Giáo hội và nỗi đau của những người ly dị tái hôn (kỳ II)

“Nguyên tắc cơ bản là không ai thực sự có thể ước muốn một bí tích, ở đây là bí tích Thánh Thể, mà không ước muốn sống phù hợp với các bí tích khác, trong đó có bí tích hôn phối” (Đức Hồng y Müller)

Tiếp theo bài tường thuật trước, chúng tôi xin kể hầu quý vị ý kiến của Đức Hồng y Müller về việc giải thích Chương VIII của Tông huấn “Amoris Laetitia” (AL).

Đức Hồng y nói: “Một số người khẳng định rằng “Amoris Laetitia” đã loại bỏ kỷ luật mà Thánh Gioan Phaolo II đã xác nhận trong “Familiaris Consortio” 84 (FC 84), và cho phép, ít nhất là trong một số trường hợp, những người ly dị tái hôn có thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể mà không cần phải thay đổi cách sống của họ như được trình bày trong FC 84, tức là từ bỏ kết hợp lứa đôi mới hay là sống trong đó như anh trai và em gái.”

“Về điều này – lời Đức Hồng y Müller – chúng ta phải trả lời rằng nếu muốn xóa một kỷ luật quan trọng đã ăn sâu và lan rộng như thế, thì AL sẽ nói rõ ràng và sẽ trình bày các lý do chống đỡ. Tuy nhiên, đã không hề có tuyên bố nào theo nghĩa này; Đức Giáo hoàng không gây nghi ngờ, không có một chút nào như thế, về các luận cứ được trình bày bởi những vị tiền nhiệm của mình, vốn không dựa trên cảm nhận tội lỗi chủ quan của những người anh chị em đó của chúng ta, nhưng là dựa trên cách thức sống có thể nhìn thấy được cách khách quan của họ, vốn đang đi ngược lại với những lời của Chúa Kitô.”

Đức Hồng y đề cập vấn nạn thứ hai: “Nhưng há không phải là – một số người tranh luận – chính ở AL 305 đã xuất hiện một cước chú nói rằng trong một số trường hợp, Giáo hội có thể cung cấp sự trợ giúp bí tích cho những người sống trong tình cảnh khách quan là tội lỗi (cước chú 351)?”

Trả lời cho lời hỏi này, Đức Hồng y nói: “Không đi sâu vào phân tích chi tiết, chỉ cần nói rằng cước chú này đề cập đến một tình hình khách quan là tội lỗi nói chung, mà không nhắc đến các trường hợp cụ thể của những người ly dị đang sống trong một kết hợp dân sự mới.”

Những người ly dị tái hôn, theo Đức Hồng y, đang “sống trái ngược với bí tích hôn nhân và, do đó, với nhiệm cục các bí tích mà trung tâm là Thánh Thể. Trên thực tế, đó chính là lý do được viện dẫn bởi huấn quyền trước kia để biện minh cho kỷ luật Thánh Thể của FC 84; một chủ đề không có mặt trong cước chú cũng không phải trong ngữ cảnh của nó.”

Và Đức Hồng y kết luận: “Như vậy, có thể nói là cước chú 351 không đụng chạm vào các quy định trước đây: quy tắc của FC 84 và SC 29 và sự ứng dụng nó trong mọi trường hợp thì luôn luôn có giá trị.”

Sau đó, Đức Hồng y Müller trình bày luận điểm chính yếu của ngài về vấn đề. Ngài nói:

“Nguyên tắc cơ bản là không ai thực sự có thể ước muốn một bí tích, ở đây là bí tích Thánh Thể, mà không ước muốn sống phù hợp với các bí tích khác, trong đó có bí tích hôn phối. Những người sống trái với kết ước hôn nhân đang mâu thuẫn với các dấu chỉ nhìn thấy được của bí tích hôn nhân; trong những gì liên quan đến sự tồn tại thể xác của mình, cho dù chủ quan là không có tội đi nữa, người đó đã làm một “dấu chỉ ngược” của sự bất khả phân ly. Và chính vì cuộc sống xác thể của người ấy là trái với dấu chỉ bí tích, nên không thể làm thành phần, khi họ rước lễ, của dấu chỉ bí tích tối thượng là Thánh Thể, nơi tỏ lộ tình yêu nhập thể của Chúa Giêsu.”

Và Đức Hồng y mạnh mẽ: “Giáo hội, nếu chấp nhận như thế, sẽ rơi vào điều mà Thánh Thomas Aquino gọi là “sự dối trá trong các dấu chỉ bí tích.” Và đây không phải là chúng ta đang đối mặt với một kết luận giáo điều, nhưng trước hết là với nền tảng của thiết chế bí tích của Giáo hội mà chúng ta đã so sánh với kiến ​​trúc của con tàu Nôê. Đó là một kiến ​​trúc mà Giáo hội không thể thay đổi, vì nó xuất phát từ chính Chúa Giêsu; bởi lẽ chính Giáo hội được sinh ra từ đó và dựa trên đó mà nổi lên giữa biển hồng thủy. Thay đổi kỷ luật trong điểm cụ thể này, bằng cách gây ra một mâu thuẫn giữa Thánh thể và hôn phối, nhất thiết sẽ làm thay đổi lời tuyên xưng đức tin của Hội thánh, vốn giảng dạy và thực hiện sự hài hòa giữa tất cả các bí tích, như đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu. Biết bao thánh tử đạo đã đổ máu để tuyên xưng đức tin vào sự bất khả phân ly của hôn nhân, không phải như là một lý tưởng xa xăm nhưng là một thực tại cụ thể.”

Một số người sẽ có thể nói: Đức Phanxicô không có lòng thương xót nào nếu ngài không thực hiện bước thay đổi này, tức là cho người ly dị tái hôn được phép rước lễ. Họ sẽ nói: “Sẽ không phải là quá nhiều nếu yêu cầu những người ly dị tái hôn bước vào một cuộc sống theo Lời của Chúa Giêsu?”

Trả lời cho câu hỏi đó, Đức Hồng y Müller nói: “Hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi sẽ nói, bằng cách sử dụng hình ảnh con tàu, rằng Đức Phanxicô, vốn nhạy cảm với tình hình lũ lụt của thế giới ngày nay, đã mở tất cả các cửa sổ có thể có của con tàu và đã mời tất cả chúng ta ném các sợi dây từ các cửa sổ để đưa vào trong con tàu những người bị sóng biển vùi giập. Nhưng việc cho phép, ngay cả khi chỉ trong một vài trường hợp nhất định, những người rõ ràng giữ một lối sống trái với bí tích của hôn nhân, được rước lễ, sẽ không phải là việc mở thêm một cửa sổ, mà là đục một lỗ hổng ở dưới đáy của con tàu, cho phép nước biển tràn vào và gây nguy hiểm cho tất cả mọi người trên tàu và cho việc phục vụ của Giáo hội đối với xã hội.”

Đức Hồng y nói mạnh mẽ: “Đó không phải là con đường hòa nhập mà là một con đường làm tan rã con tàu Giáo hội, một con đường nước. Tôn trọng kỷ luật này, do đó, không phải chỉ là không đặt giới hạn về khả năng của Giáo hội cứu các gia đình, mà còn là đảm bảo sự ổn định của con tàu và khả năng của nó để đưa chúng ta đến một hải cảng tốt. Kiến ​​trúc của con tàu là hết sức cần thiết, ngõ hầu Giáo hội không cho phép bất cứ ai ở lại trong trạng thái ngược với lời hằng sống của Chúa Giêsu, tức là, ngõ hầu Giáo Hội không lên án đời đời bất kỳ ai (x AL 296-297).”

(còn tiếp)

Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube