ĐHY Patrick D'Rozario: ‘ĐTC Phanxicô sẽ đem đến thông điệp đối thoại và hòa hợp’

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 24-11-2017 | 12:09:58

MUMBAI, Ấn Độ – Vị Hồng y của Bangladesh cho biết ĐTC Phanxicô sẽ củng cố đức tin của công đồng dân số Công giáo nhỏ bé của đất nước này.

DSC_0018-1-690x450Đức Hồng y Patrick D’Rozario, Tổng Giám mục Địa phận Dhaka, đã phát biểu với Crux để đáp lại thông điệp video được ĐTC Phanxicô công bố hôm thứ Ba vừa qua gửi đến người dân Bangladesh trước chuyến viếng thăm từ ngày 30/11 đến 2/12 sắp tới tới một quốc gia Nam Á.

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Ngài sẽ đến Bangladesh để công bố sứ điệp Tin Mừng về “sự hòa giải, tha thứ và hòa bình” và đồng thời cũng cho biết rằng Ngài đặc biệt mong muốn được gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của quốc gia này.

“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó các tín hữu và những người có thành tâm thiện chí ở khắp mọi nơi được mời gọi để thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, và đồng thời tương trợ lẫn nhau như những thành viên trong cùng một đại gia đình nhân loại”, ĐTC Phanxicô nói.

“Bangladesh rất vui mừng khi đón nhận thông điệp chào mừng và tình thân hữu của Đức Thánh Cha Phanxicô “, ĐHY D’Rozario nói.

“Tại Bangladesh, nơi chúng ta đang sống, với tư cách là một cộng đồng thiểu số, chúng ta làm chứng cho Tin Mừng qua lối sống của chúng ta cũng như qua các công việc phục vụ của chúng ta đối với tất cả mọi người mà không phân biệt đối xử, và đồng thời thông qua sự hợp tác của chúng ta cùng với những người khác vì lợi ích chung cho tất cả mọi người”, ĐHY D’Rozario nói.

“Giáo Hội đang liên tục đối thoại qua các hành động, và đối thoại về hòa bình và các dịp lễ hội vốn chính là sự biểu hiện về sự hài hòa của chúng ta. Đối thoại là một cách thức cực kì quan trọng của việc truyền đạt các giá trị phổ quát của nhân loại”, ĐHY D’Rozario nói.

Chỉ có khoảng 350.000 người Công giáo ở Bangladesh, khoảng 0.2% tổng dân số. Đất nước này có hơn 86% dân số là Hồi giáo, trong khi 12% khác là Hindu.

Hội đồng Giám mục Công giáo ở nước này đã thành lập 10 ủy ban đa đức tin giúp đỡ cho công việc tiếp đón ĐTC Phanxicô, bao gồm những người Hồi giáo, Hindu và các Phật tử – cũng như các giáo phái Kitô giáo khác.

Chủ đề chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Bangladesh là “Hòa giải và Hòa bình”.

“ĐTC Phanxicô sẽ nhấn mạnh sự hòa hợp tôn giáo – đối thoại và sự hòa hợp – trong chuyến viếng thăm của mình. Tôi xem chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô như một ngày hội đối thoại, một chứng tá về sự hòa hợp tôn giáo, một sự kiện hòa hợp văn hoá của Bangladesh”, ĐHY D’Rozario nói.

Một dấu hiệu của sự hài hòa này đó chính là ‘Ngôi nhà của lòng thương xót’ do Thánh Têrêsa Kolkata thành lập tại Dhaka, nơi vẫn đang được các nữ tu Hội Thừa sai Bác ái coi sóc. ĐTC Phanxicô sẽ thăm cơ sở này vào ngày 2 tháng Mười Hai.

Hiện nay, cơ sở này hiện đang coi sóc hơn 140 thành viên, bao gồm các trẻ em bị bỏ rơi, những người tàn tật, và những người đau yếu.

ĐHY D’Rozario đã đến thăm cơ sở này vào hồi tháng trước và phát biểu với Crux rằng “đây chính là một bằng chứng tuyệt vời tại thành phố Dhaka.

“Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành khoảng 15 phút để thăm hỏi các thành viên tại cơ sở này. Điều quan trọng là Đức Thánh Cha muốn thấy nơi họ sinh sống để gặp gỡ họ qua những hoàn cảnh của họ cũng như sự giản dị của cuộc sống của họ và để liên đới với những người đau yếu và những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, ĐHY D’Rozario nói.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Bangladesh là một phần của chuyến Tông du đến hai quốc gia trong khu vực. Trước tiên Ngài sẽ thăm Myanmar, giáp với biên giới Bangladesh, từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11.

Hai nước cũng có sự kết nối với cuộc khủng hoảng Rohingya đang diễn ra. Hơn 500.000 người thiểu số Hồi giáo Miến Điện đã trốn sang Bangladesh kể từ hồi tháng 8, tạo ra một tình hình nhân đạo hết sức thảm khốc.

Hôm thứ tư, Hoa Kỳ đã cùng với Liên Hợp Quốc cáo buộc Myanmar đối với các hành động “thanh trừng dân tộc”.

Caritas Bangladesh – cánh tay trợ giúp của Giáo hội – đang nỗ lực thực hiện những điều có thể để giúp đỡ những người tị nạn.

Mặc dù hiện nay vấn đề bận tâm nhất liên quan đến việc cung cấp thực phẩm, đồ dùng nấu ăn và nhu yếu phẩm khác, Caritas đang có kế hoạch cùng với chính phủ để giúp đỡ cho việc xay dựng các cơ cấu nhà ở vĩnh viễn cũng như các cơ sở y tế và giáo dục.

ĐTC Phanxicô đã từng là người bênh vực cho những người Rohingya, Ngài đã nhắc đến họ gần đây nhất vào ngày 23 tháng 10, trong Thánh lễ thường nhật được cử hành tại Casa Sanctae Marthae, khi mà Ngài nói về những kẻ “khao khát tiền bạc, đất đai và sự giàu có” đang tạo ra một “sự sung bái ngẫu tượng đầy nguy hại”.

“Chúng ta chỉ nghĩ đến một tình cảnh duy nhất: 200.000 trẻ em Rohingya trong các trại tị nạn”, ĐTC Phanxicô nói. “Có 800.000 người ở đó, 200.000 người trong số đó là trẻ em”.

ĐTC Phanxicô cũng đã đưa ra lời kêu gọi để cầu nguyện cho họ trong suốt giờ Kinh Truyền Tin hôm 27 tháng 8, khi Ngài kêu gọi họ cần phải được “trao quyền đầy đủ”.

Hôm thứ Tư, Vatican đã xác nhận rằng ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ những người Hồi giáo Rohingya trong một hội nghị liên tôn được tổ chức tại Dhaka vào ngày 1 tháng 12.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube