Tạp chí La Civiltà Cattolica và 'việc Hán hóa' Giáo hội Công giáo

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 04-03-2018 | 05:58:20

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2017, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ thực hiện việc “Hán hóa các tôn giáo” trong nước.

Lời hứa hẹn được đưa ra cùng lúc với việc đưa ra các quy tắc mới và hạn chế hơn đối với việc thực hành tôn giáo.

Các quy định mới đối với các hoạt động tôn giáo tại Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 1/2 vừa qua.  Việc thờ phượng chỉ có thể được thực hiện tại các nhà thờ đã được chỉ định và theo lịch trình đã được các nhà chức trách chính phủ chấp thuận, trong khi tại tất cả mọi nơi khác, kể cả nhà riêng, đều bị coi là “bất hợp pháp đối với việc thờ phượng”.

Việc cầu nguyện nhóm bị nghiêm cấm tại nhà riêng: nếu một người bị bắt giữ trong khi làm điều đó, anh ta có thể bị tù. Các quy định cũng yêu cầu rằng mỗi nhà thờ phải treo một thông báo ở lối ra vào rằng tòa nhà đó “bị ngăn cấm đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi”, và trẻ em cũng như các thanh thiếu niên không được phép tham dự các nghi thức tôn giáo.

Xét về những quy định này, ý tưởng về việc Hán hóa các tôn giáo đã gặp phải sự phản đối đáng kể.

Ý tưởng Hán hóa có mục đích là để nhằm thấm đẫm “những lý thuyết tôn giáo với bản sắc Trung Quốc”, như chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tại Đại hội Đảng vào hồi tháng Mười.

“Hán hóa” là một chủ đề cốt lõi đối với sự lãnh đạo của Trung Quốc trong ba năm qua.

Vào tháng Hai, Daniel Mark, Chủ tịch Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã viết trong cuốn ‘First Things’ rằng việc Hán hóa tôn giáo là “một quá trình thao túng và dập tắt đức tin nhằm làm cho nó phù hợp với các mục tiêu toàn trị của chính phủ”.

Chinese_flag_Credit_Gang_Liu_Shutterstock_CNAGiữa bối cảnh của sự kháng cự này, một linh mục dòng Tên ở Trung Quốc, Cha Benoit Vermander, đã soạn thảo một đề nghị, một lộ trình, đối với việc “Hán hóa” tôn giáo, trong số ra ngày 3 tháng 3 của tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng Tên, nơi mà ấn phẩm được kiểm soát bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Linh mục Vermander lập luận rằng người Công giáo Trung Quốc không nên bỏ qua việc đẩy mạnh việc “Hán hóa” Giáo hội Công giáo chỉ vì nó bắt nguồn từ chính phủ.

Linh mục Vermander lưu ý rằng thuật ngữ ‘zhongguohua’, một từ tiếng Trung của thuật ngữ ‘Hán hóa’ quả thực hơi khó dịch, và nó đã được đưa ra để phản ánh ý tưởng của việc “có một định hướng của Trung Quốc”. Linh mục Vermander thường nhấn mạnh rằng, mặc dù có những vấn đề được đưa ra bởi học thuyết của việc Hán hóa, đặc biệt là vì nó được đi kèm với những quy định mới về các hoạt động tôn giáo, cuộc đối thoại giữa người Công giáo và chính phủ Cộng sản là hết sức cần thiết.

“Việc biến tôn giáo trở nên Trung Quốc hơn”, linh mục Vermander lập luận, không có nghĩa là phát triển các nghi lễ và giáo lý địa phương mà thay vào đó là tôn trọng triệt để và giữ vững “định nghĩa về văn hoá Trung Quốc” như chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra trong suốt Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19.

Nhiều nhà phê bình đã lập luận rằng tầm nhìn của chủ tịch Tập Cận Bình đối với văn hoá Trung Quốc đồng nghĩa với những mục tiêu của chế độ cộng sản.

Vào hồi tháng Mười, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải “tận dụng lợi thế văn hoá truyền thống Trung Quốc vĩ đại, giữ cho những tầm nhìn, quan niệm, giá trị cũng như các chuẩn mực đạo đức của nó luôn sống động và phát triển” và việc làm như vậy “phù hợp với thời đại chúng ta”.

Linh mục Vermander thừa nhận rằng có “những nguy hiểm không thể chối cãi được” trong việc “theo đuổi một chính sách được áp đặt từ phía trên, vốn có thể dẫn đến một sự tổn thất đáng kể đối với bản sắc  của nó”.

“Không có tôn giáo nào”, linh mục Vermander cho biết thêm “có thể trở thành một công cụ giới hạn của bộ máy chính trị, vĩ đại như những mục tiêu của bộ máy”.

Ngài viết rằng “các nhà thờ Kitô giáo thường sa vào cái bẫy này và đã có được kinh nghiệm về sự lừa dối của nó, cho dù hệ thống chính trị yêu cầu sự phụ thuộc của các tôn giáo”.

Tuy nhiên, linh mục Vermander nhấn mạnh rằng “các nhà thờ Kitô giáo không nên bỏ qua lời kêu gọi đối với việc Hán hóa vì nó xuất phát từ chính phủ”, nhưng họ nên “lắng nghe lời kêu gọi đó và xem xét những thay đổi nào có thể khiến họ nghĩ ra và thực hiện”, bất chấp “việc nhận thức về sự nguy hiểm”.

Vị linh mục Dòng Tên đã lập luận rằng “công cuộc Phúc Âm hóa do các nhà truyền giáo Tin Lành và Công giáo tiến hành từ năm 1842 thường thiếu sự nhạy cảm về văn hoá”, khi nó đã kết hợp “sứ điệp Tin Mừng với những thứ văn hoá xa lạ với Tin Mừng” cho thấy rằng nền văn minh phương Tây đã xuất khẩu “những mâu thuẫn của họ cùng với đức tin mà họ muốn loan truyền”.

Ngài cũng cho biết thêm rằng “sự hội nhập văn hóa chính là kết quả của một quá trình chiếm đoạt phổ biến mà không ai có thể thực sự kiềm chế” và biến ví dụ về chuỗi tràng hạt và kinh nguyện, vốn không thể bị cho là ‘phương Tây’ bởi những người Công giáo Trung Quốc đã học được những điều này từ nơi gia đình của họ. Linh mục Vermander cũng đề cập đến lòng yêu mến của các tín hữu Trung Quốc đối với Đức Mẹ Sầu Bi, kết quả của câu chuyện về Zheng Fentao, một phụ nữ Công giáo đã bị hành quyết trong tù vì tội “phản cách mạng” vào năm 1970.

“Liệu lòng yêu mến đối với Đức Mẹ Sầu Bi có thể được xem như là của người phương Tây về bản chất hay không? Chẳng phải nó đã được hội nhập văn hóa một cách trọn vẹn thông qua kinh nghiệm và ký ức chung của ngôi làng Trung Quốc này chăng?”.

Linh mục Vermander cho biết rằng “đối với Giáo Hội ở Trung Quốc, việc hội nhập văn hóa đồng nghĩa với việc tự hủy bỏ mình cũng như một sự nhục nhã”. ‘Kenosis’ là một từ Hy Lạp mà trong thần học đề cập đến việc tự hóa mình ra như không của Chúa Giêsu, và nó đã được sử dụng trong các thuật ngữ chung để mô tả một quá trình loại bỏ đặc tính của một người nào đó.

Linh mục Vermander đã đề xuất ba lĩnh vực mà các Kitô hữu tại Trung Quốc có thể triển khai để thực hiện một “sự hội nhập văn hoá sáng tạo”.

Thứ nhất, linh mục Vermander nói, chính là thần học tâm linh, “khi vẫn còn nhiều việc phải làm để diễn đạt, thông qua các nguồn lực của truyền thống Nho giáo và Lão giáo, cách thức mà Thiên Chúa đã khiến cho con người cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong thâm tâm của họ”.

Thứ hai, văn hoá và nghệ thuật, bởi vì “việc đi vào các xu hướng văn hoá hiện tại, và việc cố gắng phát triển những đường hướng văn hoá để nói chuyện với một đối tượng rộng lớn hơn, sẽ là một lợi ích to lớn đối với Kitô giáo Trung Quốc và đối với xã hội nói chung”.

Và cuối cùng, các Kitô hữu “có thể nhấn mạnh hơn về tình hình hiện tại của Trung Quốc thông qua nhận thức và hành động xã hội”.

Linh mục Vermander lưu ý rằng, trong bài phát biểu tại hội nghị của Đảng Cộng sản, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến những bất bình đẳng cũng như sự mất cân bằng xã hội của Trung Quốc.

Tập Cận Bình cho biết rằng ông nhận thức được rằng các nhóm tôn giáo quan tâm đến nỗ lực của Trung Quốc để ủng hộ một hình thức “tôn giáo dân sự” mới, thúc đẩy hàng loạt những biểu tượng và câu chuyện “để được tôn trọng và bảo tồn”.

Mặt khác, linh mục Vermander nói, “nếu nhà nước mở ra một không gian đối thoại về một số vấn đề, đặc biệt về những cách thức và phương tiện mà thông qua đó các tôn giáo có thể đóng góp tốt hơn cho sự phát triển văn hoá và xã hội của đất nước, điều này sẽ giúp cho sự ổn định tương lai của Trung Quốc và đồng thời sẽ khẳng định vị trí quan trọng hơn của đất nước này trên thế giới”.

“Kitô giáo”, cha Vermander lập luận, “chắc chắn có thể trở nên Trung Quốc hơn; đồng thời, nó có thể giúp cho Trung Quốc trở nên cởi mở hơn và hài hòa hơn”.

Liệu linh mục Vermander nói đúng? Có một con đường để Giáo Hội ở Trung Quốc trở nên ít “phương Tây” hơn, với sự hăng hái của Bắc Kinh, mà không trở nên bị kiểm soát bởi chính quyền Trung Quốc, hoặc thỏa hiệp với bản sắc Công giáo? Liệu Bắc Kinh có phải là đối tác đáng tin cậy của việc đối thoại không? Những người phải đối mặt với việc đàn áp có thể sẽ bày tỏ sự dè sặt hơn. Tạp chí La Civiltà Cattolica, phản ánh những định hướng rõ ràng của Vatican, dường như hết sức lạc quan.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube