Các bà bên ngôi mộ trống

(Suy niệm Lời Chúa – Đêm Vọng Phục Sinh – thứ Bảy, 26-03-2016)


cacbaTrong Tin Mừng của Phụng Vụ Canh Thức đêm nay (Lc 24,1-12), tác giả Luca trình thuật cho chúng ta những giây phút đầu tiên của sáng sớm ngày Chúa Phục Sinh. Với lời loan báo của các thiên thần nơi ngôi mộ trống cho các bà, Tin Mừng làm nổi bật một điều rất đỗi lớn lao và là trọng tâm của cả lịch sử cứu độ: Đức Giêsu, Đấng chịu khổ nạn, chịu chết treo thập giá và chịu mai táng, giờ đã chỗi dậy như lời Người báo trước. Đích điểm của Người không phải là nấm mồ giữa những kẻ chết, nhưng là Chúa Phục Sinh đầy quyền năng, Thống Lãnh sự sống.

Đoạn Tin Mừng này thuộc phần đầu của trình thuật Phục Sinh theo tác giả Luca, Lc 24,1-53. Bối cảnh là ngày thứ nhất trong tuần (theo lịch Do Thái thì ngày Chủ Nhật bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày thứ Bảy). “Các bà mẹ Công giáo” trước đó đã quan sát nơi chôn cất Đức Giêsu, và đã về chuẩn bị thuốc và dầu thơm (x. 23,55-56). Các bà kéo nhau đi ra mộ lúc tảng sáng mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn (24,1). Hẳn là các bà muốn xức xác Đức Giêsu cho vẹn nghĩa tình với Thầy mình. Và chính họ, những người phụ nữ chân quê này (x. 23,55), đã trở thành những nhân chứng đầu tiên của biến cố Chúa phục sinh, biến cố trọng đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Đây là cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt các bà sáng sớm hôm đó: tảng đá đã lăn ra khỏi mộ và trong mộ không còn xác của Đức Giêsu (24,2-3). Sự bối rối, phân vân của các bà bị cắt ngang bởi lời loan báo Chúa phục sinh của hai thiên thần, xuất hiện dưới hình thức hai người đàn ông với y phục chói sáng (24,4-7). Lời của các thiên thần đã đưa các bà trở về quá khứ đầy ắp kỷ niệm những lúc theo Thầy Giêsu và nghe lời Thầy nói (24,8). Đó là tất cả những “nhân chứng, vật chứng” đầu tiên của biến cố Chúa Phục sinh theo tác giả Luca.

Chúng ta ghi nhận rằng, tuy có những khác biệt về trình thuật Phục sinh giữa các sách Tin Mừng – do bởi Giáo Hội sơ khai đón nhận những khía cạnh và truyền thống khác nhau liên quan đến ngôi mộ trống, nhưng cũng có nhiều điểm chung quan trọng trong trình thuật này. Tất cả bốn sách Tin Mừng đều nói đến các bà như những nhân chứng chính yếu đầu tiên của câu chuyện, những người đi đến mộ vào ngày thứ nhất trong tuần. Maria Mácđala là một trong số các bà này. Các Tin Mừng cũng đều nói đến tảng đá bị lăn ra khỏi cửa mộ, các bà chứng kiến ngôi mộ trống và lời loan báo của các thiên thần về việc Chúa đã phục sinh (x. Mc 16,1-8; Mt 28,1-8; Lc 24,1-8; Ga 20,1-13).

Việc những người phụ nữ đơn thành này là những chứng nhân đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục sinh khiến chúng ta phải dừng lại suy niệm. Ở đầu Tin Mừng Luca, những người đầu tiên đón nhận tin vui trọng đại Chúa ra đời là những mục đồng nghèo khó ở Bêlem (2,8-20); và bây giờ những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng Chúa sống lại là những người phụ nữ dân quê, lòng dạ ngay chính (24,1-8; x. 23,55). Điều này cho chúng ta thêm dấu chỉ về việc Chúa ưu tiên mặc khải “mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn” (10,21-22; x. Mt 11,25-26). Hơn nữa, những người nghèo (như các mục đồng) và các người phụ nữ thường bị coi thường vào thời bấy giờ. Trong suốt sứ vụ công khai của mình, Đức Giêsu yêu mến cách đặc biệt những ai bị khinh miệt và loại trừ.

Trình thuật Phục sinh của Luca cũng không chỉ nhắm đến các nhân chứng mà còn là lời loan báo. Tâm điểm của đoạn Tin Mừng là sứ điệp của các thiên thần. Lời của các thiên thần trước hết cung cấp “địa chỉ” cho những ai muốn tìm Đức Giêsu: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” (24,5b). Lời này nhấn mạnh đến đích điểm của cuộc đời Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. Vì ơn cứu độ thế gian, Đấng Mêssia phải trải qua cái chết, nhưng Ngài không dừng lại ở trong cõi chết, mà là tiến vào sự Phục Sinh, trở thành Chúa của sự sống. Nên từ đây và muôn thế hệ, những người tìm kiếm Ngài và muốn gặp được Ngài thì đừng tìm “ở giữa những kẻ chết” mà hãy tìm Ngài trong thế giới của sự sống. Thế giới của sự sống cũng là thế giới của những con người biết yêu thương với tâm hồn và đôi tay rộng mở. Điều này được tái khẳng định trong thư thứ nhất của thánh Gioan: “Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,7b-8).

Lời của các thiên thần cũng nhấn mạnh đến biến cố Chúa phục sinh là sự ứng nghiệm các lời đã loan báo trước: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà khi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (24,5-7). Đây là một trong những điểm nhấn khác biệt trong trình thuật Phục Sinh của tác giả Luca. Không chỉ Đức Giêsu đã báo trước về biến cố Phục Sinh của Ngài, mà toàn bộ Kinh Thánh “từ Môsê đến tất cẩ các ngôn sứ” cũng đã tiên báo về Ngài (x. Lc 24,25-27). Đây cũng là trọng tâm của lời loán báo tiên khởi (kerygma) của Hội Thánh, như chứng từ của thánh Phaolô: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4; x. Cv 26,22-23).

Đọc tiếp đoạn Tin Mừng hôm nay, Luca tiếp tục trình thuật cho chúng ta thấy việc các bà về loan báo những gì họ đã chứng kiến cho Nhóm Mười Một, vì Giuđa lúc đó đã chết (x. Mt 27,5). Nhưng ban đầu các tông đồ không tin. Tuy nhiên, Phêrô đã chạy ra mộ để tự tận mắt chứng kiến cảnh tượng ngôi mộ trống (24,11-12). Khi tường trình điều này, rất có thể Luca nhắm đến việc tái khẳng định cho các độc giả về sự thật chắc chắn của những điều họ được thuật lại (x. 1, 4), bằng cách chỉ ra rằng các Tông đồ chỉ tin vào sự sống lại của Đức Giêsu khi họ đã có chứng cứ rõ ràng – khi được trực tiếp gặp Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra. Bởi thế, sự không tin ban đầu này của các Tông đồ trở thành một sự “hỗ trợ” cho niềm tin của các độc giả của Luca.

Đêm Canh Thức Phục Sinh là “Mẹ của tất cả mọi đêm canh thức phụng vụ”, vì đêm nay Giáo Hội sống lại giây phút ngỡ ngàng, bối rối, hân hoan… của “Ngày thứ nhất trong tuần” năm xưa của những chứng nhân về biến cố Chúa phục sinh – Biến cố trung tâm của niềm hy vọng Kitô giáo nói riêng và của nhân loại nói chung. Vì nếu nấm mộ của Đức Giêsu cũng im lìm với xác chết như triệu tỷ nấm mộ khác, thì lịch sử nhân loại đi vào bế tắc thật sự; và lời rao giảng của Hội Thánh và Đức tin của các tín hữu thành trống rỗng (1 Cr 15,14). Nhưng Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ nạn, chết treo thập giá và chiu mai táng trong mồ, đã sống lại thật. Ngài trở nên Cứu Chúa của chúng ta, để từ đây những ai biết đơn thành đi tìm gặp Ngài “ở giữa những kẻ sống”, tin vào Ngài theo lời mặc khải của Kinh Thánh, thì vận mệnh cuộc đời sẽ hoàn toàn thay đổi. Họ không còn cô đơn đi vào ngỏ cụt của tối tăm sự chết nữa, nhưng là tiến bước về sự Phục sinh viễn mãn cùng với Đức Kitô. Cuộc đời người tin sẽ vẫn không được miễn chước cho khỏi những thử thách, đau khổ trần thế và cả sự chết; nhưng như lời thánh Phaolô: “Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại với Ngài. Nếu ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (2 Tm 2,11-12).

Giuse Phạm Đình Trí, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube