ĐTC Phanxicô kêu gọi một gia đình toàn cầu bao gồm các quốc gia dựa trên sự thống nhất và tinh thần liên đới, nơi mà những người yếu đuối được bảo vệ

Trong chuyến viếng thăm Dublin, Ireland, nhân dịp Đại Hội Gia đình Thế giới, hôm thứ Bảy 25/8, ĐTC Phanxicô đã phát biểu với các quan chức, xã hội dân sự và các ngoại giao đoàn.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (36)

Hôm thứ Bảy 25/8, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hình thành nên một gia đình toàn cầu bao gồm các quốc gia và dân tộc với ý thức đoàn kết và liên đới, đặc biệt là với những người yếu đuối nhất trong số các anh chị em của chúng ta. Trong khi kêu gọi sự bảo vệ đối với những người dễ bị tổn thương, ĐTC Phanxicô cũng đã lên án “vụ bê bối nghiêm trọng” liên quan đến vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục đối với những người trẻ bởi các thành viên của Giáo hội ở Ireland như là “những tội ác ghê tởm”.

Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong bài phát biểu với các nhà chức trách Ireland, xã hội dân sự và các đoàn ngoại giao tại Lâu đài Dublin, một phần trong chuyến thăm 2 ngày của ĐTC Phanxicô tới Dublin, thứ Bảy và Chủ Nhật, nhân dịp Đại Hội Gia đình Thế giới đang diễn ra tại thủ đô Ireland, từ ngày 21-26 tháng 8.

Gia đình

“Gia đình”, ĐTC Phanxicô nói, “chính là một loại keo gắn kết xã hội; phúc lợi của họ không thể bị xem nhẹ, nhưng phải được thúc đẩy và bảo vệ bởi mọi phương tiện thích hợp”.

Lưu ý rằng “sự thù hận chủng tộc và sắc tộc, các cuộc xung đột và bạo lực, sự khinh thường đối với phẩm giá con người và các nhân quyền cơ bản, và sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo”, chống lại ý thức của cả thế giới như là một gia đình duy nhất, ĐTC Phanxicô thúc giục chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng hay tinh thần can đảm để luôn kiên trì trong sự đòi buộc luân lý của mình để trở nên những người kiến tạo hòa bình, hòa giải và những người bảo vệ người khác.

Thỏa thuận ‘Good Friday’

ĐTC Phanxicô đặc biệt bày tỏ sự hài lòng về Thỏa thuận ‘Good Friday’ được ký kết cách đây 20 năm nhằm chấm dứt cuộc xung đột lâu dài giữa các tín hữu Tin Lành và người Công giáo ở Bắc Ireland và đồng thời hy vọng về “một tương lai hài hòa, hòa giải và tin tưởng lẫn nhau”.

Nền văn hóa thải loại

Sự phát triển của “nền văn hóa thải loại” duy vật, ĐTC Phanxicô lưu ý, trong thực tế đã khiến chúng ta ngày càng trở nên thờ ơ với người nghèo và những thành viên không có khả năng tự vệ nhất trong gia đình nhân loại của chúng ta, trong đó bao gồm cả những đứa trẻ chưa được sinh ra, bị tước đoạt quyền sống.

Vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên

Nói về việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ, trẻ em và những đứa trẻ mồ côi, ĐTC Phanxicô đã thừa nhận “vụ bê bối nghiêm trọng gây ra ở Ireland do việc lạm dụng tính dục đối với những người trẻ tuổi bởi các thành viên của Giáo Hội vốn có trách nhiệm phải bảo vệ và giáo dục họ”. ĐTC Phanxicô cho biết rằng “sự thất bại của các nhà chức trách Giáo hội – các giám mục, các vị Bề trên, các linh mục và những người khác – trong việc giải quyết một cách thỏa đáng những tội ác ghê tởm này đã gây ra sự phẫn nộ, và hiện vẫn còn là một nguyên nhân gây ra sự đau đớn và hổ thẹn đối với cộng đồng Công giáo”. ĐTC Phanxicô đã kêu gọi sự lãnh đạo của Giáo Hội để khắc phục những sai lầm trong quá khứ và đồng thời áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt nhằm đảm bảo rằng những vấn đề đó không xảy ra lần nữa.

Trong “Thư gửi Dân Chúa” gần đây của mình, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài đã kêu gọi đối với một cam kết lớn hơn nhằm “loại bỏ tai họa này trong Giáo Hội”.

Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô đã thừa nhận rằng Giáo Hội ở Ireland, trong quá khứ và hiện tại, đã đóng một vai trò trong việc “thúc đẩy phúc lợi của trẻ em vốn không thể bị lu mờ”. ĐTC Phanxicô hy vọng rằng “tính nghiêm trọng của các vụ bê bối lạm dụng tình dục, vốn đã soi sáng cho những thất bại của nhiều người, sẽ phục vụ cho việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người trưởng thành dễ bị tổn thương về phía xã hội nói chung”.

Di sản Kitô giáo

Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự hài lòng về quan hệ giữa Tòa Thánh và Ireland cũng như di sản Kitô giáo phong phú hơn một thiên niên kỉ của quốc gia này, đồng thời nhắc lại những nhà giảng đạo đầu tiên Palladius và Patrick, và các vị Thánh cũng như các học giả như Columba, Columbanus, Brigid, Gall, Killian và Brendan .

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube