Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Ukraine nói về chiến tranh, Đức Thánh Cha Phanxicô, và việc chúc lành cho những người đồng giới

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, Tổng Giám mục Địa phận Kyiv–Galicia và là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine  (Ảnh chụp màn hình / EWTN News Nightly)

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, Tổng Giám mục Địa phận Kyiv–Galicia và là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh chụp màn hình / EWTN News Nightly)

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với EWTN News, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã nói về nhu cầu tiếp tục viện trợ nhân đạo ở đất nước của ngài và thảo luận về những nỗ lực hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như cuộc tranh cãi gần đây về việc chúc lành cho những người đồng giới.

Vị Thượng phụ người Ukraine đã có mặt tại Hoa Kỳ trong một tuần để gặp gỡ các quan chức nhà nước và các nhà lãnh đạo Giáo hội nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ mới dành cho Ukraine. Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã trò chuyện với EWTN tại Đền thánh Công giáo Quốc gia Thánh Gia Ukraina ở Washington, D.C.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã nhấn mạnh lòng biết ơn của mình đối với người dân Hoa Kỳ vì sự ủng hộ của họ nhưng đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể mệt mỏi vì việc giúp đỡ Ukraine. Ngài kêu gọi: “Xin đừng từ bỏ Ukraine”.

Chiến tranh tại Ukraine

Mặc dù truyền tải “thông điệp tri ân” tới người dân Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã bày tỏ lo ngại rằng người dân Ukraine bình thường đang bị lãng quên khi cuộc tranh luận chính trị kéo dài về việc ủng hộ Ukraine đã khiến hành động bị trì hoãn.

Theo Đức Tổng Giám mục Shevchuk, khi cuộc chiến Ukraine-Nga chạm cột mốc hai năm, hiện có 14,6 triệu người Ukraine cần nhân đạo khẩn cấp.

“Chúng tôi không thể nói: ‘Được thôi, tôi sẽ ăn vào tuần tới’”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, đồng thời cho biết thêm rằng Giáo hội Công giáo Ukraine “là tác nhân chính trong hành động nhân đạo hỗ trợ người dân Ukraine này, và tôi có thể làm chứng rằng viện trợ không thể bị trì hoãn”.

Thay vì nghĩ về cuộc chiến dưới góc độ chính trị, Đức Tổng Giám mục Shevchuk kêu gọi người dân Hoa Kỳ hãy nghĩ về Ukraine dưới góc độ “những con người đơn sơ và đau khổ”.

“Mỗi ngày có khoảng 200 người Ukraine thiệt mạng và bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nhận được sự giúp đỡ để bảo vệ những người đó đều phải trả giá bằng máu của họ”.

Suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân của mình về cuộc chiến, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói rằng mặc dù “chẳng ai an toàn ở Ukraine”, các báo cáo tình báo đã chỉ ra rằng ngài là một trong 10 mục tiêu hàng đầu cần loại bỏ của Nga.

“Vì vậy, quả thực rất nguy hiểm. Nhưng đó là sứ mệnh của mỗi Giám mục vào thời điểm đó để cùng sát cánh với đàn chiên của mình”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Ngay từ đầu, tôi đã hoàn toàn phó thác bản thân và cuộc đời mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin hãy thực hiện thánh ý của Ngài. Nếu Ngài muốn con sống, điều đó có nghĩa là con phải phục vụ đàn chiên của Ngài. Con vẫn còn sống, điều đó có nghĩa là con có một sứ mệnh”.

“Chúa Giêsu Kitô hôm nay chịu đóng đinh nơi thân xác bị đóng đinh của Ukraine. Và chúng ta tôn kính Ngài nơi những vết thương của những con người đơn sơ”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết người dân Ukraine rất mong muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này và họ “đang cầu nguyện” để ngài sớm thực hiện chuyến viếng thăm.

Mặc dù vậy, Đức Tổng Giám mục Shevchuk thừa nhận rằng tính trung lập của Vatican sau chiến tranh “ban đầu không được đón nhận nồng nhiệt ở Ukraine, bởi vì làm sao ai đó có thể trung lập khi có một kẻ xâm lược đang tàn sát chúng tôi liên tục mỗi ngày?”.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đề cập đến chuyến viếng thăm Vatican của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào năm 2023, nói rằng vì Tổng thống tin rằng đất nước của ông “không cần một người hòa giải mà cần các đồng minh”, nên đó “không phải là một thời điểm dễ dàng trong mối quan hệ giữa quan chức Kiev và Vatican”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã ca ngợi Đức Thánh Cha vì đã sử dụng tính trung lập của mình để giúp thu thập viện trợ nhân đạo và nỗ lực hướng tới hòa bình giữa Nga và Ukraine. Vị Giám chức nói rằng khi trò chuyện với người dân Ukraine về quyết định giữ thái độ trung lập của Vatican, ngài đã phân biệt giữa sự trung lập về ngoại giao và trung lập về mặt luân lý.

“Đức Thánh Cha không trung lập về mặt luân lý. Ngài sát cánh với chúng tôi và ngài đã nhiều lần khẳng định điều đó”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

“Tính trung lập này được đưa ra như một công cụ nhằm tìm cách giảm bớt sự đau khổ của người dân và có thể trong tương lai sẽ là một loại kênh liên lạc để đạt được một thỏa thuận hòa bình”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi có một đồng minh tốt”.

Việc chúc lành cho những người đồng giới

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine không có kế hoạch thực hiện hoặc thảo luận thêm về tài liệu Fiducia Supplicans của Vatican, vốn cho phép “các phép lành ngoài phụng vụ” dành cho các cặp đồng tính luyến ái.

Giáo hội Ukraine là Giáo hội Đông phương đầu tiên tuyên bố rằng tài liệu này sẽ không được thực thi trong phạm vi quyền hạn pháp lý của mình.

Ngay sau khi tài liệu được công bố, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã đưa ra một tuyên bố trong đó nói rằng vì tài liệu “không đề cập đến các vấn đề về đức tin hay luân lý Công giáo, không đề cập đến bất kỳ quy định nào của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương, và không đề cập đến các Kitô hữu Đông phương”, nó “chỉ áp dụng riêng cho Giáo hội nghi lễ Latinh và không có hiệu lực pháp lý đối với các tín hữu thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine”.

“Mỗi tài liệu của Vatican đều có một quy trình tiếp nhận đặc biệt trong Giáo hội của chúng tôi”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk giải thích với EWTN.

“Chúng tôi có cách riêng của mình để cởi mở với mọi người nhưng cũng có cách để ban phép lành của Giáo hội”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Theo truyền thống của chúng tôi, chúng tôi không bao giờ có thể phân biệt được các phép lành phụng vụ và các phép lành ngoài phụng vụ”.

“Khi tôi lớn lên, không gian thiêng liêng luôn không bị giới hạn bởi tòa nhà nhà thờ”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk tiếp tục. “Chúng tôi được dạy rằng các Kitô hữu phải mang phụng vụ ánh sáng đó ra bên ngoài nhà thờ. Vì vậy, đối với chúng tôi, rất khó để phân biệt các phép lành ngoài phụng vụ”.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk lưu ý rằng nếu có ai đó đến xin được chúc lành, ngài sẽ ban phép lành mà không hỏi xem người đó có đang trong tình trạng tội lỗi hay đã đi xưng tội hay chưa.

“Tất nhiên, nếu ai đó đến với tôi và xin được chúc lành, tôi sẽ ban phép lành cho họ”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Đây không phải là lúc để hỏi về tình trạng cá nhân của người ấy với tư cách là một Kitô hữu. Nhưng để phân biệt rõ ràng giữa phép lành phụng vụ và phép lành ngoài phụng vụ, đối với chúng tôi, điều đó khá khó khăn”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube