Cái đêm hôm ấy… đêm gì? Cái đêm hôm nay… đêm gì?

“Cái đêm hôm ấy… đêm gì”

Đó là tựa bài ký sự đã tạo nên một “cơn địa chấn” của nhà văn Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ 1987. Những dòng chữ ông viết được rút từ trong những nỗi uất ức của chính thân phận gia đình mình, là những người nghèo bị bóc lột đến tận… quan tài, và cay đắng khi thấy lý tưởng theo đảng mà mình theo đuổi và cống hiến cũng không giúp mình được một hạt thóc, trái lại, lại cướp đi của mình đến hạt cuối cùng. Đau đớn thay, kẻ cắp ở đây chính là những cán bộ nhà nước “lo cho dân cho nước”; chính những người thân của ông trong guồng máy ấy cũng không thể giúp gì, vì họ còn đang lo đến cái dạ dày của họ. Nhưng đau khổ tê tái nhất của ông không phải là bị cướp đi những hạt lúa cuối cùng nuôi sống gia đình, cũng không phải vì “lý tưởng” bị cướp đi, mà chính ông đã từng từng nuôi, từng cộng tác và cống hiến; chính cái “lý tưởng” ấy đã bắt ông nộp sạch cho đến hạt lúa cuối cùng, như đã từng cướp mà bấy lâu nay vì mù lòa nên ông không thấy. Nỗi đau thấu tận tâm can được ông dàn trải, không chỉ riêng ông, nhưng bây giờ là của hàng triệu triệu nỗi uất ức của người dân Việt cũng như ông về một chính quyền, “không như người ta vẫn tưởng, vẫn tưởng như những gì hệ thống tuyên truyền ra rả”.

Hôm nay, giá trị của bài bút ký vẫn còn mang tính thời sự, phản ánh chính sự thật đang xảy ra trên quê hương Việt Nam, đang xảy ra cho những con người nghèo khổ bị “cướp đoạt” hàng ngày. Nếu câu chuyện của ông đã làm thức tỉnh nhận thức cả xã hội trong đêm dài tăm tối trước đổi mới, thì trước tiên phải nhận ra như ông rằng, “cái đêm hôm ấy… đêm gì” chính là “cái đêm hôm nay… đêm gì” của đồng bào Đông Yên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có khu công nghiệp Formosa.

Nếu việc chính quyền cưỡng chế đất đai một cách phi lý và “khó hiểu” làm Đông Yên rơi vào thế cô lập, nghèo khổ và thất học, thì việc cho xây dựng khu công nghiệp Formosa gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường đang dẫn Đông Yên tới chỗ diệt vong.

Chung tay giúp Đông Yên vững vàng trong thời điểm khó khăn này không chỉ là việc làm theo phong trào, một việc từ thiện để lấy tiếng, nhưng là việc nhận thức được sự thật của vấn đề.

Như cách mà nhà cầm quyền ứng phó một cách lúng túng và bất cập với tình trạng cá chết và nước biển ô nhiễm trong hai tháng qua ở các tỉnh miền Trung, là mua cá, hỗ trợ gạo, ra những văn bản chứng thực nước biển sạch và an toàn, khuyến khích du lịch…, thì những giải pháp cho người dân Đông Yên nói riêng và cả nước nói chung sẽ là: nếu Đông Yên thiếu gạo, ta có thể góp gạo; nếu Đông Yên thiếu học, ta có thể dạy bổ túc; nếu Đông Yên thiếu y tế, ta có thể lo được… Nhưng nếu chỉ làm đến thế thôi, ta vẫn là kẻ mù, và người dân Đông Yên, nếu chỉ mong có thế, thì họ vẫn mù, “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố” (Mt 15,14).

Trong lần đến thăm Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt tại đan viện Châu sơn, Nho quan, Ninh Bình mới đây, nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm linh mục, chúng tôi được ngài chỉ cho thấy trọng tâm của những vấn đề rối ren trong xã hội: đó là vì nội tâm người ta đã bị ô nhiễm vì dối trá, gian tham, ích kỷ và hưởng thụ; luân lý bị ô nhiễm. Tốt, xấu tùy thuộc vào con người định danh cho điều gì là xấu là tốt. Nói dối và lấp liếm là con đẻ của thứ ô nhiễm luân lý này và kẻ lưu manh nhất sẽ là kẻ được “vinh danh” trong đó.

“Cái đêm hôm nay… đêm gì” của người dân Đông Yên.

Đó là cái “đêm” được ánh sáng lòng tin soi dẫn, không phải là thứ “ánh sáng” lập lòe của những lời hứa hẹn, hoặc thứ ánh sáng chói chang của những ngọn đèn tra tấn, nhưng là ánh sáng của sự thật, của tình liên đới cảm thông của bao người đang đấu tranh cho công lý và quyền con người, trong đó có người dân Đông Yên. Vì Đông Yên không cô độc một mình trong số phận nghiệt ngã như thảm cảnh của nhà văn Phùng Gia Lộc trong “đêm hôm ấy… đêm gì”:

Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:
– Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.
Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.
– Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi… Trông xuống mà coi…
Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:
– Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!
Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra

Đó là cái “đêm” của chính sách mà nhà cầm quyền cộng sản chọn: phát triển kinh tế bằng bất cứ sự hy sinh nào, kể cả người dân và đất nước, thật ra chỉ là vơ vét cho bản thân, cho lợi ích nhóm khi dùng quyền bính áp đặt trên lợi ích của người dân và của quốc gia.

Nhưng “đêm” ấy sắp tàn, mà tín hiệu là thái độ kiên trì đấu tranh của những phong trào dân chủ; thái độ của người dân với Tổng thống Obama vừa qua, cũng như tỷ lệ người đi bầu và kết quả bầu cử vừa qua…

Nhưng đó còn là cái “đêm” dạt dào yêu thương từ sự quan tâm của Hội thánh Công giáo, chí ít là của những người nhân danh Đức Kitô mà đến, dù đó chỉ là số nhỏ không đáng kể, mà “đáng kể” là họ đã thay cho những thái độ lạnh nhạt, giả hình; cho những thái độ “thận trọng” hơn là can đảm, cho những biện pháp chữa trị “hậu quả” thay vì “nguyên nhân”.

Thái độ của Hội thánh là phê phán, hướng dẫn chứ không phải cộng tác cho các thể chế chính trị, “để loan tin mừng cho người nghèo hèn (nhưng là tin mừng nào?), công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha (nhưng là những ai?), cho kẻ mù được sáng mắt (nhưng ai là ‘kẻ mù’?”) trả tự do cho người bị áp bức (ai trả?, buộc ai phải trả?), công bố một năm hồng ân của Chúa (năm nay hay… năm nào?) (Lc 4,18-19).

Nếu Hội thánh bỏ vai trò ngôn sứ, không tích cực tham gia đấu tranh cho công lý và hòa bình, công bằng và quyền con người, thì Hội thánh sẽ phản bội với ý nguyện của Đức Kitô, với hàng triệu tín hữu trung thành và đẩy họ đến chỗ phải đau đớn, nói như Phùng Gia Lộc, “ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra”.

Phải chăng vì không dám nói lên sự thật về “cái đêm hôm ấy… đêm gì”, mà “đêm” cứ kéo dài…?

Nhưng nếu Hội thánh biết tự giải thoát khỏi các xiềng xích đang cầm giữ mình và tìm lại được sứ mạng của mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, thì tiếng nói của Hội thánh chính là hành động can đảm, kiên trì để cổ võ cho hòa bình và công lý. Hội thánh sẽ khơi dậy những ý tưởng và truyền cảm hứng cho con người bằng cách hướng dẫn họ lòng yêu mến chân lý và quyền con người, yêu mến công lý và hòa bình. Nhờ vậy, Hội thánh mới trở nên “ánh sáng cho đời, muối cho trần gian” ( Mt 5, 13-14) cho những người còn đang mò mẫm trong đêm tối.

Nhiều người “thấy ánh sáng chỉ đường” đã tìm đến Hội thánh. Nhưng Hội thánh có “bối rối” hay có biết và chỉ ra (Mt 2, 1-6)…

“Cái đêm hôm ấy hay cái đêm hôm nay” là thời điểm nhập nhoạng giữa cái “thấy” và “không thấy”, giữa cái “rõ” và “mù” thật đáng sợ, chao đảo và khó giữ vững lòng tin, nhưng xác tín như thánh Phao lô: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13, 11-14).

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube