Đánh giá tác động môi trường các dự án lớn: yếu kém, tắc trách, hay cơ hội tham nhũng?

“Việc đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp và dự án đòi hỏi những tiến trình chính trị minh bạch và có sự tự do trao đổi quan điểm” (Laudato Si, 182).

Với kinh nghiệm về vụ Formosa, không chỉ các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án lớn cần được rà soát. Cái cần được cấp thiết và toàn diện rà soát hơn, là chính những tiến trình chính trị thực hiện và quyết định phê chuẩn những báo cáo đánh giá ấy.

20160720 moitruong

Sáng 18-7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các đánh giá tác động môi trường của các dự án lớn.

Cũng tại đây, Bộ trưởng Bộ TN& MT Trần Hồng Hà đã phát biểu: “Hiện có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. Luật quy định cần đánh giá tác động môi trường ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Thực tế như vậy không khả thi. Như vụ Formosa vừa qua, báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính chất chung chung quá. Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư”.

Formosa – một dự án đầy những chi tiết mờ ám và những “bất cập” không thể chấp nhận

Hơn tám năm trước, người dân Việt đã bức xúc, bất an khi nhà cầm quyền – mà đại diện là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đã chấp bút ký 2 công văn vào tháng 3 và tháng 6/2008, đồng ý cho doanh nghiệp Đài Loan thực hiện dự án Formosa Hà Tĩnh trên phần lãnh thổ lên tới 3.300ha, bao gồm cả cảng nước sâu Sơn Dương, ở dưới chân Đèo Ngang, một vị trí cực kỳ xung yếu về an ninh – quốc phòng của quốc gia. Bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận, chính quyền Hà Tĩnh và chính quyền trung ương đã dành cho Fomosa những “biệt đãi” khó hiểu và dường như chưa từng có tiền lệ: thời hạn thuê đất là 70 năm, vượt quá 20 năm so với quy định của Luật Đất đai năm 2003; miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm với giá rẻ mạt (80 đồng/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm). Bên cạnh đó, Formosa còn được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng nhiều biệt đãi khác về thuế.

Thế mà, về Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1, ông Nguyễn Khắc Kinh, người ký phê duyệt Báo cáo đó, đã “bộc bạch” trên báo Tiền Phong hôm nay, 20/7/2016, như sau:

Quy định là chủ dự án phải đi điều tra, đánh giá môi trường nhưng nói thật là chủ dự án có đi làm cũng không tin được trong khi số liệu của cơ quan nhà nước thì không có hoặc què quặt, không đồng bộ, không sử dụng được. 

Chưa kể đến tiền ít, thiếu thời gian. Tôi có hỏi một số chuyên gia của Canada, làm ĐTM một dự án giống như dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc.  Họ ước tính mất 5 năm và 5 triệu USD. Việt Nam trung bình mỗi ĐTM khoảng 700-800 triệu đồng, làm trong vòng 2-3 tháng.

Con người có giỏi như thế nào thì với tiền ấy, thời gian ấy cũng khó mà yêu cầu cao được. Ngoài ra, về chủ quan, đội ngũ làm ĐTM ở Việt Nam rất yếu. Nhiều cơ quan tư vấn đứng ra làm ĐTM nhưng khi hỏi lại thì ú ớ, không giải thích được. Vì thế, ĐTM sơ sài là không tránh khỏi. Mình có yêu cầu cao hơn nữa cũng không khả thi, lại bị cho là gây phiền hà.

Tuy nhiên, ĐTM là dự báo, là cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư nên thôi thì méo mó có hơn không, dự báo được bao nhiêu thì dự báo, được 20%, 30% cũng phải chấp nhận. Trước chưa có luật, ta có làm dự báo đâu.

Một dự án tầm cỡ đã được phê duyệt cách chớp nhoáng, bất chấp dư luận, bất chấp lòng dân, bất chấp các yếu tố an ninh quốc phòng, bấp chấp dự án đó có đem lại lợi ích kinh tế thật sự cho quốc gia và nhân dân địa phương, và cũng bất chấp các yếu tố tác động đến môi trường của dự án ấy – mặc dù thừa biết đây là một tập đoàn đầy tai tiếng trong những vụ bê bối về môi trường, đã bị các nước khác “cạch mặt”.

Và cuối cùng, cũng một cách chớp nhoáng, biển và kinh tế 4 tỉnh Miền Trung đã chết một cách “gọn gàng” không kịp trở tay!

Thử hỏi, khi đặt bút ký dự án Formosa, nhà cầm quyền Việt Nam đã xét duyệt dự án dựa trên những tiêu chí nào? Vì lợi ích nào của quốc gia dân tộc? Và tiến “trình đánh giá tác động môi trường” của dự án ra sao? Để hôm nay, khi thảm hoạ khủng khiếp xảy ra, thì các vị bình thản gọi đó là “sự cố”, là những “bất cập”, những “điểm chung chung”, “không khả thi” của pháp luật, những “hình thức để các doanh nghiệp qua mắt”? Các vị bình nhiên như những kẻ vô can và tự khen ngợi nhau là đã “quyết liệt xử lý” và “gặt hái thành công”.

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về việc đánh giá tác động môi trường của các dự án dưới ánh sáng của Thông Điệp Laudato Si

Thật ra, Hội thánh không có ý lấn sân chính quyền khi nói về các vấn đề môi trường. Đức Giáo hoàng viết: “Tôi xin nhấn mạnh, Giáo Hội không có tham vọng phê bình những vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng tôi kêu gọi một cuộc tranh luận thẳng thắn và minh bạch để những lợi ích cá nhân hay các ý thức hệ không làm tổn hại đến công ích” (Laudato Si, 188). Nhưng khi Đọc Thông điệp Laudato Si, tại các số từ 182 đến 188, người ta có cảm giác như thể ngài đang nói riêng về các vấn đề môi trường của Việt Nam.

Theo quan điểm của Hội thánh Công giáo, “sự đánh giá sự tác động vào môi trường của các doanh nghiệp và dự án đòi buộc những tiến trình chính trị MINH BẠCH và CÓ ĐỐI THOẠI” (Laudato Si, 182). Hai tiêu chí này rõ ràng đã bị gạt đi trong tiến trình xét duyệt dự án Formosa – một dự án đầy những mờ ám và độc đoán.

Việc nghiên cứu về sự tác động vào môi trường không thể đến sau việc hoạch định một dự án sản xuất hay bất cứ một chính sách nào… Việc tìm hiểu này phải có ngay từ đầu với tính cách liên ngành, minh bạch và độc lập khỏi mọi áp lực kinh tế hay chính trị” (Laudato Si, 183). Sở dĩ Việt Nam có thảm hoạ môi trường hôm nay – và sẽ còn nhiều sự lặp lại như thế – vì nhà chức trách đã để ngoài tai tiếng nói của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau, đã không có sự “độc lập” trong quyết định, mà mọi sự đã đặt trong áp lực chính trị (thậm chí nhiều người còn nói đến áp lực của các thế lực chính trị từ bên ngoài?), và trong áp lực của kinh tế, áp lực của lòng tham.

Việc đánh giá tác động môi trường “phải liên kết với việc phân tích các điều kiện lao động và những hậu quả khả thể trên sức khỏe thể lý và tinh thần của con người, trên nền kinh tế địa phương, trên sự an toàn công cộng” (Laudato Si, 183). Trước khi đặt bút ký kết, các nhà chức trách có xét đến yếu tố sức khoẻ và an toàn cộng đồng, yếu tố kinh tế của người dân Miền Trung -những gì người dân đã và đang gánh chịu hôm nay?

Theo Đức Phanxicô, “Khi xuất hiện những bất trắc cho môi trường, ảnh hưởng đến công ích hiện tại hay tương lai, hoàn cảnh như vậy đòi buộc mọi quyết định phải dựa trên nền tảng là đối chiếu giữa nguy hiểm và lợi ích có thể thấy được trong từng lựa chọn”… Không được viện cớ thiếu sự chắc chắn “có đầy đủ tính khoa học” để trì hoãn những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy thoái môi trường” (Laudato Si, 184). Nếu các nhà chức trách nắm rõ được nguyên tắc này, và không vì những lợi ích mờ ám phía sau, thì có lẽ họ đã đóng cửa Formosa, có lẽ họ đã không diễn những màn bịp bợm vụng về của “thủy triều đỏ”, của “ăn cá Vũng Áng, tắm biển Kỳ Anh”, không đàn áp nhân dân đẫm máu trong các cuộc biểu tình ôn hoà đòi minh bạch và đòi nhà nước phải có trách nhiệm…!

Sự chân thành và sự thật rất cần thiết trong tất cả các cuộc tranh luận khoa học và chính trị, chứ không chỉ hạn hẹp vào điều luật pháp cho phép hay không” (Laudato Si, 183). Các vị có CHÂN THÀNH và sống trong SỰ THẬT không? Nhân dân chỉ thấy các vị bao biện, che đậy những khuất tất bằng những “lỗ hỗng” của pháp luật. Làm như các vị đang “đau đầu” vì những “lỗ hổng” đó lắm, nhưng nhưng nhiều người nghi rằng các vị đang nhảy cẫng đằng sau những lỗ hỗng tự tạo ấy để tham nhũng, chia chác!

Khả năng sinh lợi về kinh tế không phải là tiêu chí duy nhất đế phê duyệt một dự án. Phải nghĩ đến CON NGƯỜI, nghĩ đến sự TỒN VONG CỦA GIỐNG NÒI và QUỐC GIA DÂN TỘC nữa.

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube