ĐTC Phanxicô với các nhà kinh tế trẻ: 'Cùng nhau tạo ra một sự thay đổi toàn cầu'

ĐTC Phanxicô đã gửi một lá thư cho Các nhà Kinh tế và Doanh nhân trẻ Toàn cầu, những người đã được mời tham gia vào một sự kiện dự kiến được tổ chức vào tháng 3 năm 2020.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

“Tôi viết”, ĐTC Phanxicô nói trong lá thư của mình, “để mời anh chị em tham gia một sáng kiến mà tôi vẫn luôn đau đáu trong lòng”, một sự kiện mà ĐTC Phanxicô nói, sẽ cho phép Ngài gặp gỡ các nhà kinh tế trẻ, những người quan tâm đến “một loại hình kinh tế khác : một loại hình kinh tế mang lại sự sống chứ không phải là sự chết, một loại hình kinh tế mang tính toàn diện chứ không phải độc quyền, một loại hình kinh tế mang tính nhân đạo chứ không khiến cho con người ta trở nên hung ác, một loại hình kinh tế quan tâm đến môi trường chứ không phải bóc lột vơ vét nó”.

Sự kiện mà Ngài đang đề cập đến là một hội nghị sẽ được tổ chức tại Assisi từ ngày 26 đến 28 tháng 3 năm 2020 với chủ đề “Hệ thống Kinh tế của Đức Phanxicô”.

Sự cần thiết cần phải làm sống lại nền kinh tế

Bày tỏ sự xác quyết của mình rằng cần phải “tái sinh” nền kinh tế toàn cầu, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng Assisi, một thành phố tượng trưng cho chủ nghĩa nhân đạo về tinh thần huynh đệ, chính là địa điểm phù hợp.

“Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Assisi là biểu tượng của một nền văn hóa vì hòa bình. Đối với tôi, đó cũng chính là một địa điểm thích hợp để truyền cảm hứng cho một nền kinh tế mới”, ĐTC Phanxicô viết.

ĐTC Phanxicô tiếp tục lưu ý rằng cuộc sống và tầm nhìn của Thánh Phanxicô quả thực rất hợp thời, tất cả có thể “mang lại hy vọng cho tương lai của chúng ta và đồng thời mang lại lợi ích không chỉ cho những người nghèo nhất trên hành tinh, mà cho cả gia đình nhân loại của chúng ta”.

Việc bảo vệ hành tinh và công bằng xã hội có sự nối kết với nhau

ĐTC Phanxicô nói rằng như đã nhấn mạnh trong Thông điệp ‘Laudato Sì, việc bảo vệ hành tinh và công bằng xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đồng thời cần phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế.

“Chúng ta cần điều chỉnh các mô hình tăng trưởng không có khả năng đảm bảo việc tôn trọng môi trường, cởi mở ra với sự sống, quan tâm đến gia đình, công bằng xã hội, phẩm giá của người lao động và quyền của các thế hệ tương lai”, ĐTC Phanxicô viết.

Lời kêu gọi mà Thánh Phanxicô lãnh nhận từ Thánh giá để ra đi và “sửa chữa ngôi nhà của Ta, như con thấy, đang rơi vào cảnh hoang tàn”, ĐTC Phanxicô tiếp tục, “ngày càng bận tâm đến môi trường, đòi hỏi một nền kinh tế vững mạnh và sự phát triển bền vững vốn có thể chữa lành những vết thương của nó và đồng thời đảm bảo cho chúng ta về một tương lai xứng đáng với phẩm giá con người”.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh một cách rõ rằng thông điệp của Ngài được gửi đến tất cả những người trẻ, những người “có thể nghe thấy nơi sâu thẳm tâm hồn họ những lời van xin thống thiết hơn bao giờ hết của trái đất và của những người nghèo, những người kêu gào sự giúp đỡ và tinh thần trách nhiệm, kêu gào mọi người đáp lại và đừng quay lưng lại”.

Người trẻ là những người chủ xướng của sự thay đổi

Những người trẻ tuổi, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, chính là những nhân vật chính của sự thay đổi cần thiết: “Các trường đại học của anh chị em, các doanh nghiệp và các tổ chức của anh chị em chính là những phân xưởng của hy vọng tạo ra những cách thức nhận thức mới về kinh tế và sự phát triển, nhằm chống lại thứ văn hóa lãng phí, hầu mang lại tiếng cho những người không có tiếng nói và đồng thời đề xuất những phong cách sống mới. Chỉ khi hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta không còn tạo ra dù chỉ là một nạn nhân, một người bị gạt sang một bên, chúng ta mới có thể tổ chức dịp ăn mừng tinh thần huynh đệ toàn cầu”.

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh về sự cần thiết đối với một sự hiệp thông về những mục đích và chủ tâm vốn vượt ra ngoài “những khác biệt về tín ngưỡng và quốc tịch” và được truyền cảm hứng bởi “một lý tưởng về tinh thần huynh đệ chú ý trước hết đến những người nghèo và bị loại trừ”.

Thánh Phanxicô Assisi, ĐTC Phanxicô kết luận, “cung cấp cho chúng ta một lý tưởng và, theo một cách nào đó, một chương trình. Đối với tôi, vốn đã chọn tên Ngài làm Tông hiệu Giáo Hoàng, Thánh nhân chính là một nguồn cảm hứng bất tận. Với anh chị em, và thông qua anh chị em, tôi sẽ kêu gọi một số nhà kinh tế và doanh nhân giỏi nhất của chúng ta, những người đã làm việc ở cấp độ toàn cầu để tạo ra một nền kinh tế phù hợp với những lý tưởng này. Tôi tin chắc rằng họ sẽ đáp lại. Và tôi hoàn toàn tin tưởng, trước hết, ở những người trẻ tuổi, những người có khả năng mơ ước và chuẩn bị để xây dựng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, một thế giới tươi đẹp và công bằng hơn”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube