Công dân và giáo dân

Sống trong thực tại trần thế, một người giáo dân cũng đồng thời là công dân của một quốc gia. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ ràng hai tư cách này trong từng trường hợp cụ thể xem họ hành động trong tư cách của giáo dân hay trong tư cách của công dân.

politic-religionPhải sáng suốt nhận định điều này, người ta mới có thể có nền tảng chắc chắn để dựa vào đó mà đưa ra quyết định cũng như có những tiêu chuẩn cho việc đánh giá và giới hạn phải đặt ra cho hành động của mình. Nếu không, họ dễ bị rơi vào bẫy của những kẻ mưu mô, xảo quyệt, muốn dập tắt tiếng nói bênh vực sự thật, bênh vực công lý – hòa bình.

Cách Giáo hội hành xử với cộng đồng chính trị

Cho đến nay, nhân loại đã đạt đến việc công nhận rằng có một sự phân biệt giữa các lãnh vực chính trị và tôn giáo. Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định rằng “cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình” (Gaudium et Spes, 76).

Cần phải làm rõ: đây là một sự phân biệt có tính hai chiều. Một mặt, nhà nước thế tục phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các công dân cũng như quyền tự trị của Giáo hội trong các công việc tôn giáo. Mặt khác, Giáo hội cũng không thực hiện quyền lực của mình đối với cộng đồng chính trị, nghĩa là không xâm phạm vào các chính quyền cũng như can thiệp đến sự tự do trong tư tưởng và hành động của các cá nhân trong các vấn đề chính trị (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 571).

Như thế, một người, là một giáo dân và cũng là một công dân, có những nền tảng khác nhau để suy tư và hành động, đồng thời, khách quan cũng phải dựa vào những nền tảng tương ứng để đánh giá phản ứng trước suy tư và hành động của một người nào đó.

Là giáo dân, là con cái của Mẹ Giáo Hhội, người ta có bổn phận lắng nghe và thực hành những lời dạy xuất phát từ Huấn Quyền về luân lý liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực chính trị. Đó là những giáo huấn đòi buộc họ phục vụ cho công cuộc thăng tiến con người một cách toàn diện cũng như đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn họ trên con đường dấn thân phục vụ lợi ích chung của con người.

Tuy nhiên, Giáo hội không có trách nhiệm bắt buộc con cái mình phải ủng hộ hay chống đối một nhà nước hay một đảng phái cụ thể nào (x. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 47). Đó là quyết định tự do của mỗi người, trong tư cách một công dân sống trong bối cảnh cụ thể, sau khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm cũng như của Giáo hội, với lý trí của mình. Họ được tự do suy tư và hành động cũng như có trách nhiệm về quyết định của mình khi dấn thân phục vụ trong lĩnh vực chính trị. Lúc này, họ đã bước sang “địa hạt” của chính trị, nơi mà Giáo hội “không có thẩm quyền chuyên môn” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 424).

Như thế, cần phải xác định rõ ràng sự tự trị và độc lập giữa tôn giáo và chính trị. Xét trong cách Giáo hội hành xử với cộng đồng chính trị, đó không chỉ là nguyên tắc Giáo hội không tham gia chính trị nhưng còn là việc Giáo hội tôn trọng quyền tự do suy tư và hành động của con cái mình, với tư cách công dân, sống trong cộng đồng chính trị.

Phân biệt rõ để không bị lợi dụng

Thật phức tạp khi xác định nền tảng mà một người dựa vào để đưa ra quyết định, giáo dân hay công dân. Đây cũng là điểm mà những kẻ xảo quyết lợi dụng hòng dập tắt tiếng nói bênh vực sự thật, bênh vực công lý – hòa bình. Chẳng hạn, khi Giáo hội hay một người trong Giáo hội lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay những quyền căn bản khác của con người, người ta liền chụp mũ là “Giáo hội hoạt động chính trị”. Cũng vậy, khi người giáo dân hoạt động chính trị một cách thuần túy, thực hiện các quyền công dân của mình, họ – những công dân, bị quy kết một cách mơ hồ là “lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị”.

Không thiếu những lần nhà cầm quyền của một quốc gia tìm cách gây sức ép lên Giáo hội, đòi Giáo hội phải có cách để ngăn cản hoạt động chính trị của những người vừa ở trong Giáo hội vừa là công dân của quốc gia đó. Cũng không ít người đòi Giáo hội, với uy tín của mình, phải tuyên bố lập trường hay có hành động cụ thể để ủng hộ hoạt động chính trị của họ. Đôi khi, có những vị chức sắc Giáo hội, đứng trước áp lực của bên nào đó, lại đưa ra những tuyên bố mà mình không có thẩm quyền chuyên môn. Những điều như thế thật tai hại. Tất cả bị cuốn trôi trong những phức tạp của đời sống mà quên đi rằng: đó là những vấn đề thuộc lãnh vực chính trị, những vấn đề giữa người công dân và chính quyền.

Trong thực tế, khó mà phủ nhận được sự đan xen giữa tôn giáo và chính trị, bởi vì cả hai đều xuất hiện trong các cơ cấu có tổ chức và một cá nhân có thể vừa thuộc một cộng đồng tôn giáo vừa tham gia vào hoạt động chính trị. Hơn nữa, cả Giáo hội và cộng đồng chính trị, tự bản chất, đều theo đuổi mục tiêu phục vụ con người theo những cách thức của riêng mình – Giáo hội với các nhu cầu tâm linh còn cộng đồng chính trị với những lợi ích của công dân.

Cho nên, mặc dù có sự độc lập và tự trị, hai bên không hoàn toàn ly khai, bất hợp tác (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 425). Tuy nhiên, đó phải là một sự hợp tác lành mạnh, theo những bối cảnh cụ thể (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 571). Lịch sử đã cho thấy những hậu quả tai hại của việc lẫn lộn giữa thế quyền và giáo quyền. Ngay hôm nay, cũng không ít kẻ vẫn tìm cách trục lợi bằng cách gây ra sự lẫn lộn như vậy.

Nếu không tỉnh táo phân biệt rõ ràng giữa hai lĩnh vực tôn giáo và chính trị, người ta có thể trở nên khờ dại và bị những thế lực đen tối lập lờ đánh lận con đen để đục nước béo cò.

P.B.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube