Những đứa trẻ Salvador thuộc diện TPS nhận được sự ủng hộ từ ĐTC Phanxicô

Mười một trẻ em cùng với cha mẹ hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ dưới Tình trạng được Bảo vệ Tạm thời (Temporary Protected Status – TPS) đã đến Rome để gặp gỡ ĐTC Phanxicô trước dịp phong Thánh cho Chân Phước Oscar Romero.

Đoàn đã nhận được sự ủng hộ của ĐTC Phanxicô về tình trạng di trú của cha mẹ của những đứa trẻ này sau một cuộc gặp gỡ ngắn với Ngài vào ngày 10 tháng Mười.

Đối với các thanh thiếu niên và những người trẻ, Chân Phước Romero, Tổng Giám mục San Salvador, El Salvador, khi Ngài bị ám sát vào năm 1980, đã ra tay bảo vệ những người như cha mẹ của họ trong sứ vụ của mình.

20180108T1456-13525-CNS-TPS-SALVADORANS-690x450Tình trạng được Bảo vệ Tạm thời, được gọi là TPS, cho phép những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xung đột vũ trang hoặc các điều kiện bất thường khác tại quốc gia của họ được phép sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Tình trạng này sẽ hết hạn đối với hầu hết các quốc gia hưởng lợi trong vài tháng tới.

Thẩm phán Tòa án quận Hoa Kỳ, Edward Chen, vào ngày 3 tháng 10 đã ban hành phán quyết tạm thời đình chỉ việc hủy bỏ TPS cho bốn quốc gia, bao gồm El Salvador. Phán quyết này ảnh hưởng đến khoảng 260.000 công dân Salvador và hàng chục ngàn người khác đến từ Nicaragua, Haiti và Sudan.

Crista Ramos, 14 tuổi, là nguyên đơn chính đằng sau vụ kiện mà từ đó quyết định của Thẩm phán Chen bắt nguồn.

“Điều vô cùng quan trọng đối với tôi cũng như đối với gia đình tôi đó chính là có thể ở đây và trình bày trường hợp của tôi”, Ramos phát biểu với Catholic News Service. “Tôi không chỉ ở đây để đại diện cho gia đình tôi, mà còn cho cả những đứa trẻ mà cha mẹ họ cũng thuộc diện TPS”.

Ramos và một số đứa trẻ khác đã có thể có cơ hội được trò chuyện với ĐTC Phanxicô trong giây lát, người đã cho họ những lời động viên.

“Không ai trong chúng tôi thực sự mong đợi sẽ được gặp gỡ ĐTC Phanxicô, đó là một điều không thể tưởng”, David Giron, 16 tuổi chia sẻ, cha mẹ em cũng là những người Honduras thuộc diện TPS.

Nhóm đã háo hức chuẩn bị để được gặp gỡ họ ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung của Ngài vào ngày 10 tháng Mười. “Đêm trước, chúng tôi đã dự định sẽ gửi tặng ĐTC Phanxicô những món quà của chúng tôi”, Erik Villalobos, 21 tuổi, phát biểu với CNS.

Tuy nhiên, kế hoạch phức tạp của họ quả là không cần thiết; nhóm đã có thể nhanh chóng di chuyển đến phía trước đám đông đang reo hò cổ vũ và trò chuyện với ĐTC Phanxicô cũng như chụp với Ngài một vài tấm hình.

Các thành viên đã trao cho ĐTC Phanxicô một lá thư từ Liên minh TPS, một tổ chức hỗ trợ những người thuộc diện TPS, một chiếc áo thun cổ võ TPS, một bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Chân Phước Romero và một số tài liệu về TPS. “ĐTC Phanxicô thậm chí còn giơ chiếc áo phông lên cho mọi người thấy”, Andrew Romero nói.

Sau khi tỉnh cầu ĐTC Phanxicô “giúp bảo vệ tình trạng di trú của các gia đình của họ”, ĐTC Phanxicô đã đáp lại rằng “di cư chính là một quyền của con người, chúng ta không được quên điều đó. Nguyện xin Thánh Romero cứu giúp chúng con”.

Những đứa trẻ thuộc diện TPS hy vọng rằng danh tiếng quốc tế của El Salvador về tình trạng bạo lực giờ đây có thể thay đổi khi Chân Phúc Romero được tuyên Thánh trong các buổi lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 14 tháng Mười. “Giờ đây chúng tôi đã có một nhân vật quốc tế, nếu như Ngài trở thành hình ảnh của chúng tôi, điều đó quả thực hết sức tuyệt vời”, Villalobos nói.

Đối với phái đoàn này, Thánh Romero đại diện cho ý nghĩa thực sự của vấn đề công lý xã hội. Khi còn nhỏ, họ đã được nghe nói về vị Thánh tương lai – cũng như lời kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến Salvador của Ngài – từ ông bà của họ.

“Tôi không thể hiểu được lý do tại sao ai đó lại bắn chết một linh mục”, Villalobos nói. Villalobos giải thích rằng em đã liên tưởng đến Đức TGM Romero, cuộc nội chiến và cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra ở El Salvador và đã buộc nhiều thành viên trong gia đình của em phải rời bỏ quê hương. Hiện tại, gia đình em hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và đang lo sợ rằng cha mẹ em có thể bị buộc phải rời khỏi quốc gia tiếp nhận họ nếu như TPS hết hạn.

“Những người dân đã di chuyển đến Hoa Kỳ cũng giống như những người mà Đức TGM Romero đã đấu tranh bảo vệ”, Villalobos nói. “Họ chính là những người làm việc trên các cánh đồng, những người đã phải chạy trốn, và hiện tại con cái của những ‘campesinos ’ (những người nông dân) thuộc diện TPS và hiện đang bị đe dọa ở Mỹ”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube