Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi ‘nỗ lực tập trung cầu nguyện’ trước phiên điều trần về thuốc phá thai của Tòa án Tối cao

Katie Mahoney, Pat Mahoney, Peggy Nienaber thuộc tổ chức 'Faith and Liberty', và Mark Lee Dickson thuộc tổ chức 'Right to Life' Đông Texas cầu nguyện trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, tại Washington, D.C (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty

Katie Mahoney, Pat Mahoney, Peggy Nienaber thuộc tổ chức ‘Faith and Liberty’, và Mark Lee Dickson thuộc tổ chức ‘Right to Life’ Đông Texas cầu nguyện trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, tại Washington, D.C (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty)

Các Giám mục Hoa Kỳ đang kêu gọi một chiến dịch cầu nguyện toàn quốc trước phiên điều trần của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào tuần tới, điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp thuốc phá thai mifepristone.

Năm ngoái, Tòa án cho biết họ sẽ xem xét phán quyết của Tòa phúc thẩm khu vực thứ năm được quyết định vào tháng 8 năm 2023 áp đặt các hạn chế đối với thuốc phá thai dựa trên những lo ngại về vấn đề an toàn. Phán quyết sau cùng của Tòa án Tối cao có thể hạn chế việc vận chuyển thuốc qua đường bưu điện.

Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 26 tháng 3. Trong một lá thư trong tháng này, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, và Chủ tịch Ủy ban USCCB về các Hoạt động Bảo vệ Sự sống, Đức Giám mục Michael Burbidge, cho biết họ “mời gọi các tín hữu Công giáo tham gia nỗ lực tập trung cầu nguyện” cho “việc chấm dứt nạn phá thai và bảo vệ phụ nữ và trẻ sơ sinh” bắt đầu từ ngày 25 tháng 3.

Các Giám mục cho biết rằng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thông qua việc cho phép thuốc phá thai được gửi qua đường bưu điện, “đã kích hoạt ngành công nghiệp phá thai đặt hàng qua đường bưu điện trên toàn quốc và biến các hiệu thuốc lân cận thành các nhà cung cấp dịch vụ phá thai bằng hóa chất”.

Những viên thuốc đó “hiện là hình thức phá thai phổ biến nhất ở Hoa Kỳ”, các Giám mục chỉ ra.

Các Giám mục lưu ý rằng quyết định cuối cùng của Tòa án Tối cao về vấn đề này “có khả năng tạo ra tác động lớn đến khả năng tiếp cận rộng rãi của việc phá thai bằng hóa chất”.

“Mặc dù vụ kiện của Tòa án Tối cao không nhằm mục đích chấm dứt phá thai bằng hóa chất, nhưng nó có thể khôi phục những hạn chế mà FDA đã bỏ qua”, các Giám mục viết.

Chiến dịch cầu nguyện – sẽ bắt đầu vào dịp kỷ niệm Thông điệp ủng hộ sự sống Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống) của Thánh Gioan Phaolô II – sẽ kêu gọi sự chuyển cầu của Thánh Giuse dưới tước hiệu “Đấng Bảo vệ Sự sống”.

“Chúng tôi mời gọi các tín hữu Công giáo dâng lời cầu nguyện này hàng ngày, từ ngày 25 tháng 3 đến tháng 6, khi quyết định được đưa ra”, các Giám mục viết.

Quy định về thuốc phá thai của FDA đã phải chịu một loạt quyết định của tòa án vào năm ngoái. Vào năm 2022, một số nhóm và cá nhân ủng hộ sự sống, do Liên minh Bảo vệ Tự do (ADF) đại diện, đã kiện FDA với lập luận rằng cơ quan quản lý đã không sử dụng các kênh thích hợp và vội vàng phê duyệt loại thuốc này vào năm 2000 mà không cân nhắc những rủi ro nghiêm trọng của nó đối với phụ nữ.

Thẩm phán Matthew Kacsmaryk của tiểu bang Texas đã đưa ra phán quyết gây tranh cãi vào ngày 7 tháng 4 năm 2023, đình chỉ việc phê duyệt mifepristone của FDA với lý do cơ quan này đã “đồng ý với những lo ngại về an toàn chính đáng của mình” và phê duyệt loại thuốc này “dựa trên lý do rõ ràng là không có cơ sở và các nghiên cứu không hỗ trợ cho kết luận của cơ quan này”.

Chính quyền Biden đã ngay lập tức đưa ra kháng cáo khẩn cấp nhằm ngăn chặn phán quyết, trước hết gửi tới hội đồng ba thẩm phán ở Khu vực 5 và sau đó là đệ trình lên Tòa án Tối cao.

Trong phán quyết 7-2, Tòa án Tối cao đã tạm thời ngăn chặn phán quyết của Thẩm phán Kacsmaryk và trao trả vụ kiện cho Tòa án thứ 5 để xem xét đầy đủ, dẫn đến phán quyết vào tháng 8, vốn sẽ là chủ đề của phiên điều trần vào tháng 3 của Tòa án Tối cao.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube