Các Giáo hội EU nhấn mạnh trước các cuộc bầu cử vào tháng Sáu: ‘Châu Âu phải quay trở lại cội nguồn Kitô giáo’

Quốc kỳ Châu Âu tung bay vào Thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2023 tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp. (Ảnh: Jean-Francois Badias/AP.)

Quốc kỳ Châu Âu tung bay vào Thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2023 tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp. (Ảnh: Jean-Francois Badias/AP)

Với việc chỉ còn ba tháng nữa sẽ diễn ra các cuộc bầu cử ở châu Âu, các Giám mục của lục địa này đã cùng với các Giáo hội Kitô giáo khác than phiền rằng các nguyên tắc Kitô giáo mà châu Âu được thành lập dựa trên đó đang bị gạt sang một bên hoặc bị biến thành công cụ cho lợi ích chính trị.

Các Giám mục cũng kêu gọi một cuộc đối thoại cởi mở và nhất quán giữa Giáo hội và nhà nước, đồng thời yêu cầu tất cả các tổ chức châu Âu và tất cả các ứng cử viên vào Nghị viện châu Âu phải thúc đẩy các giá trị Kitô giáo trong các chiến dịch trước bầu cử và đấu tranh chống lại việc chính trị hóa đức tin.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 20 tháng 3, Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) cho biết những thách thức như các cuộc khủng hoảng kinh tế, nhập cư, y tế và năng lượng liên tiếp ở Châu Âu và thế giới, cũng như các cuộc xung đột toàn cầu hiện nay, ngày càng trở nên phức tạp hơn bởi “cuộc khủng hoảng rộng hơn về các giá trị ở khu vực châu Âu, vốn đặt vấn đề về các nguyên tắc và thể chế dân chủ”.

Họ chỉ ra khó khăn ngày càng gia tăng trong các trung tâm đưa ra quyết định của Châu Âu trong việc ứng phó với tình hình, và đồng thời cho biết rằng với tư cách là những tác nhân trí tuệ, chính trị và tôn giáo, họ cảm thấy được kêu gọi hỗ trợ trong việc “tái xác định khuôn khổ của những ưu tiên vì một tương lai bền vững cho Châu Âu”.

Ngoài COMECE, tuyên bố còn được ký bởi Hội nghị các Giáo hội Châu Âu, Hội đồng Liên nghị viện về Chính thống giáo và tổ chức “Together for Europe” (Cùng nhau vì Châu Âu”.

Trong số những điều khác, các bên ký kết cho biết việc tạo điều kiện cho một nền dân chủ có sự tham gia và đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất có thể của người dân vào quá trình đưa ra quyết định cũng như quản lý các vấn đề châu Âu là điều “có tầm quan trọng sống còn”.

Họ lưu ý rằng một phần đáng kể công dân EU nhìn tương lai của châu Âu qua lăng kính các giá trị Kitô giáo “giờ đây cảm thấy bị gạt ra bên lề, vì họ không có cơ hội bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình một cách tự chủ và riêng biệt”.

“Chúng tôi cũng nhận thấy việc loại trừ bất kỳ sự đề cập thích hợp nào về các giá trị Kitô giáo trong các văn bản liên quan của EU”, họ cho biết.

Trong bối cảnh chủ nghĩa thế tục đang phát triển, các nhà lãnh đạo Giáo hội ở châu Âu từ lâu đã đấu tranh chống lại những nỗ lực tiến bộ nhằm mở rộng sự bảo vệ pháp lý cho các thực hành như phá thai và an tử, và họ đã liên tục tập hợp chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy theo chủ nghĩa dân tộc trong khi ủng hộ một chính sách tập thể về các vấn đề như di cư và y tế, sau đại dịch COVID-19.

Tuyên bố của họ cũng được đưa ra sau khi Pháp gần đây trở thành quốc gia đầu tiên coi việc phá thai là một quyền hiến định, một động thái mà một số nhà quan sát lo ngại có thể châm ngòi cho những cải cách lập pháp tương tự ở các quốc gia khác trên khắp châu Âu.

Trong tuyên bố của mình, COMECE và các bên ký kết khác nhận thấy rằng “tầm quan trọng của truyền thống Kitô giáo như ‘điểm trung gian’ trong đó các giá trị châu Âu ngày nay được thiết lập đang bị bỏ qua”.

“Chính trong giai đoạn trước bầu cử này, chúng tôi, với tư cách là những người Kitô hữu, bày tỏ sự sẵn sàng đảm bảo một cuộc đối thoại chính trị sâu sắc và thực chất vốn cũng sẽ là cơ hội để bày tỏ cam kết chắc chắn của chúng tôi đối với các giá trị châu Âu và sự tán thành của EU”, họ nói.

Họ than phiền rằng những giá trị như hòa bình, ổn định, thịnh vượng và pháp quyền “chứ không phải cai trị bằng quyền lực”, vốn được coi là đương nhiên trong nhiều năm, “giờ đầy đã bị xé nát”.

Ngoài ra, họ cũng cho biết cảm giác sợ hãi và bất an ngày càng tăng đang chi phối quan điểm của một bộ phận lớn công dân EU về tương lai của châu Âu và thế giới.

“Nỗi sợ hãi thúc đẩy một số người tìm kiếm giải pháp và sự hỗ trợ tinh thần trong một phiên bản truyền thống được khách quan hóa và công cụ hóa, đôi khi được ngụy trang dưới dạng lời kêu gọi đối với ‘các giá trị truyền thống’”, họ nói, và đồng thời chỉ trích việc sử dụng các nguyên tắc dựa trên đức tin cho các mục đích chính trị.

Trong những trường hợp này, họ cho biết, các khái niệm như “quê hương” và “tôn giáo” “được vũ khí hóa và những nhân vật lịch sử mơ hồ được biến thành những anh hùng”.

“Tất cả những điều này diễn ra ở một nơi công cộng bị chia rẽ, ngày càng được đặc trưng bởi sự phân cực và bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch được phát tán trên các mạng xã hội kỹ thuật số”, họi nói, đồng thời cho biết điều này che khuất khả năng đối thoại và làm suy yếu khả năng tiếp thu ý kiến ​​của các chuyên gia, cũng như “sự bất đồng tôn trọng”.

Họ cho biết họ thường xuyên quan sát thấy “thực tế của những cuộc độc thoại song song, cũng như sự phát triển của các nhóm cộng đồng khép kín, trong đó những ý kiến không có tư duy phê phán và phản biện được tạo ra và phổ biến”.

Trong môi trường này và với các cuộc bầu cử sắp diễn ra, các bên ký kết bày tỏ sự tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và các phe phái chính trị của nó “đang được kêu gọi định hình lại câu chuyện của chính họ dựa trên các xu hướng dài hạn đặc trưng cho quá trình hội nhập châu Âu”.

Các giá trị Kitô giáo, được phần lớn công dân châu Âu đón nhận, “có thể đảm bảo một cách tiếp cận an toàn trước những thay đổi và thách thức mà chúng ta phải đối mặt”, họ nói.

Để đạt được mục tiêu này, họ cho rằng điều cần thiết là tất cả các phe phái ở châu Âu phải tính đến các giá trị Kitô giáo khi nói đến chính sách, đặc biệt là về các vấn đề cốt lõi “và trong bối cảnh chính trị rối ren phức tạp nơi người dân đặc biệt quan tâm đến bất kỳ chuẩn mực đang thay đổi và không ổn định nào”.

 Các bên ký kết đảm bảo cam kết hợp tác cùng nhau một cách năng động và toàn diện nhằm thúc đẩy “một chương trình nghị sự tích cực của châu Âu” trong đó các giá trị Kitô giáo đóng vai trò là nguồn cảm hứng.

 Họ kêu gọi một cuộc đối thoại cởi mở và ổn định với các Giáo hội như được nêu trong Hiệp ước Lisbon, và đặc biệt kêu gọi các nhóm chính trị của Liên minh Châu Âu, các đảng phái chính trị khác nhau và tất cả các ứng cử viên vào Nghị viện Châu Âu công nhận các giá trị Kitô giáo “như nền tảng chính của dự án châu Âu”.

Để đạt được mục đích này, họ yêu cầu cụ thể rằng điều 17 của Hiệp ước về Hoạt động của Liên minh Châu Âu – trong đó đưa ra nghĩa vụ pháp lý đối với EU trong việc tiến hành đối thoại thường xuyên, cởi mở và minh bạch với các Giáo hội, hiệp hội tôn giáo và các tổ chức phi giáo phái – để được thực hiện tốt hơn.

Các bên ký kết cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo và thực thể EU “đấu tranh chống lại việc công cụ hóa các giá trị Kitô giáo vì lợi ích chính trị và theo quan điểm của các câu chuyện về sắc tộc-chủng tộc”, đồng thời thúc đẩy các giá trị Kitô giáo trong các chương trình chính trị và các chiến dịch trước bầu cử khi tháng Sáu đến gần.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube