“Điểm mù” nhân cách và đạo đức

Như một điều được “mặc định”, người lãnh đạo luôn được công chúng coi là người có tài có đức. Việc quản trị và điều hành quốc gia cho thấy bản lãnh, tài và đức của họ; địa vị xã hội của họ là sự tự hào và uy tín gắn với vị trí của họ trong xã hội. Họ có có thể đạt được địa vị xã hội thông qua tài và đức của bản thân, ngay cả khi được sắp đặt vào một vị trí trong hệ thống chính trị, đảng phái, nhóm, công ty…, họ cũng phải tỏ ra xứng đáng, hoặc cho thấy nỗ lực xứng với kỳ vọng của những người đã cắt đặt, bầu chọn hay thuộc quyền họ.

Vì thế, người lãnh đạo phải trang bị cho mình nhiều vai trò trong xã hội. Chính địa vị đạt được là cơ hội để họ chứng tỏ, không những về nhân cách chuẩn mực, mà còn bao hàm cả những khía cạnh khác cần cho việc lãnh đạo, là những đặc tính họ thủ đắc được trong cuộc đời như kiến thức, khả năng, kỹ năng và những đức tính đạo đức khác tương xứng với vị thế quan trọng, đầy trách nhiệm của họ.

Nhân vô thập toàn. Vẫn biết là người ai cũng có khuyết điểm, nhược điểm về nhân cách, hay đạo đức. Nhưng những “vi phạm” về thái độ, lời nói hoặc việc làm ấy có thể được cảm thông phần nào khi họ sơ suất, vội vàng thiếu cân nhắc, gây dị nghĩa làm cớ cho những suy nghĩ, bàn luận trái chiều hoặc châm biếm.

Cái đáng nói ở đây là nhiều khi lại không do sơ suất, vội vàng thiếu cân nhắc, gây dị nghĩa, mà họ bị “điểm mù”. Đây không phải điểm mù của mắt, tức là một điểm nằm trên màng lưới của mắt, không có khả năng tiếp nhận kích thích của ánh sáng, mà là “điểm mù của nhân cách và đạo đức”.

Nếu điểm mù của nhân cách và đạo đức của người bình thường chỉ được “cảm thông phần nào”, vì họ có thể nhầm lẫn, lệch lạc, sai mà không biết, thì đối với người lãnh đạo, tuyệt đối không!

Như sự kiện xe của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn hộ tống “hiên ngang” đi vào khu phố cổ ở Hội An, vốn là cung đường dành cho người đi bộ, cấm tuyệt đối các loại xe, làm “đứng tròng” bao cặp mắt của người dân ở đây và cả khách du lịch, trong đó có rất nhiều người ngoại quốc. Họ đã thấy và nghĩ gì?

Một lầm lỗi “lơ đễnh” của tài xế và đoàn tuỳ tùng?

Ngay cả khi đoạn đường này không có cảnh sát giao thông (kiểm soát và xử phạt) thì anh tài xế không thể “lao bừa” vào (theo quán tính vì không thấy cảnh sát)

Một sự du di, châm chước hay một biệt lệ dành cho “người đứng đầu chính phủ?”

Hay vì là người đứng đầu chính phủ nên được quyền “chạy lên trên luật”, và như thế tạo ra một tiền lệ (đúng hơn là “theo tiền lệ”) hết sức nguy hiểm cho những cấp của chính quyền, cho những cán bộ khác trong guồng máy chính trị và điều hành quốc gia của ông?

Nếu ông thủ tướng nhận ra “điểm mù” trong nhân cách và đạo đức, hẳn ông đã làm cái việc mà bất cứ người nào có tư cách và lòng tự trọng đã làm, là phản tỉnh chính mình, hoặc chấn chỉnh những người thuộc cấp, chứ không thể “tỉnh như ruồi”, coi như không có gì xảy ra, càng không thể nói là “tôi không biết”, hay những thứ đại loại như thế.

Dù có là thủ tướng hay chỉ là anh đạp xích lô trong phố cổ Hội An ấy, muốn làm chuyện lớn, phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ, chuyện nhỏ về nhân cách, đạo đức. Chẳng lẽ đó lại là chuyện “lớn” đối với ông thủ tướng?

Ngẫm đoạn Sách Huấn ca 10, 1-5 thấy chí lý:

“Thủ lãnh khôn ngoan thì giáo dục dân mình,

và uy thế của người thông minh thật là vững chắc.

Thủ lãnh dân thế nào, các viên chức thừa hành cũng thế,

người đứng đầu một thành làm sao, toàn thể dân cư cũng vậy.

Một ông vua dốt nát làm cho dân nước phải suy vong,

một thành hưng thịnh là nhờ trí thông minh của các nhà cầm quyền.

Quyền bính trên địa cầu nằm trong tay Đức Chúa,

khi đến thời đến buổi, Người sẽ cho xuất hiện kẻ hiền tài.

Sự nghiệp của con người nằm trong tay Đức Chúa,

vì chính Người làm cho kẻ sĩ được nở mặt nở mày.”

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube