Vị Giám chức Burkina Faso: ‘Đức tin đã gia tăng’ sau các vụ tấn công của những kẻ khủng bố thánh chiến

Các Kitô hữu cầu nguyện tại Giáo phận Ouahigouya, Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Các Kitô hữu cầu nguyện tại Giáo phận Ouahigouya, Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Một nhà lãnh đạo Công giáo ở phía đông bắc Burkina Faso nói rằng các Kitô hữu ở đất nước của ngài đã từ chối từ bỏ đức tin của mình trước các vụ tấn công thánh chiến đang gia tăng.

Đức Giám mục Justin Kientega Địa phận Ouahigouya đã phát biểu với các nhà báo tại cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 28 tháng 2 do tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng mang tên Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ tổ chức.

Thông điệp được đưa ra sau vụ giết hại dã man hơn chục Kitô hữu ở Giáo phận Dori vào ngày 25 tháng 2.

Burkina Faso đã bị hoành hành bởi một cuộc nổi dậy trong nhiều năm, với tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng mang tên Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ước tính rằng 40% đất nước bị kiểm soát bởi những kẻ khủng bố. Các vụ tấn công liên tục đã buộc hơn hai triệu người – khoảng 10% dân số – phải chạy trốn.

Ít nhất 20.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công thánh chiến ở nước này kể từ năm 2015, khi các nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (ISIS) phát động một chiến dịch giết người ở nước này.

Đức Giám mục Kitenga lưu ý rằng mục đích của những kẻ khủng bố là làm sa sút đức tin Kitô giáo để ủng hộ một chi nhánh Hồi giáo cực đoan, nhưng chiến dịch giết người của chúng đã có tác dụng ngược lại.

“Đức tin đã gia tăng”, vị Giám chức nói khi vạch ra những cách thức khác nhau mà các Kitô hữu đã đứng lên trước yêu cầu của các chiến binh thánh chiến.

“Một số Kitô hữu chấp nhận cái chết”, Đức Giám mục Kitenga nói, và đồng thời giải thích rằng khi các chiến binh thánh chiến muốn các Kitô hữu tháo bỏ Thánh giá của họ, và nhiều người đã từ chối yêu cầu đó, thường phải trả giá bằng việc bị tra tấn hoặc thậm chí bị giết chết.

“Ở một số nơi, phụ nữ Kitô giáo bị buộc phải che đậy bản thân nhưng họ từ chối cải đạo sang Hồi giáo. Họ luôn cố gắng tìm những cách khác để sống đức tin và cầu nguyện”, Đức Giám mục Kitenga nói.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi cho biết Burkina Faso đã trở thành tâm điểm của bạo lực thánh chiến ở Sahel – khu vực khô cằn phía nam Bắc Phi – khi các nhóm khủng bố đang củng cố sự kiểm soát của chúng trên các vùng lãnh thổ quan trọng.

Cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn do bất ổn chính trị, được đánh dấu bởi hai cuộc đảo chính quân sự vào năm 2022.

Đức Giám mục Kitenga cho biết sự phát triển của Giáo hội không thể chỉ được đo lường dựa trên sự kháng cự mà các Kitô hữu đang đối mặt với cái ác và đồng thời lưu ý rằng những điều cơ bản nhất của Công giáo – việc cử hành các Bí tích Rửa tội và Thêm sức – vẫn đang diễn ra giữa bối cảnh bạo lực.

“Các Bí tích khác vẫn đang được cử hành và trong tổ chức của Giáo hội, chúng tôi có Caritas đang thực sự nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dân”, Đức Giám mục Kitenga nói.

“Giáo hội hiện diện ở trung tâm thế giới, trong sự đau khổ cũng như niềm vui của mọi người và chúng tôi thực sự cố gắng sống đức tin của mình một cách kiên cường”, vị Giám chức nói.

Đức Giám mục Kitenga đã nói rất nhiều về các kỹ thuật mà các chiến binh thánh chiến sử dụng để áp đặt hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan của họ. Những điều này bao gồm việc yêu cầu các Kitô hữu và người dân nói chung không đến trường, không tuân phục chính quyền và hướng dẫn nam giới để râu và phụ nữ đeo mạng che mặt Hồi giáo.

“Đôi khi họ bắt một người và giết anh ta trước mặt mọi người”, như một cách để ép buộc họ tuân theo yêu cầu của bọn chúng, Đức Giám mục Kitenga nói.

Vị Giám chức cho biết các chiến binh thánh chiến đôi khi cũng ra lệnh cho người dân rời khỏi làng của họ và không bao giờ quay trở lại.

“Không có quyền tự do thờ phượng”, Đức Giám mục Kitenga nói, và đồng thời giải thích rằng ở một số cộng đồng, dân làng được phép cầu nguyện, nhưng bị cấm giảng dạy đức tin Kitô giáo.

Ngài cho biết 2 Giáo xứ đã bị đóng cửa trong Giáo phận của ngài “vì các Linh mục phải rời đi, và 2 Giáo xứ khác bị phong tỏa – không ai có thể ra vào”.

Bất chấp những thách thức này, “các Kitô hữu vẫn nhất quyết không cải đạo” sang Hồi giáo, Đức Giám mục Kitenga nói.

Những gì Giáo hội đang thực hiện giữa tất cả những thách thức này

Đức Giám mục Kitenga cho biết Giáo hội ở Burkina Faso đang thích nghi tốt nhất có thể với tình hình bấp bênh. Vị Giám chức cho biết những người di tản đang được chào đón ở nhiều Giáo xứ, nơi những nỗ lực được thực hiện để cung cấp cho họ thực phẩm, quần áo và nơi  trú ẩn.

“Tại các thành phố, Giáo hội cố gắng chào đón những người phải rời bỏ làng quê của họ. Giáo hội cũng tìm kiếm những cách thức giúp mọi người thoát khỏi nghèo đói, bởi vì nghèo đói là nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố này sẽ phát triển”, Đức Giám mục Kitenga nói. Ngài giải thích rằng nhiều người trẻ bị dụ dỗ gia nhập các tổ chức khủng bố để thoát nghèo và những hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đức Giám mục Kitenga cho biết để tiếp tục truyền giáo đồng thời giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ tấn công, Giáo hội đã điều chỉnh giờ Thánh lễ để những kẻ khủng bố ít tiếp cận hơn.

Giáo hội cũng đang sử dụng các đài phát thanh để giúp “dân chúng nghe được Lời Chúa”.

Ngài khen ngợi những nỗ lực của các cơ quan hành chính, quân đội và Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ vì đã không tiếc công sức giúp đỡ một Giáo hội đang bị đàn áp.

Đức Giám mục Kitenga cho biết sự hiện diện của Giáo hội giữa những khó khăn như vậy là “dấu chỉ hy vọng cho nhiều người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự gần gũi tinh thần với người dân Burkina Faso sau các vụ tấn công gần đây nhất.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin thay mặt ngài gửi đi, Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự xác quyết của ngài rằng “sự thù hận không phải là giải pháp cho các cuộc xung đột” và đồng thời kêu gọi “cuộc chiến chống lại bạo lực nhằm thúc đẩy các giá trị hòa bình”.

Sự cảm thương của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các Kitô hữu bị bách hại không hề bị lu mờ, theo vị Giám chức Địa phận Ouahigouya.

“Chúng tôi biết rằng Đức Thánh Cha gần gũi với chúng tôi và chúng tôi cảm nhận được sự hiện diện của Giáo hội hoàn vũ”, Đức Giám mục Kitenga nói.

Ngài cũng đề cập đặc biệt tới Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ.

“Chúng tôi nhận được sự trợ giúp từ ACN, nơi mang đến cho chúng tôi những thứ chúng tôi cần. Nhưng điều quan trọng nhất là cầu nguyện để Thiên Chúa chạm đến trái tim của những kẻ khủng bố này. Chúng ta cầu nguyện cho sự hoán cải của họ mỗi ngày. Điều này rất quan trọng để họ có thể hoán cải”, Đức Giám mục Kitenga nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube