Đức Giêsu đi ra nơi hoang vắng để cầu nguyện

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1,35)

Câu này, từ rất sớm trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, đưa ra ví dụ đầu tiên về việc cầu nguyện riêng tư cá nhân trong đời sống của Ngài (Câu Kinh Thánh song song là Lc 4,42). Người dậy từ sớm, trước khi bất cứ ai nhận ra, đến một nơi vắng vẻ để hiệp thông cầu nguyện với  Chúa Cha. Theo truyền thống Ki-tô giáo gốc Dothái sơ khai, Chúa Giêsu thường cầu nguyện tại một hang động nhỏ ở phía đông nam của Núi Các Mối Phúc, ngay đối diện với Tabgha, tên gọi ngày nay của khu vực nơi Ngài hóa bánh và cá ra nhiều.

gregory-hayes-Jw2jKbhFDJI-unsplash

Các sách Phúc Âm,  cụ thể là sách của Thánh Máccô và Thánh Luca, lưu ý cách đặc biệt đến việc Chúa Giêsu đi ra nơi khác cầu nguyện riêng:

Sau khi làm cho bánh hóa nhiều lần thứ nhất — Mc 6,46: Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.

Ngay trước khi tuyển chọn mười hai Tông Đồ — Lc 6,12: Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Trước khi Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa — Lc 9,18: Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?”

Ngay trước khi Đức Giêsu hiển dung – Lc 9,28: Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Trước khi dạy các môn đệ kinh “Lạy Cha” – Lc 11,1: Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”

Trước cuộc khổ nạn, tại vườn Ghếtsimani – Mt 26,36-45; Mc 14,32-41; Lc 22,39-46.

Xuất phát từ kinh nghiệm cầu nguyện cá nhân riêng tư của mình, Chúa Giêsu dạy các môn đồ cũng làm như vậy:

“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,5-6)

Lời cầu nguyện hiệp thông với Thiên Chúa như vậy mang đến nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng để sống trong cuộc lữ hành trần thế của người Kitô hữu. Chỉ trong lời cầu nguyện riêng tư như thế, con người ta có thể cảm nhận cách nhạy bén các tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ đó trở nên tỉnh táo trước những cách thức mà Thiên Chúa đang dẫn dắt người ta đến một ơn gọi, việc tông đồ hoặc một nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Hãy tưởng tượng rằng khi Chúa Giêsu ra ngoài cầu nguyện một mình, ngài lặng lẽ mời bạn đến tham gia cùng ngài tại nơi bí mật của Ngài. Cố gắng hình dung Chúa Giêsu khi cầu nguyện. Sự chú ý của Ngài sẽ ở đâu? Biểu cảm trên khuôn mặt của Ngài sẽ như thế nào? Tư thế của Ngài sẽ như thế nào? Hãy thinh lặng cùng Ngài.

Sau đó, khi Ngài kết thúc việc cầu nguyện, hãy tưởng tượng bạn đang trò chuyện với Chúa Giêsu về đời sống cầu nguyện của chính bạn. Nói với Ngài về cách bạn hiện đang cầu nguyện. Sau đó, hãy hỏi Ngài xem, Ngài sẽ mong mỏi điều gì nơi bạn. Mục tiêu mà Ngài muốn lời cầu nguyện riêng tư của bạn hướng đến là gì? Ngài còn mong muốn điều gì hơn ở bạn, trong giây phút này của cuộc đời bạn? Bạn đáp lại Ngài như thế nào?

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Kinh “Lạy Cha” ngay sau khi nguyện riêng (Lc 11, 1-4); và sau khi Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện nơi kín đáo (Mt 6,5-13).

Hãy kết việc cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,  và cầu nguyện cùng với Chúa Giêsu.

* Bài chia sẻ được trích từ cuốn sách “Praying the Gospels”, Linh mục Mitch Pacwa, SJ – esus Launches His Ministry.

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube