Biệt phái và con điếm

Sự đối diện giữa ông Biệt phái và cô gái hư hỏng khác chi những cuộc đối đầu giữa nhà nước và người dân đấu tranh cách chân chính cho tình yêu dân tộc và sự thật trên các lãnh vực xã hội, là tấm gương phản chiếu sự “chính danh và chính nghĩa” của một thể chế luôn bị điều khiển bởi lòng tham, sự giả dối và hận thù.

Tâm hồn rộng mở của Đức Giêsu luôn mênh mông, dạt dào tình yêu cứu rỗi và quyền năng chữa lành bằng sự xót thương. Nếu xưa kia Người đã không ngần ngại đến dùng bữa với ông Biệt phái bên ngoài đầy kiêu hãnh, tự phụ trong sự độc đoán chủ quan, còn bên trong thì gian xảo, tỵ hiềm, nhỏ nhen; nếu Người không ngần ngại để cho người phụ nữ nức tiếng tội lỗi bày tỏ lòng sám hối, ăn năn chân thành, là vì Đức Giêsu muốn để cho sự hiện diện của Người làm người ta phải bộc lộ bản chất thật của mình, cùng những chấn thương sâu đậm trong tâm hồn, mà chỉ có mình Người có khả năng chỉ cho thấy và chữa lành.

Những gì chúng ta “đọc” về ông Biệt phái này, dễ “nhận thấy” nơi những ông “Biệt phái thời nay”, vì như có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Ông Biệt phái hôm nay cũng đầy ngạo mạn trong sự “công chính”, đạo đức sáng ngời của mình khi vinh vang tự mãn níu kéo vòng hào quang của kẻ chiến thắng, chiến thắng trên “xác quân thù”, kể cả đã chết hay còn sống; và vì xác quân thù không đủ cao, không dủ dày, nên phải chất thêm những “bộ xương” còn sống của cả dân tộc.

Ngày ngày ông “chè chén say sưa, yến tiệc linh đình” mặc cho bao anh Ladaro đói khổ bần cùng đứng lố nhố ở bên ngoài thèm khát những mẩu vụn bánh rơi xuống đất với con tim rỉ máu và dạ dày quặn thắt (Lc 16,19). No từ những bữa tiệc ngon, thỏa từ những cuộc vui vương giả, nghĩ rằng mình đáng được hưởng phúc lạc, vì thuộc “đẳng cấp” công chính, ông hùng hồn tuyên bố: “Thiên đường là đây”. Thiên đường hưởng lạc của ông chính là địa ngục trầm luân cho những người còn lại.

Luôn hãnh diện vì sự “công chính” của mình, ông tự coi mình là đại diện cho công lý, là “luật sống” hơn cả luật chữ, là luật thiết định, không tuân thủ là phản động, không chấp hành là chống đối, làm khác đi là gây tổn hại; ông rêu rao mình là chuẩn mực của đạo đức mà ai cũng biết là đạo đức của thứ “ngụy quân tử”, giới bình dân gọi là “mặt dầy, mặt dạn”, Đức Giêsu gọi là “mồ mả tô vôi” (Mt 23,27)

Nghênh ngang tự đắc, ông tự cho mình là hiện thân của chân lý, chính trực, công minh, có quyền phát xét tối cao, định danh tốt xấu, những bên trong ông chuyên dùng thủ đoạn là lừa bịp, kế sách là dối trá, lưu manh, phương tiện là bạo lực, bất khoan dung và hay quy chụp. Đức Giêsu gọi là “đồ giả hình” (Mt 13,31).

Sự xuất hiện của “cô gái hư hỏng” khơi dậy và phản chiếu sự tha hóa của tâm hồn người Biệt phái, thọc ngoáy vào những tổn thương xâu xa, những tăm tối được che đậy, bao bọc kỹ lưỡng, khiến ông luôn có thái độ “căm thù” đối với họ. Cái hả hê nhất của ông là thỏa mãn lòng “căm thù” ấy. Ông thì “che”, họ lại “tung hê”, thế nên mối quan hệ giữa hai bên có sự mâu thuẫn nội tại.

Chính thái độ coi thường, ghét bỏ, nhục mạ bằng những phản ứng gay gắt, cực đoan mà ông trở thành, như những chính quyền thích áp đặt ý chí một cách ngạo mạn và không khoan nhượng lên mọi vấn đề từ chính trị, xã hội đến kinh tế tôn giáo, là nguyên nhân gây ra các bất đồng và đối kháng.

Ông khinh bỉ nhìn những “cô gái hư hỏng” với “đôi mắt hình viên đạn”, như những người bất đồng và đối kháng, dù đó là những phản ứng tích cực và có tính xây dựng; ông không ngần ngại sử dụng những cách thức đê tiện, kể cả quy chụp, vu khống đủ điều xấu xa (Mt 5,11), cốt để đạt được mục đích. Bạo lực là tiếng nói chính thức, thường xuyên, để tái lập trật tự. Biện pháp ấy vô tình đã để lại trong lòng những nạn nhân những chấn thương của sự uất ức, những cảm giác tủi nhục và những ước muốn báo thù.

Ông nhìn cô gái “hư hỏng” ấy, như những người đã dám vượt qua ranh giới của những sự “cấm kỵ”, lấy sự thật làm sức mạnh, lên tiếng vì sự thật và bảo vệ sự thật, thà bị bạo hành, bắt giam chứ không còn cúi đầu răm rắp tuân theo những chuẩn tắc của thứ luật, mà chính ông cũng biết là dối trá, hình thức. Điều này như thể xúc phạm đến sự kiêu hãnh đầy ngạo mạn của ông, đại diện cho một thể chế nghĩ rằng, mình luôn luôn đúng, mình sẽ muôn đời tồn tại.

Cô gái “hư hỏng” đã phơi bày “sự ô nhục, và những tổn thương” của mình cho mọi người ý thức được biến tướng của sự kỳ thị “giai cấp” giữa “Biệt phái” và “gái điếm”, như sự kỳ thị giữa nhà nước và các tổ chức dân sự, tôn giáo; như việc duy trì những bất công trong xã hội được thấy qua những cảnh khổ cùng cực, bi thảm đến tuyệt vọng của người dân Việt.

Sự đối diện giữa ông Biệt phái và cô gái hư hỏng khác chi những cuộc đối đầu giữa nhà nước và người dân đấu tranh cách chân chính cho tình yêu dân tộc và sự thật trên các lãnh vực xã hội, là tấm gương phản chiếu sự “chính danh và chính nghĩa” của một thể chế luôn bị điều khiển bởi lòng tham, sự giả dối và hận thù.

Ông Biệt phái không thích “nhìn” những cô gái hư hỏng, nhưng những cô gái ấy lại cứ “nhìn xoáy” vào ông để xem cái chuẩn mực “khôi hài, kệch cỡm” ấy tồn tại đến đâu và diễn biến thế nào.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu và những lời trách mắng nhẹ nhàng ngay thẳng đâm thấu “tim đen”, lột tả mọi sự thật “giả dối” về con người Biệt phái, vì nơi ông, tất cả chỉ là giả dối, sự giả dối chính là sự thật của ông, và cho ông thấy những chấn thương mà ông cố dấu trong góc khuất của tâm hồn, bộc lộ qua việc ông hay chỉ trích, khinh khi và lên án người khác, nhất là những người tội lỗi.

Đức Giêsu chỉ cho ông thấy cái “nhìn trung thực” về con người, những người ông cho là “hư hỏng” kia là phần khuất của cõi lòng ông. Làm khổ họ là ông tự dày vò ông; kết án họ là ông lên án tử cho chính mình.

Lời tha thứ của Đức Giêsu đối với cô gái cũng chính là lời tha thứ đi trước của Người đối với ông. Nếu ông có lòng tin vào Người là Đấng thực thi công lý, công lý của Người chính là sự tha thứ, vì Người là Dung mạo của Lòng thương xót của Thiên Chúa, và bày tỏ sự chân thành qua những hành vi sám hối, qua việc phục thiện và tôn trọng chân lý, qua lòng yêu mến “nhiều”, ông sẽ được tha, ông sẽ có bình an và cuộc đời ông sẽ “bước đi trong bình an” của người được Chúa xót thương, của Người được làm mới, được tái tạo, được phục hồi phẩm giá.

Vẫn biết giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, nhưng với Thiên Chúa, không gì là không thể (Lc 1,37).

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube