Ai tham nhũng? Ai chống tham nhũng?

Làm sao có thể chấp nhận được một công trình như công trình Nhà chức năng Trạm Y tế xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bị “rút ruột” đến 63,94%.  

Công trình này được Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc thẩm định, phê duyệt tại Quyết định số 2802/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 1,47 tỷ đồng từ Chương trình 135 – là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèoViệt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai từ năm 1998.

Ngày 13/8/2014, thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Hồng Lâm, Chủ tịch UBND xã Phùng Giáo ký thông báo gởi Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng giao thông Hoàng Sơn, địa chỉ 04/71, Nguyễn Văn Trỗi, phường Ngọc Trạo, Thanh Hóa (công ty Hoàng Sơn) được chỉ định thầu thi công.

Công ty Hoàng Sơn, không trực tiếp thi công, ký hợp đồng khoán cho ông Đào Quang Sỹ, trú đội 3, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, xây lắp trọn gói, trong thời gian 90 ngày, tính từ khi hạ móng; theo phương thức “đóng cửa lấy tiền” với mức giá thỏa thuận là 640.000 đồng/m2.

Ban đầu, công ty Hoàng Sơn cung cấp thép đổ móng và một phần thép làm mái. Sau đó, ông Sỹ đảm nhiệm toàn bộ việc mua vật liệu, thiết bị xây dựng và thực hiện công trình nhưng theo đúng ý kiến chỉ đạo của công ty Hoàng Sơn.

Sau khi hoàn thành công trình, ông Sỹ được công ty Hoàng Sơn thanh toán số tiền 530 triệu đồng trong khi đó công ty này được thanh số tiền hơn 1,4 tỷ đồng theo dự toán. Nhận thấy công trình bị “rút ruột” quá lớn, lên tới hơn 900 triệu đồng, ông Sỹ đã làm đơn tố cáo.  

Theo đơn tố cáo của ông Sỹ, UBND huyện Ngọc Lặc tiến hành kiểm tra; ngày 21/6/2016, UBND huyện Ngọc Lặc đã có kết luận số 49/KL- UBND về công trình Nhà chức năng trạm y tế xã Phùng Giáo: không được thi công đúng theo thiết kế, thậm chí thay đổi thiết kế; khai khống nhiều hạng mục để thanh toán; vật liệu, thiết bị xây dựng chất lượng kém, … Kết luận cũng chỉ rõ những sai phạm nói trên do nhà thầu thi công, Ban quản lý công trình; Ban giám sát cộng đồng; Công ty tư vấn thiết kế xây dựng VITNEW, Chủ đầu tư; Phòng tài chính kế hoạch huyện thiếu trách nhiệm, không quản lý, không giám sát  chặt chẽ, …  

Người dân nghĩ gì?

1. Một công trình với tổng vốn đầu tư không lớn nhưng từ các khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt đến thi công, giám sát, quản lý, nghiệm thu, … nếu được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, … không thể bị “rút ruột”!  

2. Ấy vậy mà, bị “rút ruột” với tỷ lệ gần 64% so với thiết kế được duyệt. Do đó, đã có sự đồng thuận của tất cả những ai có quyền lực ở các tổ chức, cơ quan liên quan đến công trình nói trên. 

3. Những cá nhân này liên kết với nhau thành “Nhóm quyền lực”, “Nhóm lợi ích”, bằng nhiều thủ đoạn che đậy hành vi “rút ruột” công trình “cách hợp pháp” khó để kiểm tra, thanh tra, …      

4. Nếu ông Sỹ không tố cáo, sẽ không một ai trong nội bộ các tổ chức, cơ quan lên tiếng tố cáo vì tất cả đều được “hưởng lợi” từ công trình.  

Kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Chính phủ  tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), trong hội nghị:

1. Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo chỉ  đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng phát biểu, “… công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo.”

2. Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa nhận, “… thể chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.”

Và Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Về phương hướng, giải pháp và những nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng chỉ đạo, vẫn là tiếp tục những công việc đã làm, có điều  người dân trong chờ, như ông Bình kiến nghị là:

        1. mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương về công tác PCTN, nhất là với các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp về chống tham nhũng và thành viên các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn; 

        2. có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, các Ủy ban của Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; 

       3. và giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

có được Ban soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng đưa vào dự luật Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội  không?

Ai tham nhũng? Ai chống tham nhũng?

Rõ ràng, chỉ những ai có chức quyền mới có thể tham nhũng, nhưng theo luật PCTN hiện hành, họ là người có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.  

Trong một cơ quan nhà nước chẳng hạn, chỉ những người gọi là lãnh đạo mới có thể tham nhũng, nhưng chính họ lại là những người lãnh đạo Ban Phòng chống tham nhũng ti cơ quan đó. Có thuở nào ‘tôi chống lại tôi” bao giờ?

Bởi thế, “càng chống càng chết” như ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng, đã nhiều lần phải kêu lên “nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”; “tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm”; và ông biết rõ “đấu tranh chống tham nhũng vô cùng khó khăn, phức tạp”, “đến nay chưa cơ quan nào tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan mình cả” nhưng vẫn “là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm cho bằng được.”

Vấn đề là ông, Đảng và Chính quyền do ông lãnh đạo có thực tâm chống và diệt nó không?

Hãy để cho nhân dân chống tham nhũng bằng một cơ quan có thẩm quyền về tố tụng, tư pháp nhằm phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố.

Tại miền Nam Việt Nam, trước 30/4/1975, có “Phong trào chống tham nhũng để kiến tạo hòa bình” do các giáo sĩ, nhân sĩ, trí thức, … thành lập, hoạt động độc lập với Nhà nước, là kinh nghiệm đáng để chúng ta suy ngẫm.

An Phúc

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube