Giáo hội và nỗi đau của những người ly dị tái hôn (kỳ V)

“Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta thực hiện một tiến trình; đây là chìa khóa. Việc rước Thánh Thể sẽ được thực hiện ở đường chân trời cuối cùng và sẽ xảy đến vào thời điểm Thiên Chúa muốn, vì chính Ngài hành động trong đời sống những người đã được rửa tội, giúp họ tái sinh những ao ước của mình cho phù hợp với Tin Mừng. Chúng ta hãy bắt đầu từng bước một, giúp họ tham gia vào đời sống Giáo Hội, cho đến khi họ đạt được “sự viên mãn của kế hoạch của Thiên Chúa đối với họ” (AL 297).”

Trong bài tường thuật cuối về quan điểm của Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý – Đức tin, chúng tôi xin mời quý vị nghe Đức Hồng y nói về tiến trình hòa nhập mà Đức ThasnhCha đề cập trong Chương VIII của Tông huấn Amoris Laetitia.

Đức Hồng y nói: “Chúng ta chuyển sang hạn từ thứ ba, “hội nhập”, và xem xét những cách thức mới mà “Amoris Laetitia” sẽ mở ra cho những người ly hôn đang ở trong một kết hợp mới.”

Trước hết, đây không phải là nỗ lực cá nhân của mỗi vị mục tử mà thôi. Đức Hồng y nói: “Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta, theo sau Thượng Hội Đồng, xây dựng một lộ trình phải có trong mỗi giáo phận theo hướng dẫn của giám mục và theo giáo huấn của Giáo Hội (AL 300). Điều này nên được thực hiện, nếu có thể, với một đội ngũ các mục tử có trình độ và kinh nghiệm.”

Theo Đức Hồng y, trong tiến trình hòa nhập, “Điều cần thiết là Lời Chúa được công bố trong quá trình này, đặc biệt là những lời liên quan đến hôn nhân (AL 297). Do đó những người đã được rửa tội sẽ làm sáng tỏ, từng chút một, trên kết hợp thứ hai này, điều mà từ đó họ đã bắt đầu và trong đó họ sống.”

Một trong những công việc có lẽ nên được tiến hành đầu tiên là tính đến khả năng đi đến chỗ xác định sự thành hiệu của cuộc hôn nhân thứ nhất. Theo Đức Hồng y, tiến trình hòa nhập “cũng sẽ mở ra khả năng xem xét sự vô hiệu có thể có của cuộc hôn nhân bí tích, theo các quy định mới ban hành của Đức Giáo Hoàng.”

Và Đức Hồng y nói: “Trên cuộc hành trình này, chúng ta cũng sẽ tìm thấy một sự đổi mới được Đức Giáo Hoàng mở ra trong “Amoris Laetitia”. Không thay đổi các quy tắc giáo luật chung, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng có thể có những ngoại lệ liên quan đến công việc của một số văn phòng của Giáo Hội dành cho những người đã ly dị.”

Một lưu ý khác của Đức Hồng y: “Trong suốt toàn bộ quá trình hòa nhập này, cần nhớ  rằng các bí tích không chỉ là một cử hành nhất thời, mà là một cuộc hành trình: bất cứ ai bắt đầu tiến về việc sám hối đều thấy mình đã ở trong một tiến trình bí tích, người ấy không bị loại trừ khỏi cấu trúc bí tích của Giáo Hội, và đã lãnh nhận, theo một cách nào đó, sự trợ giúp của các bí tích.”

“Một lần nữa – lời Đức Hồng y-, điều quan trọng là phải sẵn sàng để cho mình được biến đổi bởi Chúa Giêsu, dù cho cuộc hành trình có lâu dài, và sẵn sàng để cho mình được đồng hành trong cuộc hành trình này. Động lực thúc đẩy vị mục tử là mong muốn dẫn đưa người tín hữu đi vào nền văn hóa của kết ước hôn nhân, cung cấp một nơi trú ngụ cho mong muốn của người đó, để họ có thể được tái sinh theo lời Chúa.”

Nói chung về sự phân định và sự hòa nhập trong mục vụ dành cho những người ly dị tái hôn, Đức Hồng y nhấn mạnh:

“Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta thực hiện một tiến trình; đây là chìa khóa. Việc rước Thánh Thể sẽ được thực hiện ở đường chân trời cuối cùng và sẽ xảy đến vào thời điểm Thiên Chúa muốn, vì chính Ngài hành động trong đời sống những người đã được rửa tội, giúp họ tái sinh những ao ước của mình cho phù hợp với Tin Mừng. Chúng ta hãy bắt đầu từng bước một, giúp họ tham gia vào đời sống Giáo Hội, cho đến khi họ đạt được “sự viên mãn của kế hoạch của Thiên Chúa đối với họ” (AL 297).”

Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube