Các Giám mục kêu gọi ‘giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu’ nhân dịp kỷ niệm Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân

(Ảnh: KREML/Shutterstock)

(Ảnh: KREML/Shutterstock)

Một nhóm các Giám mục quốc tế đang kêu gọi “giải trừ vũ khí hạt nhân toan cầu, có thể kiểm chứng” nhân kỷ niệm 3 năm Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu quan trọng.

Các Giám mục các Địa phận Santa Fe, New Mexico và Seattle cũng như Tổng Giáo phận Nagasaki và Giáo phận Hiroshima của Nhật Bản đã ban hành bức thư vào hôm thứ Hai nhân kỷ niệm 3 năm Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực.

Hiệp ước đó, được Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua vào năm 2017 và có hiệu lực vào tháng 1 năm 2021, bao gồm “một loạt các lệnh cấm toàn diện đối với việc tham gia vào bất kỳ hoạt động vũ khí hạt nhân nào”, bao gồm các chỉ thị “không triển khai, thử nghiệm, sản xuất, thu thập, sở hữu, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Đức Tổng Giám mục Santa Fe John Wester, Đức Tổng Giám mục Seattle Paul Etienne, Đức Tổng Giám mục Nagasaki Peter Michiaki Nakamura, Đức Giám mục Hiroshima Alexis Mitsuru Shirahama, và Đức nguyên Tổng Giám mục Nagasaki Joseph Mitsuaki Takami lưu ý rằng hiệp ước “đã được 93 quốc gia ký kết và được 70 quốc gia phê chuẩn”, mặc dù “không có các cường quốc có vũ khí hạt nhân hoặc đồng minh của họ” ký kết hiệp ước.

“Các quốc gia có vũ khí hạt nhân có nghĩa vụ đạo đức là phải nghe tiếng nói của đa số thế giới và lắng nghe những người đang bị đe dọa tiêu diệt theo quyết định của bất kỳ một trong 9 nhà lãnh đạo của các quốc gia có vũ khí hạt nhân”, các vị Giám chức viết.

9 quốc gia đó là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Israel và Vương quốc Anh.

“Sức mạnh pháp lý quốc tế của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được giới hạn ở những quốc gia đã chính thức phê chuẩn hiệp ước”, các vị Giám chức viết. “Nhưng sức mạnh đạo đức của hiệp ước này không công nhận ranh giới giữa các quốc gia cũng như các đường kẻ trên bản đồ – sức mạnh đạo đức của hiệp ước này mang tính toàn cầu và phổ quát”.

“Đây là một bước lịch sử khác trên hành trình hướng tới hy vọng, hướng tới ánh sáng, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, các vị Giám chức nói.

Trong thư, các Giám mục lưu ý rằng các Giáo phận tương ứng của họ là những nhân chứng quan trọng của lịch sử hạt nhân: “nơi ra đời của vũ khí hạt nhân” ở Santa Fe, “vũ khí hạt nhân được triển khai nhiều nhất ở Hoa Kỳ” ở Seattle, và ở Hiroshima và Nagasaki, “hai thành phố duy nhất cho đến nay phải hứng chịu những vụ tấn công nguyên tử khủng khiếp”.

“Nhiệm vụ của các Giáo phận của chúng ta là ủng hộ hiệp ước này trong khi nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân phổ quát và có thể kiểm chứng được”, các Giám mục cho biết. “Chúng tôi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà lãnh đạo Công giáo kể từ khi được đề xuất và thực hiện.

Các Giám mục ở Vương quốc Anh cũng như Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hợp Quốc, đã ca ngợi hiệp ước này và đồng thời kêu gọi cắt giảm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Trong khi đó, vào tháng 1 năm 2021, Đức Giám mục Shirahama và Đức Tổng Giám mục Takami lúc đó đã hoan nghênh hiệp ước của Liên Hợp Quốc đồng thời bày tỏ sự thất vọng vì Nhật Bản không phải là một bên ký kết hiệp ước này.

“Chính phủ Nhật Bản lập luận rằng ‘cần phải duy trì khả năng răn đe của Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ liên minh Nhật-Mỹ’”, các vị Giám chức viết vào thời điểm đó.

“Nhưng với tư cách là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, Nhật Bản nên đi đầu trong việc ký kết, phê chuẩn và đóng vai trò thúc đẩy đối thoại hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân”, họ lập luận.

Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, cũng lập luận vào năm 2021 chống lại “việc chi tiêu với cái giá cao cắt cổ của một số quốc gia trong việc sản xuất và triển khai kho vũ khí hạt nhân” và đồng thời kêu gọi áp dụng hiệp ước trên toàn cầu.

“Tòa Thánh rất biết ơn những quốc gia đã ký và phê chuẩn hiệp ước, đồng thời khuyến khích các quốc gia còn lưỡng lự tham gia thỏa thuận quan trọng này”, Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết vào năm đó.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube