ĐTC Phanxicô với các nhà lập pháp: "Các chính trị gia Kitô giáo được mời gọi để trở nên những chứng nhân"

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 23-08-2018 | 06:38:10

ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế (ICLN) tại hội nghị thường niên lần thứ 9, đồng thời nhắn nhủ với họ rằng vị thế của họ với tư cách là các Kitô hữu với vai trò có thẩm quyền đó chính là truyền bá luật lệ dựa trên Giáo huấn của Giáo hội nhằm trợ giúp Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác hiện đang bị bách hại trên toàn thế giới.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (32)Tại hội nghị thường niên lần thứ 9 của Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế (ICLN), Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng chủ đề về tự do tôn giáo và tự do lương tâm, vốn được đặt ở trung tâm của mọi suy tư trong cuộc họp của ICLN năm nay, hiện là “nền tảng và phổ biến”.

Chiến đấu với các chế độ theo trào lưu chính thống

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các thành viên thuộc ICLN về một trong những tài liệu quan trọng nhất của Công đồng Vatican II, được công bố vào ngày 7 tháng 12 năm 1965: Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae), mà ngày nay vẫn còn hết sức phù hợp. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng vào thời điểm đó, các Nghị Phụ đã thảo luận về những lo ngại nảy sinh xung quanh những chế độ đã ép buộc công dân không cho họ được tự do thực hành tôn giáo của mình và đồng thời làm cho cuộc sống trở nên ngày càng khó khăn và nguy hiểm đối với các cộng đồng tôn giáo, mặc dù vấn đề tự do tôn giáo được công nhận trong hiến pháp của họ.

Đức Thánh Cha sau đó đã chia sẻ về việc làm thế nào để Tuyên Ngôn ‘Dignitatis Humanae’ có thể được áp dụng đối với cuộc bách hại tôn giáo ngày nay – đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, thật đáng buồn, hiện tượng này hiện vẫn còn tồn tại ở một số nước. Tình hình trên thực tế đã ngày càng trở nên xấu đi đối với các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, những người hiện đang sinh sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi trào lưu chính thống, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trào lưu chính thống không thể đánh bại chính nó

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự nguy hiểm trong việc chống lại trào lưu chính thống và sự không khoan dung bằng chính trào lưu chính thống và sự không khoan dung đó. ĐTC Phanxicô tuyên bố rằng tự do tôn giáo ngày nay phải “đối phó một cách có ý thức với hai ý thức hệ đối lập và đe dọa lẫn nhau: thuyết tương đối thế tục và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo – trong thực tế của chủ nghĩa cấp tiến mạo danh tôn giáo”.

Không phải là một anh hùng mà là một chứng nhân

ĐTC Phanxicô chia sẻ với các thành viên thuộc ICLN rằng, mặc dù tất cả đều nắm giữ những vai trò khác nhau trong các quốc gia của mình, những gì họ có chung đó chính là tinh thần thiện chí trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa thông qua cam kết chính trị chân thành.

Tránh xa khỏi cảm giác hoặc xuất hiện như là một anh hùng hay là một nạn nhân, các chính trị gia Kitô giáo được mời gọi, trước hết, cũng giống như tất cả những ai đã được rửa tội, cố gắng trở thành những nhân chứng – thông qua sự khiêm nhường và can đảm – và đề xuất những luật lệ phù hợp dựa trên quan điểm nhân sinh quan và xã hội của Kitô giáo, luôn luôn tìm kiếm sự hợp tác với tất cả những người chia sẻ chung những quan điểm này.

Hy vọng về vấn đề tự do tôn giáo

Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế (ICLN) là một hiệp hội bao gồm các nhà lập pháp, đại diện chính phủ, các chuyên gia và các cơ quan chính trị và dân sự. Cuộc họp thường niên của họ bao gồm cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha để nuôi dưỡng hệ thống tổ chức và giáo dục của họ. Họ đáp ứng với mục tiêu tiếp cận và truyền bá một tầm nhìn thống nhất về các chủ đề được đề xuất, dựa trên những Giáo huấn của Giáo Hội, phù hợp với vai trò của họ với tư cách cá nhân trong các chính phủ và các tổ chức khác tại các quốc gia của họ.

Năm nay đánh dấu cuộc họp thường niên lần thứ 9 của ICLN, với chủ đề “Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo ICLN”. Chủ đề này được dành riêng cho việc phản ánh sự chú ý mà Giáo Hội đã dành cho các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới trong vài năm qua, và đồng thời phát triển các sáng kiến trong tương lai trong một tình huống mà trong đó, “có một niềm hy vọng”, theo Chủ tịch ICLN, Giáo sư Tiến sĩ Christiaan Alting von Geusau.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube