ACN: Các Kitô hữu ở Gaza phải đối mặt với 'giai đoạn tồi tệ nhất' kể từ khi bắt đầu chiến tranh

Cộng đoàn tham dự Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza (Ảnh: ACN & Giáo xứ Thánh Gia)

Cộng đoàn tham dự Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza (Ảnh: ACN & Giáo xứ Thánh Gia)

Tổ chức Giáo hoàng mang tên Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) đã công bố một báo cáo nhấn mạnh rằng cộng đồng Kitô giáo ở Gaza “đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất” kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Theo báo cáo công bố vào ngày 8 tháng 3, Gaza hiện đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn, với pháo kích, liên lạc bị gián đoạn và thiếu lương thực. Nữ tu Nabila Saleh, một nữ tu thuộc Dòng Mân Côi, đã mô tả tình hình thật đáng buồn nhưng vẫn dâng lời tạ ơn Chúa thậm chí ngay cả trong nghịch cảnh.

“Những thứ ít ỏi mà chúng tôi có là nhờ ân sủng  của Thiên Chúa. Người dân bên ngoài thậm chí còn đau khổ hơn chúng tôi nhiều, vì lúc này họ không có được niềm an ủi đó”, Nữ tu Saleh nói.

Giáo xứ Thánh Gia ở khu lân cận Al Zeyton, phía bắc Dải Gaza, là một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi các cuộc đụng độ và bắn phá dữ dội. Giáo xứ hiện đang che chở cho 128 gia đình – tổng cộng 512 Kitô hữu, cả Công giáo lẫn Chính thống giáo – trong đó có 120 trẻ em dưới 18 tuổi, trong đó có 60 người khuyết tật và 84 người cao niên.

Một đối tác của dự án ACN hoạt động trong khu vực, không thể tiết lộ danh tính vì lý do an ninh, đã báo cáo rằng “cường độ hoạt động quân sự tăng lên” mỗi khi lệnh ngừng bắn được đề cập và tình trạng thiếu lương thực đang ở mức nghiêm trọng.

“Thực phẩm khan hiếm và khó tìm được nơi nào để mua. Cộng đồng Kitô giáo tận dụng mọi cơ hội có thể để đảm bảo nguồn nước sạch và thực phẩm”, đối tác dự án cho biết.

Việc cung cấp thực phẩm được giới hạn ở mức 2 bữa một tuần và một ổ bánh mì mỗi ngày cho mỗi người, được cung cấp bởi Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem với sự giúp đỡ của các tổ chức như ACN. Tuy nhiên, cộng đồng thường phải chia sẻ những phần nhỏ nhặt với nhau để tồn tại.

Tiếp cận với nước sạch là một thách thức và nhiều người đã sụt cân do thiếu lương thực. Vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng, trẻ em và người già bị bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, điều này đã trở nên bất khả thi trong bối cảnh xung đột.

“Người dân phải đi bộ nhiều giờ liền để có thể mua một hộp thức ăn nhỏ mà cuối cùng cũng chẳng đủ cho 3 người. Vì chế độ ăn uống kiêng khem bắt buộc này, việc chia sẻ đang trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày và trở thành một bản sắc Kitô giáo mới”, đối tác dự án nói với ACN.

Tình hình y tế cũng trở nên đáng báo động. Trẻ em đang phải hứng chịu đợt bùng phát của một loại virus gây buồn nôn và tiêu chảy, trong khi một số người già đang phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo vốn đòi hỏi phải nhập viện.

Dù khó khăn nhưng đức tin vẫn tiếp tục là nguồn sức mạnh lớn lao cho cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ tôn giáo và tâm lý được tổ chức, bao gồm Thánh lễ hàng ngày, dạy Giáo lý và các cuộc gặp gỡ để chữa lành những tổn thương thông qua cầu nguyện.

Các Linh mục và Nữ tu, chẳng hạn như Sơ Nabila, đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cộng đoàn, dù đang kiệt sức. Nữ tu Nabila nhấn mạnh rằng, bất chấp mọi thứ, đức tin của cộng đoàn vẫn được củng cố.

“Tất cả họ đều kiệt sức; không ai có thể thực sự trải nghiệm những gì họ đang phải trải qua. Nhưng với ân sủng của Thiên Chúa, con cái chúng tôi giờ đây thậm chí còn gần gũi hơn với đức tin của mình hơn bao giờ hết. Đó quả là một lễ Phục sinh rất đặc biệt; chúng tôi đang gần gũi hơn bao giờ hết với Đấng chịu đóng đinh”, Nữ tu Nabila nói.

Dù việc giao tiếp với cộng đồng còn khó khăn nhưng yêu cầu thường xuyên của Nữ tu Nabila rất đơn giản: “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin hãy cầu nguyện để toàn dân chấm dứt cuộc chiến này”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube