ĐHY Yeom: ‘Tôi hy vọng sẽ sớm đến Bình Nhưỡng’

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 05-05-2018 | 12:00:16

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên giữa Moon Jae-in và Kim Jong-un mở ra triển vọng hòa bình và thống nhất cho toàn bộ nhân dân Hàn Quốc. Các gia đình bị chia bởi cuộc chiến được gặp nhau. Cơ hội để Giáo hội Hàn Quốc đưa ra một cam kết lớn hơn cho việc hỗ trợ và quan hệ giữa các cá nhân với miền Bắc. Seoul chưa bao giờ quên cầu nguyện cho miền Bắc và những người đã ngã xuống. Một cuộc phỏng vấn với Tổng giám mục Seoul và Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng.

Seoul (AsiaNews) – Cuộc gặp gỡ liên Triều Tiên giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khơi dậy nơi ĐHY Andrea Yeom Soo-jun một cảm giác biết ơn sâu sắc đối với Thiên Chúa và với những người đã làm cho điều này có thể xảy ra. ĐHY Yeom phát biểu với AsiaNews rằng bởi vì ngài không chỉ là Tổng giám mục Seoul, mà còn là Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, ngài háo hức muốn có thể đi đến thủ đô phía Bắc, để gặp gỡ các Kitô hữu bị bỏ quên và cử hành Thánh lễ với họ.

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Giáo hội đã bị phá hủy ở miền Bắc và nhiều linh mục, nữ tu và tín hữu đã chết như những anh hùng tử đạo. ĐHY Yeom khẳng định rằng đức tin của người Công giáo miền Nam đã mắc nợ những lời chứng của các tín hữu miền Bắc: “Sự tự do của chúng ta trong việc sống đức tin cũng là do bởi lời cầu nguyện cũng như sự hy sinh của họ”. ĐHY Yeom hy vọng rằng một linh mục thường trú sẽ sớm có thể được sai đến Bình Nhưỡng, để cử hành các Bí tích cho các tín hữu còn lại ở miền Bắc. ĐHY Yeom tin “chắc chắn rằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần luôn luôn tồn tại ở miền Bắc”. Ngài cũng khuyến khích cuộc gặp gỡ của các gia đình bị chia rẽ cho chiến tranh, và hứa hẹn sẽ gia tăng viện trợ nhân đạo từ miền Nam cho miền Bắc, để họ không chỉ có thể trao đổi hàng hóa vật chất mà còn có thể gặp gỡ mọi người.

Archbishop_of_Seoul_and_Cardinal_of_Korea_Andrew_Yeom_Soo-jung

Đức Hồng Y Yeom

Dưới đây là bài phỏng vấn ĐHY Yeom:

Thưa ĐHY, ấn tượng đầu tiên của Ngài về cuộc gặp liên Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm là gì?

Nhìn vào hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam-Bắc, trái tim tôi tràn ngập tâm tình tri ân sâu sắc đối với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nhớ đến những lời cầu nguyện của chúng ta, với Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, Đấng chăm sóc người dân của chúng ta, với các Đức Giáo Hoàng trước đây đã thúc giục các nhà chức trách có trách nhiệm giải quyết những vấn đề thông qua việc đối thoại, yêu cầu tất cả mọi người trên toàn thế giới cầu nguyện cho ý định này. Tôi đặc biệt cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã mời gọi tất cả mọi người trên toàn thế giới ủng hộ cho mọi nỗ lực đối thoại trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, tôi cũng chân thành cảm ơn tất cả các dân tộc trên toàn thế giới đã cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ngài đánh giá kết quả cuộc gặp gỡ này thế nào?

Kết quả quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này, tôi có thể nói, đó là bản thân nó chính là một hội nghị thượng đỉnh, theo nghĩa là nó tìm cách chứng minh rằng đối thoại là công cụ hợp pháp duy nhất để xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo này, khắc những mâu thuẫn hiện tại. Hội nghị thượng đỉnh này, hội nghị thứ ba của loại hình này sau sự phân chia giữa hai miền Nam và miền Bắc, chỉ là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến hòa bình thực sự trên bán đảo. Điều rất quan trọng đó là cuối cùng nó có thể mở đường cho hòa bình và sự thống nhất thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với bán đảo Triều Tiên. Tôi chân thành hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ phục vụ như là một động lực quan trọng cho một nền bình thực sự đối với toàn bộ người dân Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh không chỉ là một động thái địa chính trị, mà còn liên quan đến những vấn đề nhân đạo. Điều gì là quan trọng nhất?

Vì hòa bình thực sự được dựa trên việc sống cuộc sống con người một cách trọn vẹn, giải pháp của các vấn đề nhân đạo là rất quan trọng. Trong số các thỏa thuận nổi lên từ hội nghị thượng đỉnh này, tôi xem xét việc nối lại các cuộc gặp gỡ của các gia đình đã bị chia cách bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên, trong 65 năm qua, là rất tích cực. Chúng ta đã trải qua thực tế đầy bi thảm này trong một thời gian dài. Khoảng 700 nghìn người ở miền Nam bị chia cắt khỏi gia đình họ ở miền Bắc, không có khả năng có thể được giao tiếp với nhau. Cũng không hơn không kém đối với những người ở miền Bắc. Trong quá khứ, khoảng 130.000 người ở miền Nam đã yêu cầu chính phủ để có thể được gặp gỡ gia đình họ ở miền Bắc. Hơn một nửa trong số đó, hơn 70 nghìn người đã chết trong thời gian chờ đợi đó. Theo như tôi được biết, khoảng 57 nghìn người hiện vẫn còn sống và nhiều người đã trên 80 tuổi. Tuy nhiên, vì lý do chính trị, họ thậm chí không được phép giao tiếp với nhau, chưa kể đến khả năng gặp gỡ gia đình họ ở miền Bắc, ngoại trừ trong những khoảnh khắc hiếm hoi của thỏa thuận chính trị giữa hai miền Nam và Bắc. Từ năm 1985, 20 cuộc gặp gỡ của các gia đình bị chia cắt đã được tổ chức. Mỗi lần cuộc gặp gỡ này kéo dài trên dưới 12 tiếng được chia thành ba ngày. Thật là đau lòng khi thấy rằng các gia đình cảm thấy đau đớn hơn sau những cuộc gặp gỡ như vậy.

Tôi tin rằng cuộc gặp gỡ của các gia đình bị chia cắt có thể có lợi cho việc chữa lành những tai họa của sự chia rẽ và thúc đẩy hòa bình. Do đó, tôi tin rằng các nhà chức trách của hai miền Nam và miền Bắc sẽ phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng cuộc gặp gỡ này sẽ không chỉ giới hạn ở một sự kiện, thỉnh thoảng, nhưng diễn ra thường xuyên và liên tục, có tính đến độ tuổi của các thành viên của những gia đình này.

Ngoài chủ đề về các gia đình bị chía cắt, vấn đề về việc viện trợ nhân đạo là hết sức quan trọng bởi vì nó liên quan đến sự tiếp xúc giữa những người từ hai miền Nam và miền Bắc. Việc viện trợ nhân đạo không nên giới hạn trong việc cung cấp hàng hóa vật chất, mà nó còn cần phải liên quan đến cuộc gặp gỡ của người dân, cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa con người, việc chia sẻ tình yêu và hy vọng, và sự kết hợp của những trái tim nơi con người. Tổng giáo phận Seoul luôn nỗ lực hết mình để thực hiện một các dự án viện trợ khác cho những người nghèo, những người đau bệnh, những người già yếu, trẻ sơ sinh và trẻ em miền Bắc đang cần được giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các dự án này về số lượng và chất lượng, cố gắng thực sự phục vụ những người tiếp nhận và thực hiện việc chia sẻ hòa bình thông qua các mối liên hệ giữa các cá nhân.

Ngoài việc viện trợ nhân đạo, Giáo hội miền Nam thực hiện cam kết của mình với miền Bắc như thế nào?

Cầu nguyện hình thành nên khởi nguồn và đích điểm của cam kết của Giáo Hội trong việc theo đuổi hòa giải, sự thống nhất và hòa bình trên Bán Đảo Triều Tiên. Việc cầu nguyện liên kết tất cả chúng ta nên một và làm cho cuộc sống của chúng ta tập trung xung quanh Thiên Chúa. Vì vậy, nó làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau.

Trong 23 năm qua, tín hữu thuộc Tổng giáo phận của chúng tôi không bao giờ thất vọng trong việc cử hành Thánh Lễ cho sự hòa giải dân tộc một cách thường xuyên, vào mỗi tối thứ Ba tại nhà thờ Myeong-dong, ở Seoul. Đặc biệt trong những năm gần đây, chúng tôi đã cử hành Thánh Lễ với ý định tiếp tục ghi nhớ và cầu nguyện cho các giáo xứ đã hoạt động ở miền Bắc trước khi đất nước bị chia cắt. Trước cuộc chiến tranh Triều Tiên, ở miền Bắc có 57 giáo xứ hoạt động, với 52 ngàn tín hữu và nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hiến dâng mang sống của họ vì đức tin với việc anh dũng chịu phúc tử đạo.

Đặc biệt là sau chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Hàn Quốc, Tổng giáo phận của chúng tôi đã bắt đầu một dự án mới, đó là chiến dịch cầu nguyện mang tên “Một giáo xứ miền Bắc trong trái tim tôi”, vốn hướng đến việc khêu gợi lại trong lời cầu nguyện hồi ức về các anh hùng tử đạo và tín hữu của Giáo Hội tại miền Bắc, những người đã chăm sóc Giáo hội với đức tin trọn vẹn của mình, cho đến giây phút cuối cùng, loan truyền sự bình an của Chúa Kitô ở miền Bắc, và sau đó nhận thức rõ được hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.

Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện với khẩu hiệu: “Một người còn sống miễn là người ấy còn được người ta nhớ đến, lời cầu nguyện sẽ được kiện toàn nếu nó tiếp tục còn dai dẳng”. Tôi khiêm tốn mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho Giáo Hội và các anh chị em của chúng ta ở miền Bắc.

Ngài cũng là Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng. Làm thế nào để Ngài có thể thi hành vai trò này?

Năm ngoái tại nhà thờ Chính tòa Seoul, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng. Thật không may, tôi, với tư cách là Giám quản Tông Tòa của Giáo phận Bình Nhưỡng, chưa bao giờ có thể đặt chân đến Bình Nhưỡng. Nhưng hàng ngày tôi đều lần chuỗi Mân Côi, nguyện xin sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, để Thiên Chúa có thể ban dồi dào ân sủng cho Giáo Hội ở miền Bắc và cho những tín hữu trung tín vẫn còn sống đức tin của họ ở đó theo một cách nào đó.

Tôi tin chắc rằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động ở miền Bắc. Ngược lại, nó vẫn đang bùng cháy mãnh liệt hơn trong những giai đoạn khó khăn. Tôi tin chắc rằng nhờ Chúa Thánh Thần nhiều tín hữu vẫn còn giữ ký ức về đời sống Bí tích, đó là sự sống trong Thiên Chúa, nguyện xin Ngài giúp họ sống một đời sống trong đức tin trọn vẹn nơi Giáo Hội càng sớm càng tốt. Theo nghĩa nào đó, quyền được tự do sống đức tin của chúng ta cũng là do bởi lời cầu nguyện và sự hy sinh của họ.

Tôi vô cùng mong muốn có thể đến thăm họ càng sớm càng tốt và để có thể cử hành Thánh Lễ, cùng nhau tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng cháy bỏng của tôi để càng sớm càng tốt, chúng ta có thể gửi đến cho họ các linh mục để cử hành các Bí tích và cùng sống với họ và vì họ.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube