Chúng ta không thể sống mà không có niềm hy vọng

'Hy vọng đích thực, thứ vượt lên trên tất cả những hy vọng khác, không phải vì vật chất, mà là vì Chúa.' (Ảnh: Unsplash)

‘Hy vọng đích thực, thứ vượt lên trên tất cả những hy vọng khác, không phải vì của cải vật chất, mà là vì Thiên Chúa’ (Ảnh: Unsplash)

Bất chấp tất cả những vấn đề mà đại dịch đã mang lại cho cuộc sống của chúng ta, thời điểm hiện tại vẫn là một cơ hội để hy vọng. Và có thể đáng khích lệ khi nhận ra rằng niềm hy vọng của chúng ta có thể là một sự chúc lành cho người khác.

Đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều người trong chúng ta, về phương diện kinh tế, cá nhân, đạo đức và tinh thần. Một số đã tuyệt vọng, trong khi những người khác vẫn còn đầy bối rối. Chúng ta không thể sống mà không có hy vọng. Đó là một sự thật đương nhiên. Tuy nhiên, điều không phải lúc nào cũng rõ ràng là tác động lâu dài của hy vọng dường như phụ thuộc vào đối tượng được hy vọng và hành vi mà niềm hy vọng như vậy mang lại.

Nhiều người đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo chính trị và khoa học. Ví dụ như, vắc-xin coronavirus, mà các nhà khoa học đã chế tạo và các chính trị gia quảng bá, đã trở thành mục tiêu của hy vọng, nhưng liệu nó có xứng đáng không? Tiến sĩ Peter McCullough là Phó trưởng Khoa nội tại Đại học Baylor. Ông được biết đến là một trong năm nhà nghiên cứu y khoa nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Ông báo cáo rằng, tính đến ngày 30 tháng 4, ước tính có khoảng 124 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, 3.837 người đã tử vong ngay sau đó. Ông tuyên bố rằng “vắc xin” COVID-19 đang trở thành loại vắc xin gây chết người nhiều nhất từng được tạo ra. Tuy nhiên, nhiều người cũng có kiến thức sâu rộng về virus học và vắc xin không đồng ý với ông.

Tuy nhiên, mục đích của chúng tôi ở đây không phải là tranh cãi về tính an toàn của vắc-xin mà chỉ đơn thuần là chỉ ra rằng hy vọng đặt vào khoa học có thể không phải là niềm hy vọng tốt nhất của chúng ta. Nó có thể là điều gây vỡ mộng. Khi mọi người có được những thứ vật chất mà họ mong đợi, họ sẽ sớm thất vọng và muốn nhiều hơn thế. Ham muốn được ăn theo sự thèm muốn và có thể trở nên vô độ. Đó là bởi vì niềm hy vọng thực sự của họ, niềm hy vọng vượt lên trên tất cả những hy vọng khác, không phải hy vọng vào những thứ vật chất, mà là niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Khi mọi thứ trở nên khó khăn và hy vọng bị đánh mấtvề những tiện nghi vật chất, thì chính trong hoàn cảnh đó, niềm hy vọng thực sự mới bắt đầu sải cánh. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8:24).

Do đó, hy vọng chính là sự cứu rỗi

Nhưng đó là một hy vọng đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những khó khăn hiện tại và không tuyệt vọng. Chúng ta phải hành động theo cách xứng đáng với hy vọng này. Chúng ta không thể tách biệt hy vọng khỏi hành vi nhân đức.

Hy vọng sẽ chỉ là cứu cánh nếu nó đi kèm với một cuộc sống tốt đẹp. Triết gia Plato, bất chấp thời kỳ ngoại giáo mà ông đã trải qua, đã nhận thức rất rõ điều này. Trong đối thoại Gorgias, Plato nói: “Do đó, khi người chết xuất hiện trước vị quan tòa … vị quan tòa khiến họ dừng lại trước mặt mình và thẩm vấn từng linh hồn dù không biết về danh tính của họ. … Vị quan tòa thấy tất cả đều bị quằn quại bởi sự dối trá và sự lường gạt, quanh co bởi vì nó không được nuôi dưỡng từ chân lý … Và khi vị quan tòa nhìn thấy một linh hồn như vậy, vị quan tòa ném nó, với tất cả nỗi nhục nhã, thẳng vào nơi ngục tù nơi được định sẵn để phải bước vào và trải qua những đau khổ mà linh hồn ấy phải chịu”.

Đoạn văn đáng chú ý của triết gia Plato này rất tương thích với Kitô giáo cùng với một số điểm quan trọng. Vào thời cánh chung sẽ có một cuộc phán xét. Sự phán xét này sẽ không quan tâm địa vị thế gian của người bị phán xét. Các linh hồn sẽ trần trụi đứng trước vị quan tòa. Hình phạt thích đáng sẽ được đưa ra cho những kẻ sống một cuộc sống vô luân. Việc sống theo chân ý cho phép người ta thoát khỏi sự trừng phạt.

Plato phản đối rằng những người nắm quyền có nhiều cơ hội hơn để “phạm phải những tội nghiêm trọng”. Tuy nhiên, như người học trò khôn ngoan của Socrates tiếp tục nói, thậm chí ngay cả khi có nhiều cơ hội phạm tội hơn, “không có gì ngăn cản việc những người đàn ông tốt bụng được tìm thấy trong tầng lớp này”. Plato thừa nhận rằng một người không cần phải khuất phục trước những cám dỗ đối đầu với anh ta và có thể duy trì đức công chính và danh dự. Do đó, cách tốt nhất để trải qua ngày sống, Plato nói, là “sống chết với việc theo đuổi công lý và các nhân đức khác”.

Hy vọng sẽ được kiện toàn khi cá nhân sống một cuộc sống xứng đáng với nhân đức cao cả này. Trong Thông điệp năm 2007 của mình, Spe Savi” (Được cứu độ trong niềm Hy vọng), Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đồng ý với tư tưởng của Plato:

“Có một số người đã tiêu diệt hoàn toàn khát khao chân lý và sự sẵn sàng sống của họ, những người mà mọi thứ đều trở thành một sự dối trá, những người sống vì thù hận và đã dập tắt tất cả tình yêu bên trong chính bản thân họ”.

“Mặt khác”, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI cho biết thêm, “có thể có những người hoàn toàn thanh khiết, hoàn toàn được Thiên Chúa thấm nhuần, và do đó hoàn toàn cởi mở với những người lân cận của họ – những người mà từ đó, sự hiệp thông với Thiên Chúa thậm chí còn đưa ra định hướng cho toàn bộ con người của họ và cuộc hành trình của họ hướng về Thiên Chúa chỉ mang đến sự hoàn thiện đối với những gì họ đã có”.

Điều rút ra là tình yêu phải gắn liền với hy vọng. Một cuộc sống vô luân chính là sự hủy diệt đối với niềm hy vọng. Những khó khăn mà một người phải gánh chịu trong đại dịch mang lại cơ hội tốt để tập trung vào niềm hy vọng vốn là điều quan trọng nhất. Vào thời điểm này, ngày càng rõ ràng rằng không có của cải vật chất nào, hay tiện nghi, địa vị, khoa học cũng như không có các nhà lãnh đạo thế giới nào có thể cung cấp cho chúng ta một hy vọng vốn sẽ không phản bội chúng ta.

Chúng ta có xu hướng nghĩ về hy vọng theo cách cá nhân. Tuy nhiên, sự thật không thể chối cãi là không ai trong chúng ta sống cô độc một mình. Suy nghĩ và hành động của người khác liên tục chảy vào cuộc sống của tôi – trong khi, cùng lúc đó, cuộc sống của tôi liên tục chảy vào cuộc sống của người khác. Chúng ta được liên kết với nhau thông qua vô số sự tương tác. Tôi biết ơn tất cả những người đã mang những phước lành của họ vào cuộc đời tôi. Vì vậy, hy vọng của tôi bao gồm hy vọng của tôi đối với người khác, và hy vọng của họ cũng bao gồm hy vọng của họ đối với tôi. Như Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố trong “Spe Salvi” rằng: “Niềm hy vọng của chúng ta về cơ bản luôn là niềm hy vọng cho những người khác; chỉ có như vậy thì tôi mới thực sự hy vọng”. Chúng ta nên luôn tự hỏi mình câu hỏi, “Tôi có thể làm gì để những người khác được cứu?”. Hy vọng là một lộ trình gồm nhiều khía cạnh.

Bất chấp mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, thời điểm hiện tại vẫn là một cơ hội để hy vọng. Và có thể đáng khích lệ khi nhận ra rằng hy vọng của chúng ta có thể là một một sự chúc lành cho người khác.

Donald DeMarco

** Donald DeMarco, Ph.D., là thành viên cao cấp của Human Life International. Ông là giáo sư danh dự tại Đại học St. Jerome tại Waterloo, Ontario, giáo sư trợ giảng tại Cao đẳng Holy Apostles ở Cromwell, Connecticut, và là người phụ trách một chuyên mục thường xuyên cho Tạp chí St. Austin Review. Các tác phẩm mới nhất của TS. Donald DeMarco, Ph.D: “Làm thế nào để giữ sự đúng mực trong một thế giới đang trở nên điên cuồng” (How to Remain Sane in a World That is Going Mad); “Thi ca đi vào tâm trí và sưởi ấm trái tim” (Poetry that Enters the Mind and Warms the Heart); và “Làm thế nào để phát triển hung thịnh trong một thế giới sa ngã” (How to Flourish in a Fallen World) hiện có sẵn trên Amazon.com. Một số bài viết gần đây của ông có thể được tìm thấy tại Diễn đàn Sự thật và Từ thiện của ‘Human Life International’. Ông là thành viên của ‘Liên đoàn Dân quyền Công giáo năm 2015’ đã nhận được ‘Giải thưởng Exner’ danh giá.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube