Đức Hồng y Muller: Phát triển toàn cầu sẽ thất bại nếu thiếu vắng đức tin

Giáo hội Công giáo cam kết thúc đẩy công lý, bảo vệ nhân phẩm, xây dựng hòa bình và đẩy mạnh sự phát triển. Đây chính là tầm nhìn và sứ mệnh của mỗi một người Kitô hữu đối với thế giới nhằm đạt đến cùng đích là hạnh phúc với Thiên Chúa, các vị giám chức Vatican đã phát biểu như vậy tại một cuộc hội nghị.

20170407 Muller

Ảnh chụp Đức Hồng y Gerhard Muller, người đứng đầu Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, ở quảng trường Thánh Peter Vatican ngày 19 tháng 11 năm 2014. (Ảnh CNS/Paul Haring)

Đức Hồng y Gerhard Muller, người đứng đầu Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, cùng với Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức một hội nghị đánh dấu kỉ niệm 50 năm thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) của Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolo VI, một thông điệp xã hội nói về sự phát triển.

“Chính ngay tại thế gian này chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta,” và cũng chính ở thế gian này, người nam cũng như người nữ được mời gọi học cách nhận biết, yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa, phục tùng Ngài và yêu mến tất cả anh chị em – Đức Hồng y Muller nói vào ngày 3 tháng 4. Vì vậy, con người không thể biện hộ cho bất cứ sự tách biệt nào trong mối quan tâm giữa những gì thuộc về Thiên Chúa với công trình sáng tạo của Ngài, đặc biệt là công trình sáng tạo nên loài người.

Nếu thiếu vắng chiều kích đức tin và sự tập trung vào mục đích siêu việt của đời sống con người, các quan điểm về sự phát triển mang tính ý thức hệ và tính chính trị sẽ thất bại, ngay cả khi chúng mang lại những thành công ban đầu – ngài nói. Những cái nhìn phi Kitô giáo về sự phát triển gồm “chủ nghĩa cộng sản” với ý tưởng “tạo ra thiên đường trên trái đất”, “thuyết vụ lợi” mong muốn tìm kiếm “hạnh phúc ở mức cao nhất cho hầu hết mọi người”, “thuyết Darwin” hay “chủ nghĩa đế quốc” về sự tồn tại và phát triển của loài mạnh nhất, và cái nhìn của “chủ nghĩa tư bản” với sự “khai thác triệt để thế giới và lực lượng lao động”.

“Nếu chúng ta sử dụng các phương cách trên, chúng ta đang xâm phạm phẩm giá con người”, Đức Hồng y Muller nói. Tầm nhìn Kitô hữu về sự phát triển là tất cả mọi người, nam cũng như nữ đều được mời gọi cộng tác với Chúa trong việc nhận biết vương quốc của Ngài. Mối quan tâm này không chỉ đơn thuần là vì đời nay hay “đời sau” mà là để nhận biết được rằng đời sống con người bao gồm cả hai phần ấy.

Niềm tin vào Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế giới “không thể bị tách rời khỏi mối liên kết với Chúa Kitô là Đấng đã đến với thế gian này không phải để giải thoát chúng ta khỏi cõi thế, nhưng là để dẫn dắt chúng ta trở về với chương trình cứu độ của Thiên Chúa” – ngài nói. Người Kitô hữu được mời gọi “để làm chứng cho sự tốt lành và vinh quang Thiên Chúa bằng chính những việc làm của mình”.

Lời mời gọi đối với người Kitô hữu trên thế giới này chính là làm những việc giúp thăng tiến nền hòa bình, hạn chế các vũ khí “có khả năng huy hoại hết thảy nhân loại”, đảm bảo rằng khoa học kĩ thuật được sử dụng cho mục đích phát triển và không gây tổn hại đến nhân phẩm con người, chống lại các dạng thức nô lệ mới và quan tâm đến người nhập cư và người tị nạn.

Ngài nói: “Giáo hội không phải là một nhóm vận động hành lang cho những lợi ích của riêng mình”, nhưng là một cộng đồng những tín hữu bảo vệ nhân phẩm của loài người có nam và có nữ được tạo dựng bởi Thiên Chúa.

Đức Hồng y Turkson cho biết rằng tên của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn Diện được lấy trực tiếp từ thông điệp “Phát triển các Dân tộc” của Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolo VI. Thông điệp này nhấn mạnh rằng quan niệm phổ biến về sự phát triển chỉ bằng các nỗ lực quốc tế để giúp đỡ các nước nghèo là quá hạn hẹp vì nó chỉ tập trung chủ yếu về mặt kinh tế hơn là về con người.

Phát triển con người toàn diện là phải tập trung “vào mọi mặt của mỗi cá nhân và tất cả mọi người”, và xem chúng như là những yếu tố đầu tiên cho sự phát triển và tăng trưởng của chính cá nhân và tập thể đó – ngài nói. Giáo hội Công giáo định nghĩa sự phát triển là chuyển từ những điều kiện làm tổn thương nhân phẩm con người sang những điều làm cho nhân phẩm con người được nên mạnh mẽ.

“Tình yêu trở thành yếu tố cơ bản thúc đẩy quá trình phát triển” – ngài nói. “Phát triển con người toàn diện” phải được thực hiện bằng cách nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và mong muốn chia sẻ tình yêu đó, bày tỏ mối quan tâm đến những người nhập cư và người tị nạn, đến những người bệnh tật, các nạn nhân chiến tranh và tất cả những ai đang có nguy cơ nằm ra rìa xã hội vì nghèo đói hay sắc tộc của họ.

Huỳnh  Phi (theo CNS)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube