Sao không cho phụ nữ giảng trong Thánh lễ? Một câu hỏi nghe hay đấy chứ!

Các tín hữu Công giáo, những người đã ngồi trọn qua hết các bài giảng nhàm chán, có thể khó hiểu lý do tại sao Giáo hội lại không cho phép phụ nữ (hoặc giáo dân) thuyết giảng về Tin Mừng trong Thánh lễ.

 iStock-810709842.jpg

Các tín hữu Công giáo, những người đã ngồi trọn qua hết các bài giảng nhàm chán, có thể khó hiểu lý do tại sao Giáo hội lại không cho phép phụ nữ (hoặc giáo dân) thuyết giảng về Tin Mừng trong Thánh lễ. Tất cả chúng ta đều biết có những người phụ nữ am hiểu đức tin Công giáo và những người có lẽ có thể trình bày một bài giảng hấp dẫn hơn vị linh mục đang phải ráng sức trong Thánh lễ thứ tư của mình vào cuối tuần. Bên cạnh đó, các giáo phái Kitô giáo khác cho phép phụ nữ giảng trong vai trò mục vụ, và họ làm tốt công việc đó, mang nhiều linh hồn về cho Thiên Chúa.

Cũng có một thực tế hiển nhiên rằng Giáo hội hưởng nhờ chứng tá của nhiều phụ nữ xuất chúng, trên hết là Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa. Và không phải ngẫu nhiên mà Chúa Kitô Phục Sinh đã sai Maria Magdalena đi loan báo cho các Tông đồ về sự phục sinh của Ngài. Do sứ mạng độc đáo này, Thánh Thomas Aquinô đã gọi Maria Magdalena là Tông đồ của các Tông đồ (apostola apostolarum). Người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp đã trở thành một nhà truyền giáo đầu tiên khi chị quay trở lại thị trấn của mình để mời gọi những người khác đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Hai thiên niên kỷ qua đã chứng kiến rất nhiều vị nữ Tiến sĩ Giáo Hội, các Thánh nữ và vô số phụ nữ thánh thiện.

Nói một cách rõ ràng hơn, Giáo hội Công giáo không cho phép phụ nữ và nam giới không có chức thánh giảng, tuỳ theo sự thận trọng của vị Giám mục địa phương. Giáo dân có thể thuyết giảng tại các khóa tĩnh tâm, đưa ra những suy tư, v.v., như đã nêu rõ trong Giáo Luật (số 766). Tuy nhiên, Giáo Luật cũng quy định rằng bài giảng trong thánh lễ là một việc giảng thuyết đặc biệt, một phần của phụng vụ thánh lễ, và được dành cho những người có chức thánh – các phó tế và các linh mục (số 767). Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã làm rõ thêm rằng Giáo Luật số 766 không thể được sử dụng trong khoảng thời gian được dành cho bài giảng trong thánh lễ. Năm 2004, Vatican cũng đã ban hành Huấn Thị “Redemptionis Sacramentum”, nhắc lại giáo huấn liên tục và thực hành này, đồng thời nhấn mạnh rằng bất cứ nơi nào mà thực hành đã bị thay đổi, cần phải quay trở lại với giáo huấn nhất quán của Giáo hội (số 64-66, 74 và 161).

Chúng ta sống trong một nền văn hóa coi trọng con người xét về mặt chức năng của họ – những điều họ có thể làm. Và tại Hoa Kỳ ngày nay, phụ nữ và nam giới có thể làm hầu hết những điều tương tự. Thông thường, phụ nữ  trổi vượt hơn nam giới với những khả năng và thành tích về mặt học thuật của họ, khiến mọi người càng khó hiểu hơn về lý do tại sao một người phụ nữ vốn chắc chắn có thể viết lách và giảng lôi cuốn hơn một vị linh mục nào đó lại không được phép làm như vậy.

Ở đây có một thách thức đáng kể để hiểu được tình huống. Chúng ta phải vượt ra khỏi thế giới chức năng của mình để đến một thế giới siêu hình hơn. Nói cách khác, chúng ta phải chuyển cuộc trò chuyện từ hành động sang hiện hữu. Đây chính là tất cả những điều khó khăn hơn khi các chuẩn mực về văn hóa xung quanh của chúng ta duy trì sự phân biệt giới tính như một thứ gì đó hay thay đổi và không dứt khoát.

Điều xảy ra trong chức tư tế, là vị linh mục hiện diện ‘in persona Christi’ (nhân danh Chúa Kitô) trong mối tương quan với các tín hữu, đặc biệt là trong thánh lễ và bí tích hòa giải. Nhờ chức thánh, theo giáo huấn của Giáo hội, các linh mục đã được ghi một dấu ấn không thể xóa nhòa trong linh hồn của họ. Một sự thay đổi về mặt bản chất đã diễn ra. Trên thực tế, điều này có nghĩa là cho dù vị linh mục có tuyệt vời hay khủng khiếp đến mức nào, thì khi truyền phép, linh mục có thể biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô là nhờ vào chức thánh chứ không phải nhờ vào tính cách đạo đức của vị linh mục ấy. Cũng vậy, với công thức tha tội, vị linh mục có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta. Vị linh mục thực sự là một Chúa Kitô khác và có thể làm những điều mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể làm. Những gì vị linh mục làm thì gắn bó chặt chẽ với con người của ngài.

Trong khi một số người có thể nhanh chóng xác định đây là một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị, tôi đề nghị rằng đó là một ân sủng và lòng thương xót. Nếu như chức tư tế phụ thuộc vào tính cách của vị linh mục, lịch sử cho thấy rằng nhân loại sẽ vô cùng thiếu các ứng viên có thể chấp nhận được. Hầu hết chúng ta, giáo dân cũng giống như giáo sĩ, đều có một chặng đường dài riêng của mình để nên thánh.

Thực tế của vị linh mục ‘in persona Christi’ cũng liên quan đến mối tương quan của Chúa Kitô với Giáo hội, cụ thể là của vị Hôn phu với Hiền thê của mình, một hình ảnh cụ thể chỉ ra một thực tế. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ĐTC Phanxicô đã trở lại với giáo huấn 2.000 năm này khi trả lời một câu hỏi về khả năng của việc phong chức cho phụ nữ. “Không phải là vì phụ nữ không có năng lực. Hãy nhìn xem, trong Giáo hội, phụ nữ quan trọng hơn nam giới, vì Giáo hội được gọi là ‘Mẹ’ Giáo hội chứ không phải ‘Cha’ Giáo hội. Giáo hội chính là Hiền thê của Chúa Giêsu Kitô”.

Vô số tác phẩm nghệ thuật miêu tả Chúa Kitô như là một vị Hôn phu, thường là cùng với Mẹ Ngài diễn tả Giáo hội như là vị Hiền thê của mình, nhấn mạnh một truyền thống và giáo huấn được cho là có từ trước khi Chúa Kitô hạ sinh. Cựu Ước đưa ra ý tưởng về cuộc kết ước giữa Thiên Chúa và Dân Thánh của mình và đồng thời hình thành nên sự chờ đợi về sự kiện toàn giao ước đó trong Tân Ước, qua hiến tế của Chúa Kitô và sự ra đời của Giáo hội.

Với kinh nghiệm của chúng ta về hôn nhân, giáo huấn này có thể khó nắm bắt hơn. Nhưng ta có thể tìm đến thánh Tôma Aquinô, người xác định đó như là mối quan hệ phối ngẫu hoàn hảo. Nói cách khác, kinh nghiệm nhân loại của chúng ta thì tương tự như vậy. Trong các cuộc hôn nhân của chúng ta, chúng ta khao khát sự kết hợp mật thiết và tình yêu tồn tại giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người, giữa Thiên Chúa và Dân của Người, nhưng sự bất toàn yếu đuối của con người chúng ta sẽ hạn chế thậm chí ngay cả những cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất.

Trong phụng vụ thánh lễ, vị linh mục không chỉ đại diện cho Chúa Kitô mà còn là chính Chúa Kitô hiện diện trong mối tương quan với Giáo hội. Mỗi phần trong phụng vụ thánh lễ được dành riêng cho vị linh mục hoặc phó tế thì đều tương ứng với một hành động mà chính Chúa Giêsu đã làm với tư cách là vị Hôn phu của Giáo hội. Đó chính là lý do tại sao Tin Mừng không thể được xướng lên bởi một người không có chức thánh. Và trong khi nhiều phụ nữ và nam giới tham gia vào việc giảng dạy Tin Mừng theo nhiều cách thức khác nhau, thì hình thức cụ thể của bài giảng trong bối cảnh thánh lễ lại luôn thuộc về mối tương quan phối ngẫu của Chúa Kitô với Giáo hội của Người.

Thực tế này sẽ khuyến khích các linh mục và phó tế của chúng ta soạn bài giảng một cách kỹ lưỡng hết mức có thể. Bởi vì vị linh mục được mời gọi dâng mình ‘in persona Christi’ trong hiến tế Thánh Thể, họ phải làm điều tương tự trong bài giảng thánh lễ của mình. Điều này đôi khi đồng nghĩa với việc vị linh mục phải rao giảng một thông điệp khó khăn và sẵn sàng để chịu bách hại, giống như Chúa Giêsu đã bị bách hại vì lời rao giảng của mình, đặc biệt là những thách thức đối với các thế lực và thẩm quyền đồi bại.

Nhưng thực tế rằng một số linh mục không thể giảng lôi cuốn hoặc một số phụ nữ có thể viết lách và giảng tốt hơn, không làm thay đổi thực tế về mối tương quan phối ngẫu của Chúa Kitô, và đến lượt mình, vị linh mục, đối với Giáo hội.

Khi ĐTC Phanxicô đưa ra câu trả lời nói trên, ngài cũng tái khẳng định sự cần thiết của việc triển khai một nền thần học về phụ nữ. Tôi tiếp tục ủng hộ rằng chúng ta cần phải thúc đẩy cuộc trò chuyện vượt ra ngoài cuộc trò chuyện  giới hạn phụ nữ trong việc mô phỏng các kiểu mẫu của nam giới, mà thay vào đó, phải hiểu phụ nữ và nam giới trong mối tương quan của họ với nhau. Chúng ta đã chứng minh rằng phụ nữ và nam giới có thể làm nhiều điều tương tự. Giờ đây chúng ta cần phải thúc đẩy cuộc trò chuyện này hướng tới một cuộc trò chuyện về sự hiện hữu. Cụ thể là, thực tế của việc trở thành một con người được phân biệt về mặt giới tính cụ thể – một người phụ nữ hay một người đàn ông – có tác động như thế nào? Có lẽ câu hỏi đầu tiên chúng ta cần đặt ra chính là: Việc trở thành một phụ nữ hay một người đàn ông có ảnh hưởng đến những gì tôi làm không?

Việc đánh giá từ nhận thức văn hóa của chúng ta về nam giới, vốn giới hạn theo những cách thức có hại, những gì được coi là thuộc về nam tính, chúng ta cần thực hiện công việc này bởi vì nó liên quan đến cả phụ nữ và nam giới. Thậm chí có thể cùng nhau.

Pia de Solenni

Pia de Solenni là một nhà thần học luân lý. Chị phục vụ với tư cách là Chưởng Ấn của Giáo phận Orange và Cố vấn Thần học của Đức Giám mục Địa phận

Minh Tuệ chuyển ngữ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube