Thời của Chúa Thánh Thần

Thiên Chúa muốn đổ đầy, gây bất ngờ và hướng dẫn chúng ta mỗi ngày.

PP_Acts_Revised

Trong Kinh Thánh, sách Tông đồ Công vụ là nơi chúng ta sẽ tìm thấy một miêu tả rõ nét hơn về tất cả những gì mà Chúa Thánh Thần có thể thực hiện.

Không một nơi nào cho chúng ta đọc nhiều câu chuyện về cách thức Chúa Thánh Thần đã biến đổi và trao quyền cho những con người bình thường và sai họ đi làm sứ giả cho Ngài giữa lòng thế giới (hơn trong sách Tông đồ Công vụ). Vì thế, chúng ta hãy xem qua một vài câu chuyện dưới đây để tìm hiểu xem Chúa Thánh Thần đã hoạt động thế nào – và ngày nay Ngài đã tác động đến trái tim chúng ta ra sao!

Được đầy tràn Thánh Thần

Thánh Luca đã bắt đầu sách Công vụ Tông đồ bằng lời hứa của Chúa Giêsu với các Thánh Tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,8). Các Tông đồ có thể đã nghĩ họ có tất cả những gì họ cần. Sau mọi chuyện, họ đã trải qua ba năm học hỏi phúc âm của Chúa Giêsu và thậm chí còn làm được một số việc truyền giáo của chính mình. Họ lại đặc biệt được nhìn thấy Đấng Sống lại sau biến cố Phục Sinh và sau đó cùng trải qua 40 ngày với Ngài để học thêm nhiều hơn nữa về Nước Trời. Và họ đã cùng nhau trải qua chín ngày đắm mình trong cầu nguyện. Vậy thì họ còn có thể cần thêm gì nữa?

Đó chính là Chúa Thánh Thần. Những gì họ trải qua tới lúc đó đều tốt đẹp và hữu ích. Nhưng mặc cho tất cả những gì họ đã nghe, đã thấy, họ vẫn cần có Chúa Thánh Thần ngự vào trái tim họ để dạy dỗ họ, tăng sức cho họ và nâng họ lên.

Và đó đích xác là những gì đã xảy ra trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thánh Luca đã kể lại giữa những cơn gió và hình lưỡi lửa, “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4). Dùng từ “đầy tràn”, Thánh Luca muốn cho chúng ta thấy các Tông đồ đã cảm nhận cách mạnh mẽ sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Họ cảm thấy điều gì đó không phải xuất phát từ nơi bản thân họ, nhưng đã mang đến cho họ sự hiểu biết mới về Thiên Chúa và một mong ước mới để chia sẻ Tin mừng.

Chúa Giêsu cũng đã gửi cùng một Thần Khí để “đổ đầy” chúng ta để chúng ta cũng có thể đến nhận biết Chúa và tìm thấy một sức mạnh mới để chia sẻ Tin mừng của Ngài. Mỗi người chúng ta đều có thể tham gia công trình của Chúa vì chúng ta có Chúa Thánh Thần. Vì vậy, hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi chúng ta thành những chứng nhân sáng ngời của Tình yêu và Sức mạnh của Ngài.

Ngạc nhiên bởi Chúa Thánh Thần

Không một chút nghi ngờ, Thánh Phêrô biết rằng Chúa Giêsu đến để mang ơn cứu độ đến cho dân Do Thái. Nhưng đâu là ý nghĩa của một thị kiến nhiều lo lắng khi Thánh Phêrô đến thăm các tín hữu ở Giaphô (Cv 10, 9-26)? Trong thị kiến, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông ăn thịt động vật, điều mà dân Do thái cho là không thanh sạch, và Chúa đã nói với ông “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10, 15). Khi Ông Phêrô còn đang phân vân về thị kiến, thì có 3 người được một vị đại đội trưởng tên là Conêliô sai tới. Dường như chính Conêliô cũng có một thị kiến, trong thị kiến một thiên sứ đã nói ông hãy đi tìm ông Phêrô. Được Thần Khí thúc đẩy, ông Phêrô đã cùng với họ đi đến nhà ông Conêliô, mặc cho luật Môsê cấm người Do Thái không được qua lại với Dân ngoại.

Khi Thánh Phêrô giảng dạy cho ông Conêliô và người nhà của ông, tất cả mọi người đều được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần – giống như ông Phêrô trong ngày Lễ Hiện xuống. Đầy kinh ngạc, ông Phêrô đã tuyên bố: “Ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10, 47). Vì vậy Tin Mừng không phải chỉ dành riêng cho dân Do Thái! Chúa Giêsu đến để cứu độ tất cả mọi người. Bị bất ngờ, Thánh Phêrô đã gạt bỏ ý riêng của mình về cách thức Thiên Chúa thực hiện. Và nhờ vào sự mở lòng đón lấy Thánh Thần của ông, một kỷ nguyên mới đã mở ra.

Sẽ có những lúc Chúa Thánh Thần sẽ khiến chúng ta bất ngờ. Ngài có thể yêu cầu chúng ta gạt bỏ một định kiến từ lâu. Ngài cũng có thể thúc đẩy chúng ta nhận các trách nhiệm mới trong giáo xứ – điều mà chúng ta ít muốn thực hiện nhất. Có thể tự nhiên chúng ta lại muốn hàn gắn lại một mối quan hệ bị rạn nứt. Dù là tình huống nào, chúng ta cũng nên luôn ghi nhớ lời đáp trả của Thánh Phêrô. Có thế, chúng ta sẽ luôn sẵn sàng với những bất ngờ từ Chúa Thánh Thần.

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Ông Saolô thành Tácxô là một người Do Thái sùng đạo, giữ luật đúng như một người Pharisiêu (Pl 3, 6). Ông đã làm chứng và tán thành việc giết ông Têphanô, và sau đó ông đã thực hiện một cuộc bắt bớ chống lại Hội Thánh. Nhưng đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống khiến ông bị mù, và ông đã nhận ra mình đang bắt bớ chính Chúa Giêsu (Cv 9, 3). Giống như khi Thánh Phêrô được chỉ dẫn để chấp nhận dân ngoại vào Hội Thánh, Saolô (hay còn gọi là Phaolô) cũng đã cần Thánh Thần chỉ cho ông thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế của Ítraen.

Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho Thánh Phaolô. Trong suốt quãng đời còn lại, ông đã học được cách làm thế nào để sinh hoa quả từ Thánh Thần, nhờ đó ông có thể hoàn thành “công việc” Thiên Chúa đã giao cho ông (Cv 13, 2). Một lần kia, khi ông và các bạn đồng hành “thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép” (Cv 16, 7). Chúng ta không biết vì sao lại như thế, nhưng Thánh Phaolô và những người khác đã cảm nghiệm được sự hướng dẫn của Thiên Chúa và đã làm theo.

Giống như đã làm nơi Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần còn muốn đổ đầy hơn nữa tình yêu và niềm vui của Ngài trên chúng ta. Ngài muốn đánh động và hướng dẫn chúng ta. Thiên Chúa muốn Thánh Thần là một quà tặng luôn mãi, uốn nắn trái tim và tâm trí chúng ta, thậm chí chỉ dẫn từng bước đi của chúng ta. Ngài muốn hướng dẫn mỗi ngày sống của chúng ta. Ngài có thể chỉ dẫn chúng ta cách chia sẻ tình thương của Ngài với mọi người trong công việc. Ngài có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan khi chúng ta phải giải quyết một tình cảnh khó khăn trong gia đình. Thậm chí Ngài có thể đưa chúng ta vào một hướng đi mới, giống như Ngài đã làm với Thánh Phaolô, và mở ra cho chúng ta một chân trời mới.

Nhận lãnh Thánh Thần

Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã muốn lấp đầy, muốn làm chúng ta ngạc nhiên và hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Nhưng làm sao để điều đó xảy ra? Khi chúng ta học biết cách sinh hoa quả từ Thánh Thần. Dưới đây là một vài cách thức đơn giản chúng ta có thể thực hiện để cảm nhận được Chúa Thánh Thần khi Ngài hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

1. Để tâm được yên tĩnh

Có vẻ như rất đơn giản, nhưng trong thế giới đầy rẫy phương tiện truyền thông, điều này thực sự là một thử thách. Điện thoại di dộng, tivi, máy tính xách tay, các đài phát thanh làm cho cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nó cũng khiến cuộc sống trở nên ồn ào hơn và xao lãng hơn. Một điều rất quan trọng là mỗi ngày chúng ta cần dành một thời gian nào đó để ngưng sử dụng tất cả các thiết bị này, lúc đó chúng ta có thể nối kết lại với Thiên Chúa. Chúng ta cần tạo ra không gian cho cuộc sống của mình, những khoảng thời gian yên tĩnh, khi chúng ta có thể để tim ta gắn kết với Chúa Giêsu và bắt đầu cảm nhận được Thánh Thần của Ngài.

2. Rèn luyện trí óc

Điều gì tốt cho việc làm dịu tâm hồn khi chúng ta không có gì để tập trung chú ý? Vì thế, sẽ hữu ích khi dùng một phần thời gian yên tĩnh để làm đầy trí óc bằng những chân lý của Thiên Chúa. Bạn có thể suy ngẫm bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ mỗi ngày. Hoặc có thể đọc một phần Giáo lý. Bạn cũng có thể tìm hiểu về cuộc đời của một vị Thánh nào đó hay những bài viết của một người hướng dẫn về tinh thần. Thậm chí bạn có thể hát các bài Thánh ca về Thiên Chúa và Tình yêu của Ngài. Có rất nhiều lựa chọn. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn đang tập trung vào “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền” – tất cả những gì dạy anh em về cuộc sống trong Nước Chúa (Pl 4,8)

3. Hãy viết xuống

Hãy ghi chép lại những lần cầu nguyện. Hãy viết ra những gì bạn nghĩ là có thể đến từ Chúa Thánh Thần. Thậm chí nó có vẻ rất bình thường, hoặc có thể hơi ngớ ngẩn, cứ viết xuống. Có thể chỉ là một cảm giác về tình yêu. Cũng có thể là một cách nhìn mới cho một đoạn Kinh Thánh. Cũng có thể là một ý tưởng quan tâm đến một người bạn. Cái nào cũng được, hãy tập thói quen ghi chép lại những gì bạn cảm nhận được từ Chúa Thánh Thần. Điều này sẽ giúp giữ lại những cảm nhận luôn tươi mới trong tâm trí bạn.

4. Giữ luôn tươi mới

Mỗi ngày, hãy cố gắng tạo ra 2 hay 3 cơ hội để có thể dừng lại một chút, để tâm được yên tĩnh, và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nhớ lại những gì đã viết trong nhật ký cầu nguyện trước đó. Làm một tổng kết nhanh những gì trong ngày cho tới lúc đó và hối lỗi vì điều gì đó bạn thấy bị cắn rứt lương tâm. Hoặc tạ ơn Chúa Thánh Thần đã giúp đỡ bạn trong hoàn cảnh khó khăn nào đó. Hãy tạo thói quen lắng nghe. Hãy phát triển (củng cố) một đôi tai và một trái tim nhạy bén. Hãy tạo thói quen ghi nhớ lại những cảm nghiệm của bạn về Chúa Thánh Thần. Tất cả những điều này sẽ giúp cho tâm trí bạn luôn tươi mới.

Câu chuyện vẫn tiếp diễn

Sách Tông đồ Công vụ không ghi lại tất cả các “hoạt động” của Chúa Thánh Thần. Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Ngài vẫn biến đổi những con người bình thường trở nên giống Chúa Giêsu. Ngài vẫn mang họ đến với nhau để xây dựng Hội Thánh. Và Ngài vẫn thúc đẩy họ đi rao giảng Tin Mừng.

Không quá khó để tạo thành thói quen, và kết quả thì rất đáng để rèn luyện. Các thử nghiệm và lỗi lầm này giống như những gì các tín hữu đầu tiên đã làm, và nó đã sinh ra hoa trái tuyệt diệu. Giống như họ, bạn cũng có thể thấy Chúa Thánh Thần làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống mình.

Nguồn: wau.org – The Season of the Spirit

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube