Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 01/06/2016

Cầu nguyện với tâm hồn khiêm nhu

20160602 ĐGH

Anh chị em thân mến!

Thứ tư tuần trước chúng ta đã nghe dụ ngôn về một vị quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy, dụ ngôn chứa đựng một bài học quan trọng về sự cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí trong việc cầu nguyện.

Hôm nay, chúng ta sẽ được nghe một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thái độ đúng đắn khi cầu nguyện và nài xin Lòng thương xót của Chúa Cha; Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải cầu nguyện thế nào, và thái độ đúng đắn khi cầu nguyện. Đó là dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14).

Cả hai nhân vật chính trong dụ ngôn đều lên đền thờ cầu nguyện, nhưng họ lại hành động theo những cách rất khác nhau, từ đó dẫn đến những kết quả trái ngược. Người Pharisêu “đứng thẳng” (Lc 18, 11) và ‘lải nhải’ cầu nguyện. Anh ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nhưng thực tế đó là một sự phô trương những công trạng của mình, với một cảm thức rằng mình là ưu việt hơn hẳn so với “bao kẻ khác” được mô tả bằng những tính cách như là “trộm cắp, bất chính, ngoại tình” chẳng hạn – anh ta muốn đề cập đến người đàn ông đứng bên cạnh – “tên thu thế kia” (Lc 18, 11). Nhưng vấn đề chính xác nằm ở chỗ: người Pharisêu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng thực chất đó là kể lể về chính mình. Anh ta cầu nguyện với chính mình! Thay vì có Thiên Chúa trước mặt mình, anh ta cầu nguyện trước một cái gương. Mặc dù đang ở trong Đền Thờ, thế nhưng anh ta không cảm thấy sự cần thiết phải phủ phục trước sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa; anh ta đang đứng, anh ta cảm thấy tự tin về bản thân mình, như thể anh là chủ sở hữu của Đền Thờ vậy! Anh ta liệt kê tất cả những việc lành mà anh ta đã làm: anh ta cho rằng bản thân mình không thể chê vào đâu được, anh nói anh hằng tuân giữ tất cả mọi lề luật, anh ăn chay “hai lần một tuần” và “dâng Chúa một phần mười thu nhập” của mình. Tóm lại, thay vì cầu nguyện, người Pharisêu hài lòng với việc mình đã tuân giữ tất cả những đòi buộc của lề luật. Tuy nhiên, thái độ và lời nói của anh ta khác xa với cách hành xử của Thiên Chúa – Đấng yêu thương tất cả mọi người và không chê ghét kẻ tội lỗi. Ngược lại, người Pharisêu luôn khinh miệt những người tội lỗi qua việc anh ta đề cập đến “tên thu thế kia”. Tóm lại, người Pharisêu tự cho mình là công chính mà bỏ qua điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.

Do đó, điều quan trọng không phải là chúng ta cầu nguyện nhiều hay ít; mà hơn hết chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta đã cầu nguyện như thế nào, hoặc hơn hết, tâm hồn chúng ta như thế nào: điều quan trọng là những suy nghĩ, những cảm xúc của chúng ta như thế nào, và chúng ta phải tận diệt tính kiêu ngạo và thói đạo đức giả nơi bản thân. Nhưng, Cha hỏi các con: chúng ta có thể cầu nguyện với sự kiêu ngạo không? Thưa không. Vậy chúng ta có thể cầu nguyện bằng thói đạo đức giả? Dĩ nhiên cũng không được. Chúng ta phải cầu nguyện bằng cách đặt mình trước Thiên Chúa, chứ không phải như người Pharisêu đã cầu nguyện với sự ngạo mạn và thói đạo đức giả. Chúng ta đều là những miếng mồi ngon cho nhịp sống điên cuồng hàng ngày. Chúng ta cần phải tái khám phá con đường đến tâm hồn chính mình, để khôi phục lại giá trị của sự thân mật và thinh lặng, bởi vì chính nơi đây Thiên Chúa gặp gỡ và ngỏ lời với mỗi người chúng ta. Chỉ bắt đầu từ đó chúng ta có thể lần lượt gặp gỡ những người khác và nói chuyện với họ. Người Pharisêu đi đến đền thờ, anh ta tự tin về bản thân mình, nhưng anh ta không nhận ra rằng anh đã lạc mất con đường dẫn đến tâm hồn mình.

Thay vào đó, người thu thuế đền thờ với một tinh thần khiêm tốn và ăn năn: “anh đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’ ” (Lc 18, 13). Lời cầu nguyện của người thu thuế rất ngắn gọn, nó không quá dài dòng như của người Pharisêu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” – chỉ cần đơn sơ như vậy thôi. Thế nhưng đây lại là một lời cầu nguyện đẹp đẽ biết bao! Trong thực tế, những người thu thuế thường không được dân chúng coi trọng và thường bị xem là những “kẻ tội lỗi”. Dụ ngôn dạy rằng một người sẽ trở nên công chính hay tội lỗi không phải vì địa vị xã hội hay của cải, nhưng bởi vì mối tương quan của họ với Thiên Chúa và tha nhân. Cử chỉ sám hối cũng như những lời cầu nguyện đơn sơ chân thành của người thu thuế đã minh chứng cho sự nhận thức của anh ta về tình trạng khốn khổ của mình. Lời cầu nguyện đơn sơ của anh ta là hết sức cần thiết. Anh ta đã khiêm tốn và xác tín rằng mình chỉ là tội nhân đang cần đến lòng thương xót. Nếu người Pharisêu đã không cầu xin bất cứ điều gì vì anh đã có tất cả mọi thứ, thì ngược lại, người thu thuế chỉ có thể nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Và điều này đẹp đẽ biết bao: nài xin Lòng thương xót của Thiên Chúa! Hiện diện trước Thiên Chúa với “hai bàn tay trắng”, với một trái tim trần trụi và tự nhận mình là một tội nhân, người thu thuế đã cho tất cả chúng ta thấy điều kiện cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Cuối cùng, người thu thuế vốn bị người ta miệt thị đã trở thành biểu tượng của những người có lòng tin thực sự.

Chúa Giêsu đã kết thúc dụ ngôn khi nói rằng: “Tôi nói cho các ông biết, người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được trở nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 18, 14). Vậy trong hai người này, ai là người tệ hơn? Thưa đó là người Pharisêu. Trong thực tế, người Pharisêu chính là biểu tượng của những kẻ giả hình khi cầu nguyện, hắn ta chỉ thành công trong việc vênh váo, kênh kiệu khi đứng trước gương. Anh ta chỉ giả vờ cầu nguyện. Vì vậy, trong cuộc sống, những ai tự cho rằng mình công chính và lên án người khác cũng nhu khinh miệt họ, đó chính là những kẻ đạo đức giả. Ngạo mạn thỏa hiệp với những việc lành, nó làm cho việc cầu nguyện trở nên vô nghĩa, nó làm cho họ trở nên xa cách với Thiên Chúa và tha nhân. Nếu Thiên Chúa yêu chuộng sự khiêm nhường, đó không phải là để làm bẽ mặt chúng ta: hơn hết, khiêm nhường  chính là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa biểu dương, để trải nghiệm Lòng thương xót vốn sẽ lấp đầy mọi thiếu sót của chúng ta. Nếu việc cầu nguyện của những người kiêu ngạo không chạm đến được trái tim của Thiên Chúa, thì chính sự khiêm tốn của những người đau khổ có thể chạm đến Lòng Thương Xót ấy. Thiên Chúa có một điểm yếu: Ngài yếu lòng trước những kẻ khiêm nhường. Trước một tâm  hồn khiêm nhu, Thiên Chúa sẽ rộng mở Lòng Thương Xót vô biên của Ngài. Đó chính là sự khiêm nhường mà Đức Trinh Nữ Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat: “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót tất cả những ai kính sợ Người”(Lc 1, 48-50). Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết cầu nguyện với tấm lòng khiêm nhu, và giúp chúng ta biết lặp đi lặp lại ba lần lời cầu nguyện tuyệt vời: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Cha chào đón tất cả các con là các tín hữu nói tiếng Ý. Đặc biệt, Cha gửi lời chào đến các tín hữu thuộc các giáo phận Mondovi và Casale Monferrato, Đức Cha Alceste Catella; các nhóm giáo xứ, các Đoàn thể và các trường học : Cha mời gọi tất cả các con hãy kiên trì và cam kết sống khiêm nhường, để rồi từ đó chúng ta tỏa lan lòng thương xót và an ủi của những người Kitô hữu ra môi trường xung quanh các con, đặc biệt là những người đang cần đến sự giúp đỡ của các con. Tôi chào đón các thành viên đang tham gia khóa huấn luyện được đề xướng bởi Bộ Phong thánh: anh chị em thân mến, Cha khuyến khích các con hãy làm việc nỗ lực không ngừng để tiến trình tuyên phong Chân phước và tuyên Thánh được tái khởi động trong các Giáo phận và các Hội Dòng với một lòng mến nhiệt thành và cam kết đối với sứ vụ của các con.

Thứ Sáu tới là Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, làm cho Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn vì năm nay cũng là Năm Thánh cầu nguyện cho các Linh mục. Cha mời các con hãy dành trọn tháng Sáu này để cùng cầu nguyện với Trái Tim Chúa Giêsu. Xin cho các Linh mục luôn là hình ảnh của Thánh Tâm tràn đầy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Cha cùng không quên chào đón các bạn trẻ, những người bệnh tật và những đôi vợ chồng mới kết hôn. Các bạn trẻ thân mến, hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu để được nuôi dưỡng đời sống tinh thần và đây cũng chính là nguồn gốc niềm cậy trông. Hỡi những ai đang đau yếu và bệnh tật, các con hãy dâng những đau khổ bênh tật của các con cho Thiên Chúa, để Ngài có thể tiếp tục tỏa lan tình yêu của Ngài nơi những tâm hồn bình an của các con. Và các bạn trẻ mới kết hôn thân mến, các con hãy siêng năng đến với Chúa Kitô hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể để được nuôi dưỡng linh hồn, các con là những gia đình Kitô hữu, vì vậy, các con đã cảm nhận được tình yêu vô biên từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube