vấn đề thiết yếu về ý nghĩa của việc trở nên con người, dựa trên Kinh Thánh, truyền thống cổ xưa, và sự khôn ngoan từ các nền văn hóa ngoài châu Âu.

Trong một thông điệp video vào ngày 23 tháng 11 được gửi tới Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “những thay đổi mới do cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại và những phát triển đáng kinh ngạc trong lĩnh vực khoa học… buộc chúng ta phải suy nghĩ lại ý nghĩa của việc trở nên con người”.

“Ngày nay, một cuộc cách mạng đang được tiến hành – vâng, một cuộc cách mạng – đang chạm đến những điểm mấu chốt thiết yếu của sự tồn tại của con người và đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo trong suy tư và hành động. Cả hai. Có một sự thay đổi cấu trúc về cách thức chúng ta hiểu về sự sinh thực, sinh ra và chết đi”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong video.

“Tính đặc thù của con người trong toàn bộ công trình sáng tạo, tính độc nhất của chúng ta so với các loài động vật khác, và thậm chí cả mối tương quan của chúng ta với các loại máy móc đang bị đặt vấn đề”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “tính linh hoạt của tầm nhìn văn hóa đương đại”.

“Đó là thời đại của tính linh hoạt”, Đức Thánh Cha nói.

 Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng “tính linh hoạt” hiện nay là một sự khác biệt rõ rệt so với thời của Công đồng Vatican II, khi mà chủ nghĩa nhân văn duy vật thế tục, nội tại, duy vật ít nhất cũng có chung cơ sở với chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo “về một số vấn đề cấp tiến liên quan đến bản chất con người”.

“Tuy nhiên, Hiến Chế mục vụ về Hội Thánh Gaudium et spes’ vẫn còn phù hợp về phương diện này. Trên thực tế, nó nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội vẫn còn nhiều thứ để cống hiến cho thế giới, và nó buộc chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá, với sự tự tin và can đảm, những thành tựu về trí tuệ, tinh thần và vật chất đã xuất hiện kể từ đó trong các lĩnh vực khác nhau của tri thức của con người”,  Đức Thánh Cha nhận xét.

Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã tổ chức phiên họp toàn thể trong tuần này với chủ đề “Tái suy nghĩ về Nhân loại học – Hướng tới Chủ nghĩa Nhân văn Mới”. Hội đồng Giáo hoàng tổ chức các cuộc họp hai hoặc ba năm một lần để phản ánh về các vấn đề quan trọng và các thực tế văn hóa trong xã hội đương đại.

Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng các vấn đề về bản sắc con người đang được đặt ra một cách kiên quyết trong thế kỷ 21.

“Ngày nay, việc một đàn ông hay một người phụ nữ với tư cách là những người có tính bổ khuyết được mời gọi để gẵn liền với một người khác có nghĩa là gì? Những từ ngữ như ‘tình phụ tử’ và ‘tình mẫu tử’ nghĩa là gì?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi.

“Và một lần nữa, đâu là tình trạng cụ thể của con người, vốn khiến chúng ta trở nên độc nhất và không thể lặp lại so với máy móc và thậm chí là các loài động vật khác? Ơn gọi siêu việt của chúng ta là gì? Lời mời gọi của chúng ta trong việc xây dựng các mối tương quan xã hội với người khác xuất phát từ đâu?”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta “những tọa độ thiết yếu để phác thảo nhân học về con người trong mối tương quan với Thiên Chúa, về sự phức tạp của các mối quan hệ giữa người nam và người nữ, và mối liên hệ với thời gian và không gian mà chúng ta đang sống”.

“Chủ nghĩa nhân văn trong Kinh Thánh, qua việc đối thoại hiệu quả với các giá trị của tư tưởng cổ điển Hy Lạp và Latinh, đã làm nảy sinh một tầm nhìn cao quý về con người, nguồn gốc và số phận chung cuộc của chúng ta, cách sống của chúng ta trên trái đất này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng, mặc dù sự kết hợp giữa trí tuệ cổ xưa và của Kinh Thánh này vẫn là “một mô hình đầy sáng tạo”, thì một sự tổng hợp sáng tạo mới cũng cần thiết với “truyền thống nhân văn đương đại và truyền thống của các nền văn hóa khác”.

“Ví dụ, tôi đang nghĩ về tầm nhìn tổng thể của các nền văn hóa châu Á, nhằm tìm kiếm sự hài hòa nội tâm và sự hòa hợp với công trình sáng tạo, hay sự liên đới của các nền văn hóa châu Phi, nhằm vượt thắng chủ nghĩa cá nhân thái quá đặc trưng của văn hóa phương Tây. Nhân loại học của các dân tộc Mỹ Latinh cũng rất quan trọng, với cảm thức sống động về gia đình và lễ hội; cũng như các nền văn hóa của các dân tộc bản địa trên khắp hành tinh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Trong những nền văn hóa khác nhau này, có những hình thức của chủ nghĩa nhân văn, nếu được hội nhập vào chủ nghĩa nhân văn châu Âu kế thừa từ nền văn minh Hy Lạp-La Mã và được biến đổi bởi tầm nhìn của Kitô giáo, thì ngày nay trở thành những phương tiện tốt nhất để giải quyết những vấn đề đáng lo ngại về tương lai của nhân loại”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa vào năm 1982 như một cách thức nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Giáo hội và các nền văn hóa đương đại. Năm 1993, Đức Gioan Phaolô II đã sát nhập Hội đồng này cùng với Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại với những người không tín ngưỡng.

Ngày nay, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa được dành để tạo ra không gian cho cuộc đối thoại Công giáo với các ngành khoa học, khoa học nhân văn, kinh tế, văn hóa kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, thể thao, di sản văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc.

“Giờ đây hơn bao giờ hết thế giới cần tái khám phá ý nghĩa và giá trị của con người trong mối quan hệ với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube