Đức Hồng y Czerny lên án việc những người di cư và tị nạn bị chính phủ "cố tình lãng quên" trong COVID

(Nguồn: Novena / Michele Raviart, Vatican News)

(Nguồn: Novena / Michele Raviart, Vatican News)

Vai trò của những người trẻ tuổi trong việc định hình xã hội sẽ là trung tâm trong thế giới vốn sẽ xuất hiện sau đại dịch coronavirus. Chúng ta chỉ có thể vươn lên tốt hơn từ cuộc khủng hoảng này nếu chúng ta vượt qua chủ nghĩa cá nhân và tính đến những người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra bên lề xã hội, chẳng hạn như những người di cư và những người tị nạn.

Trên đây là một trong số những chia sẻ được nêu lên bởi Đức Hồng Y Michael Czerny, Phó Thư ký Phân Bộ Di dân và Tị Nạn thuộc Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, trong bài phát biểu tại một hội nghị trực tuyến tại Trung tâm Dòng Tên Công giáo thuộc Đại học Sophia ở Tokyo.

Ảnh hưởng của đại dịch đối với những người di cư

Sự kiện này diễn ra một năm sau chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản và bao gồm một loạt các cuộc hội nghị để suy ngẫm về những lời của Đức Thánh Cha – đặc biệt, về mối liên hệ giữa việc “bảo vệ mọi sự sống” và những thách thức mà thế giới hiện đang đối mặt với COVID-19.

Lấy cảm hứng từ những suy ngẫm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những tháng qua và Thông điệp ‘Fratelli tutti’, Đức Hồng y Czerny hôm thứ Sáu đã mời gọi các khán thính giả của mình suy nghĩ “về cách thức cuộc khủng hoảng COVID ảnh hưởng đến những người di cư, những người tị nạn, những người bị buộc phải di dời và nạn nhân của nạn buôn người”.

Coronavirus “đã chiếu một tia sáng bất thường lên những thành phần này. Ngay cả những lúc ‘bình thường’ cũng không bình thường đối với họ. Họ đã quen với những tháng năm chịu đựng và thường là những năm tháng bấp bênh, lo lắng nghiêm trọng, tình trạng dinh dưỡng và chỗ ở bấp bênh, tình trạng y tế kém, tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý, tình trạng thất nghiệp hoặc nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng nếu họ tìm được công việc được trả lương”, Đức Hồng y Czerny lên án.

Những người di cư, tị nạn, những người tản cư và nạn nhân của nạn buôn người không thể quay trở lại quốc gia xuất xứ của họ vì biên giới bị đóng cửa và họ nhận thấy mình thậm chí còn ít phương tiện hơn để tồn tại, Đức Hồng y Czerny cho biết thêm.

Các chính phủ tìm kiếm các giải pháp cho công dân của họ và những người di cư và tị nạn có nguy cơ bị “lãng quên gấp đôi và thậm chí đôi khi bị cố tình lãng quên”, Đức Hồng y Czerny than phiền.

Điều này xảy ra, Đức Hồng y Czerny tiếp tục, trong khi những đóng góp của những người nước ngoài cho xã hội trong thời kỳ này là rất quan trọng: hãy nghĩ đến những người lao động trong các nông trại hoặc những người phụ trách phân phối và giao hàng, nhiều người trong số họ sống trong những khu ổ chuột mà không thể thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, trong các trại hoặc các trung tâm giam giữ.

“Vi rút” của sự bất công

Đức Hồng Y Czerny lưu ý rằng đại dịch đã tấn công một xã hội mà ở đó sự bất công đã lan tràn – “một loại vi rút lớn” bên cạnh “loại vi rút nhỏ bé nhưng khủng khiếp”, đó là COVID-19: một “loại vi rút lớn hơn” của sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội , bị gạt ra bên lề xã hội và thiếu sự bảo vệ đối với những người yếu thế nhất.

Đức Hồng Y Czerny đã nhắc lại định nghĩa của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự bất công như một loại vi rút mà từ đó người ta có thể tự bảo vệ mình bằng các kháng thể của công lý, sự minh bạch và tinh thần liên đới.

“Khi chúng ta nghĩ về hoàn cảnh của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số bài học quan trọng”, Đức Hồng y Czerny giải thích:

– Chúng ta phải đặt công ích lên trên tính tự cho mình là trung tâm;

– Chúng ta phải bác bỏ những ý thức hệ tai hại của sự thờ ơ, sự vô hình và chủ nghĩa cá nhân;

– Chúng ta không được phớt lờ và chúng ta không được bỏ quên;

– Chúng ta không được thúc đẩy sự chia rẽ;

– Chúng ta không được là những kẻ đạo đức giả;

– Chúng ta phải từ chối một mô hình kinh tế dựa trên lòng tham, lòng nhiệt thành vì lợi nhuận và sự thỏa mãn tức thời;

– Chúng ta phải đặt con người lên hàng đầu, từ chối các giải pháp kỹ trị thuần túy

Đức Hồng y Czeny cũng cho biết thêm rằng đại dịch đã làm nổi bật cả tính dễ bị tổn thương cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta.

Đây không hẳn là một điều xấu, Đức Hồng y Czeny giải thích, bởi vì đây là hai yếu tố gắn kết chúng ta, và nếu như chúng ta vươn lên tốt hơn từ những cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ không rơi vào cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân, dù là cá nhân hay tập thể, thường được thể hiện dưới hình thức chủ nghĩa dân tộc chính trị và những lợi ích kinh tế hẹp hòi.

Những Giáo huấn của Thông điệp ‘Fratelli tutti’

Đức Hồng Y Czeny cho biết câu trả lời cho cuộc khủng hoảng có thể được tìm thấy trong một số Giáo huấn lâu đời trong truyền thống Kitô giáo, như được nêu rõ trong Thông điệp ‘Fratelli tutti’, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta thiết lập tinh thần huynh đệ và tình bạn xã hội giữa tất cả các dân tộc và các quốc gia.

Đức Hồng Y Czerny giải thích, điều này có ý nghĩa rõ ràng đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như những người di cư và những người tị nạn.

Đức Hồng Y Czerny cũng kêu gọi quyền không di cư vốn ngụ ý quyền của tất cả mọi người, nam giới cũng như phụ nữ, để không bị buộc phải chạy trốn những thảm kịch như đói kém, chiến tranh và biến đổi khí hậu nhằm tìm kiếm những cơ hội mới và mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.

Đức Hồng y Czerny chỉ trích rất nhiều những trở ngại mà những người di cư và những người tị nạn phải đối mặt, bắt đầu từ các chế độ dân tộc chủ nghĩa và dân túy vốn nỗ lực loại trừ những người ngoại kiều, cố thủ khi họ ở sau các bức tường phòng thủ và tâm lý bài ngoại, mà Đức Hồng y Czerny cho biết, không tương thích với Kitô giáo.

Những người trẻ tuổi

Vai trò quyết định trong việc tạo ra một nền văn hóa huynh đệ, liên đới và quảng đại cho đi sẽ do những người trẻ tuổi nắm giữ, Đức Hồng y Czerny nhấn mạnh.

Tôn trọng lịch sử, những người lớn tuổi, công trình sáng tạo và cam kết đối thoại xã hội giữa các thế hệ và liên đới là những giá trị nền tảng cho một xã hội tốt đẹp hơn, quan chức Vatican tiếp tục, đồng thời khuyến khích thái độ cởi mở đối với những người di cư và những người tị nạn.

Đại dịch, Đức Hồng y Czerny kết luận, đã khiến tất cả chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng, nhưng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy nhớ rằng sau một cuộc khủng hoảng, một người sẽ không còn giống như trước. Chúng ta thoát khỏi nó để trở nên tốt hơn, hoặc chúng ta thoát khỏi nó để rồi trở nên tồi tệ hơn. Đây chính là lựa chọn của chúng ta”.

 Minh Tuệ (theo Novena)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube