ĐTC Phanxicô: ‘Đừng quên những người lao động bị đẩy ra lề vì đại dịch’

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung của trong thư viện của Cung điện Tông Tòa vào ngày 5 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung của trong thư viện thuộc Điện Tông Tòa vào ngày 5 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kêu gọi các điều kiện làm việc phù hợp với phẩm giá và hỗ trợ những người lao động bên lề thị trường lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do đại dịch gây ra.

“Trong năm 2020, chúng ta đã chứng kiến tình trạng mất việc làm chưa từng có trên toàn thế giới. Khi chúng ta vội vàng quay trở lại hoạt động kinh tế lớn hơn, khi mối đe dọa COVID-19 kết thúc, chúng ta hãy tránh sự chú tâm quá mức vào lợi ích, sự cô lập và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tiêu dùng mù quáng, và phủ nhận bằng chứng rõ ràng về sự phân biệt đối xử đối với những người anh chị em ‘không thiết yếu’ trong xã hội của chúng ta”, Đức Thánh Cha chia sẻ qua một thông điệp video tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Lao động của ILO vào ngày 17/6.

“Ngược lại, chúng ta hãy tìm kiếm các giải pháp giúp chúng ta xây dựng một tương lai mới của lao động dựa trên các điều kiện làm việc phù hợp với phẩm giá, bắt nguồn từ việc thương lượng tập thể, và thúc đẩy công ích, một cụm từ sẽ biến lao động trở thành một thành phần thiết yếu của sự quan tâm của chúng ta đối với xã hội và Công trình sáng tạo. Theo nghĩa này, lao động thực sự mang tính nhân văn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong số các nhà lãnh đạo thế giới phát biểu vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ILO.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và ông Félix Antoine Tshisekedi Tshilombo, Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh vào cùng ngày.

Trong thông điệp video được gửi đi bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC Phanxicô cảnh báo các tham dự viên tham gia hội nghị chống lại “động lực của chủ nghĩa tinh hoa” vốn loại bỏ người khác và hy sinh “những người đã bị bỏ lại phía sau, trên cái gọi là ‘tế đàn của sự tiến bộ’”.

“Đối mặt với Chương trình nghị sự của Tổ chức Lao động Quốc tế, chúng ta phải tiếp tục như chúng ta đã làm vào năm 1931, khi Đức Giáo hoàng Piô XI, sau cuộc khủng hoảng ‘Phố Wall’ và giữa bối cảnh của cuộc ‘Đại suy thoái’, đã tố cáo sự bất cân xứng giữa người lao động và giới doanh nhân như một sự bất công rõ ràng đã tạo ra sự được toàn quyền hành động và các phương tiện cho tư bản”, ĐTC Phanxicô nói.

Trích dẫn Thông điệp của Đức Piô XI, “Quadragesimo Anno”, ĐTC Phanxicô nói: “Tài sản, tức là ‘vốn’, chắc chắn từ lâu đã có thể chiếm đoạt quá nhiều cho chính nó. Bất cứ thứ gì được sản xuất, bất kỳ khoản lợi nhuận nào được tích lũy, lợi nhuận đời hỏi, hầu như không thể cho phép người lao động đủ để khôi phục và tái tạo sức mạnh của họ”.

ĐTC Phanxicô cho biết thêm: “Ngay cả trong những hoàn cảnh đó, Giáo hội đã đề cao quan điểm rằng số tiền trả cho công việc được thực hiện không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và hiện tại của người lao động, mà còn mở ra khả năng của người lao động trong việc bảo vệ các khoản tiết kiệm và đầu tư trong tương lai của gia đình họ nhằm tạo ra một biên độ an toàn cho tương lai”.

“Các quy phạm pháp luật phải hướng tới việc tăng trưởng việc làm, công việc phù hợp với phẩm giá, và các quyền và nghĩa vụ của con người”, ĐTC Phanxicô nói.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mở rộng các hệ thống bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, thực phẩm và các nhu cầu cơ bản của con người. ĐTC Phanxicô cho biết rằng việc thiếu bảo trợ xã hội trong đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, và gia tăng những việc làm bất hợp pháp.

“Chúng ta được kêu gọi để ưu tiên phản ứng của chúng ta với những người lao động bên lề thị trường lao động, những người vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19: những công nhân tay nghề thấp, những người lao động phổ thông, những người làm việc bất hợp pháp, lao động nhập cư và tị nạn, những người đang thực hiện những công việc thường được gọi là… nguy hiểm, bẩn thỉu và hạ cấp”, ĐTC Phanxicô nói.

ILO là một cơ quan của Liên hợp quốc có trụ sở tại Geneva chuyên về cải thiện các điều kiện lao động. Các quốc gia thành viên của ILO không chỉ được đại diện bởi các quan chức chính phủ, mà còn bởi các nhà lãnh đạo của các tổ chức công đoàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với ILO rằng phong trào công đoàn hiện đang đối mặt với hai thách thức lớn. Trước hết là không được quên lời kêu gọi “tiên tri” của nó là “vạch mặt kẻ những quyền lực chà đạp lên quyền của những người lao động dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ chính nghĩa của những người nước ngoài, những người yếu thế nhất và những người bị từ chối”.

“Rõ ràng, khi một tổ chức công đoàn trở nên nhũng nhiễu, nó không còn có thể làm được điều này nữa, và địa vị của nó biến thành một chủ lao động rởm, tự nó xa rời người dân”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Thách thức thứ hai mà công đoàn phải đối mặt đó chính là sự đổi mới, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng công đoàn cũng cần phải bảo vệ những người bị loại trừ khỏi công việc lao động và quyền lợi.

“Khi chúng ta tìm cách định hình hành động trong tương lai và định hình chương trình nghị sự quốc tế hậu COVID-19, chúng ta nên đặc biệt chú ý đến mối nguy hiểm thực sự của việc lãng quên những người đã bị bỏ lại phía sau. Họ có nguy cơ bị tấn công bởi một loại virus thậm chí còn tồi tệ hơn COVID-19: đó là sự thờ ơ ích kỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube