Chuyên gia Trung Quốc nói rằng thỏa thuận của Vatican về việc bổ nhiệm các Giám mục có thể thực sự xảy ra

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 22-03-2018 | 10:21:38

WASHINGTON, D.C. – Khi những lời đồn đoán được lan truyền rộng rãi về một thỏa thuận sắp xảy ra giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục, một linh mục người Bỉ được biết đến như một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho biết ngài nghĩ rằng một thỏa thuận có thể thực sự xảy ra.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến một nỗ lực nghiêm túc như vậy đối với việc tham gia vào một cuộc đối thoại và tiếp tục việc đối thoại”, linh mục Jeroom Heyndrickx, thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về vấn đề Trung Quốc, cho biết.

Vatican và Trung Quốc, vốn đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951, đã có những cuộc đàm phán không liên tục kể từ những năm 1980. Linh mục Heyndrickx lưu ý rằng Vatican đã không hề quan tâm đến các mối quan hệ ngoại giao, nhưng chỉ bận tâm đến việc bổ nhiệm các Giám mục.

Linh mục Heyndrickx cho biết ĐTC Phanxicô đã tái khởi động lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc vào năm 2014, và “điều đó đã trở nên rõ ràng ngay từ đầu … đó chính là một nỗ lực nghiêm túc của cả hai bên”.

“Điều đáng chú ý”, Linh mục Heyndrickx phát biểu với Catholic News Service, đó chính là hai bên đã tiếp tục đàm phán trong vòng bốn năm qua. “Họ đã không bỏ cuộc”.

Một trong những lý do mà linh mục Heyndrickx tin rằng Trung Quốc đang đàm phán một cách thiện chí đó chính là Trung Quốc hiểu biết rõ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

“Theo sự hiểu biết của tôi, Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng Đức Hồng y Parolin, người đã đến Trung Quốc vào năm 2009” và đã thương thảo bản dự thảo đầu tiên về một thỏa thuận khi Đức Hồng y Tarcisio Bertone còn là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Vatican đã không ký vào bản dự thảo này, vào năm 2009, Trung Quốc một lần nữa bắt đầu việc tấn phong Giám mục một cách bất hợp pháp, mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Linh mục Heyndrickx cũng cho biết một nhân vật quan trọng khác đó chính là nguyên Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, 76 tuổi, từng phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Hồng y Agostino Casaroli bắt đầu từ những năm 1980. Từ năm 1990 đến năm 1995, Đức TGM Celli phục vụ với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao Vatican.

“Ngài hiểu biết tường tận” về tình hình Trung Quốc, Linh mục Heyndrickx nói. “Và cả Vatican và Trung Quốc đều biết rằng Ngài hiểu rõ điều này”.

Hãng thông tấn Giáo hội châu Á ucanews.com đã đưa tin hôm 21 tháng 3 rằng Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân Địa phận Hồng Kông, một trong những nhà phê bình lớn nhất đối với thỏa thuận của Vatican, tin rằng thỏa thuận mang tính lịch sử này có thể được ký kết ngay vào ngày 23 tháng 3.

ĐHY Trần Nhật Quân, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, nhấn mạnh rằng Vatican không nên để cho Trung Quốc có quá nhiều thẩm quyền trong việc lựa chọn các Giám mục.

Vài tháng sau cuộc bầu cử năm 2013 của ĐTC Phanxicô, ĐHY Trần Nhật Quân đã kêu gọi Vatican cần phải lên tiếng một cách rõ ràng hơn nhằm bảo vệ các tín hữu Công giáo Trung Quốc, đặc biệt là những cộng đồng được gọi là “hầm trú” hoặc bí mật, những người đã từ chối đăng ký với Hiệp hội Yêu nước Công giáo do chính phủ kiểm soát.

20180321T1313-15650-CNS-CHINA-DEAL-HEYNDRICKX_800-690x450

Đức cha Joseph Li Shan của Giáo phận Bắc Kinh cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Bắc Kinh.

ĐHY Trần Nhật Quân cũng cho biết ngài có thể nhìn thấy “cái bóng” của chính sách “Ostpolitik” của ĐHY Casaroli, khi cuộc đàm phán của Vatican đối với các quốc gia Liên Xô được biết đến.

Vào năm 1963, vào thời kỳ cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chọn ĐHY Casaroli để bắt đầu công việc hết sức tế nhị của việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia Mác-xít.

Làm việc một cách âm thầm và thận trọng, ĐHY Casaroli đã cố gắng giành được sự nhượng bộ nhỏ nhất cho Giáo hội và các tín đồ của mình, những người mà trong gần 20 năm đã bị đóng cửa các tòa nhà nhà thờ, bị bỏ tù hoặc lưu vong vì thực hành tôn giáo của mình và bị từ chối những công việc tốt vì họ là người Công giáo.

Trong những ngày đầu của chính sách Ostpolitik, Vatican đã đề nghị những vấn đề như tiếng nói của chính phủ trong việc bổ nhiệm các Giám mục trong một sự trao đổi để đảm bảo rằng đời sống của Giáo hội thể chế có thể tiếp tục. ĐHY Casaroli đã thường xuyên nhận xét rằng tốt hơn hết là Giáo hội tồn tại dưới những ràng buộc của chính phủ hơn là không hề tồn tại chút nào.

Vào thời điểm đó, những người chỉ trích cho biết rằng chính sách của Vatican chẳng khác gì là việc bán rẻ Giáo hội cho cộng sản vì một số lợi ích.

Ước tính có đến 10-12 triệu người Công giáo Trung Quốc hiện đang bị chia cắt giữa hai cộng đồng: Một cộng đồng, trong nhiều thập kỷ, hiện vẫn còn hoạt động bí mật vì họ không chấp nhận những thỏa hiệp cũng như việc kiểm soát chính trị của chính phủ sau khi Trung Cộng chiếm quyền kiểm soát vào những năm 1950, và một cộng đồng khác chấp nhận một số thỏa hiệp cũng như việc kiểm soát chính trị của chính phủ để tiếp tục tồn tại. Cả hai cộng đồng này đều trung thành với Đức Giáo Hoàng, và cả hai đều phải đối mặt với cuộc dàn áp của chính quyền Trung Quốc.

Tháng 2 năm 2017, tuyên bố về việc Vatican và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, Đức Hồng y Hồng y John Tong cho biết: “Kể từ bây giờ, sẽ không có thêm sự khủng hoảng về một sự chia rẽ giữa các cộng đồng công khai và hầm trú trong Giáo hội tại Trung Quốc”.

“Ngược lại, hai cộng đồng này sẽ dần dần tiến tới sự hòa giải và hiệp thông về các khía cạnh của pháp luật, chăm sóc mục vụ và các mối quan hệ. Giáo hội tại Trung Quốc sẽ cùng chung tay rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu trên mảnh đất Trung Hoa”, ĐHY John Tong nói.

Trước đây, hầu hết các vị Giám mục được tấn phong bất hợp pháp đều đã viết thư cho Vatican, tìm kiếm sự tha thứ, và đã được Vatican chấp thuận. Tất cả những điều này đã được thực hiện trong bí mật, nhưng các quan chức Trung Quốc thừa nhận họ biết tất cả những gì đang xảy ra.

Trong những năm gần đây, vì những yêu cầu của chính phủ, các linh mục, nữ tu và giáo dân tại tất cả các Giáo phận tại Trung Quốc đã bầu chọn các vị tân Giám mục của mình. Hầu hết những người được bầu chọn đều đã nộp đơn xin Tòa Thánh chấp thuận.

ĐHY Tong cho biết cuộc đối thoại Trung-Vatican cho thấy rằng hiện nay Trung Quốc sẽ “để cho Đức Giáo Hoàng giữ vai trò trong việc bổ nhiệm và tấn phong các Giám mục Trung Quốc”. Vì, theo Giáo luật, Đức Giáo Hoàng là người có quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm các Giám mục, điều này sẽ giải quyết một số vấn đề, ĐHY Tong nói.

“Bắc Kinh cũng sẽ công nhận quyền phủ quyết của Đức Giáo Hoàng và Đức Giáo Hoàng cũng sẽ là thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trong việc quyết định các ứng cử viên Giám mục ở Trung Quốc”, ĐHY Tong nói. Hiệp hội yêu nước Công giáo ủng hộ việc “tự đề cử và tự tấn phong” của các Giám mục, nhưng nếu như thoả thuận về sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng đối với các Giám mục đạt được, nguyên tắc đó sẽ trở thành lịch sử, ĐHY Tong nói.

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân cho biết trong một bài viết đăng trên trang blog của mình gần đây: “Cho đến khi tôi thấy một thỏa thuận tai hại đã được ký kết, tôi từ chối tin rằng đó lại có thể là sự thật”. Nếu như thỏa thuận này được ký kết, ĐHY Trần Nhật Quân nói, ngài sẽ không chống lại Đức Giáo Hoàng. “Tôi sẽ chấp nhận thất bại, nghỉ hưu trong thinh lặng”.

Linh mục Heyndrickx phát biểu với CNS rằng ngài hiểu lý do tại sao nhiều người Công giáo Trung Quốc, những người đã chống lại tất cả những thỏa thuận này trong nhiều năm, đều nhận thấy thỏa thuận của Vatican với các chính quyền cộng sản là không thiện chí. Thế nhưng, Linh mục Heyndrickx nói, “nếu không chấp nhận nhượng bộ, thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Và nếu không chuyện gì xảy ra, điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Người Công giáo Trung Quốc cảm thấy như “chúng ta đã thua cuộc”, Linh mục Heyndrickx nói, nhưng “cả hai bên đều đã thua”.

“Ai mất nhiều hơn? Ai thiệt nhiều hơn? Quả thực vô cùng khó nói”, Linh mục Heyndrickx nói, đồng thời ngài cũng cho biết thêm rằng ngài chắc chắn các nhà chức trách Trung Quốc hiện cũng đang phải đối mặt với hàng loạt những chỉ trích tương tự như các quan chức Vatican.

Trong bất kỳ tình huống bách hại nào trong lịch sử, “lịch sử sẽ tự lặp lại”, Linh mục Heyndrickx nói. “Chúng ta cũng đã có nhiều người phải chịu đựng đau khổ như những anh hùng tử đạo và chết đi, và chúng ta cũng có những người cố gắng để thích ứng với điều đó”.

Cuối cùng, người ta phải tìm kiếm sự thỏa hiệp mang tính thực tế, Linh mục Heyndrickx nói, và bất cứ ai nhượng bộ, “họ bị đổ lỗi trong lịch sử”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube