Cuộc đàn áp ở Nigeria có phải là một cuộc diệt chủng Kitô giáo?

Đức Giám mục Wilfred Anagbe của Giáo phận Makurdi người Nigeria ở bang Benue trong bữa sáng tại Capitol Hill do tổ chức ACN tổ chức vào ngày 30 tháng 1 năm 2024 (Ảnh: Peter Pinedo/CNA)

Đức Giám mục Wilfred Anagbe của Giáo phận Makurdi người Nigeria ở bang Benue trong bữa sáng tại Capitol Hill do tổ chức ACN tổ chức vào ngày 30 tháng 1 năm 2024 (Ảnh: Peter Pinedo/CNA)

Đức Giám mục Wilfred Anagbe của Nigeria đã chia sẻ chi tiết về cuộc đàn áp ngày càng tồi tệ đối với các Kitô hữu ở Nigeria, đồng thời cáo buộc các thành viên chính phủ ở đó đã đồng lõa với điều mà ngài gọi là “cuộc diệt chủng” Kitô giáo và việc xóa bỏ sự hiện diện của Kitô giáo khỏi đất nước.

Đức Giám mục Anagbe, người lãnh đạo Giáo phận Makurdi, cảnh báo rằng nếu không có hành động mạnh mẽ hơn, ngài tin rằng dân số Kitô giáo, hiện có hơn 86 triệu người, gần một nửa tổng dân số Nigeria, có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập kỷ tới.

Mặc dù dân số Kitô giáo Nigeria rất đông đảo và được biết đến là nơi có một số tín hữu sốt sắng nhất trên thế giới, Đức Giám mục Anagbe cho biết sự hiện diện của Kitô giáo ở Nigeria đang bị các tín đồ Hồi giáo cực đoan làm giảm sút bớt “dần dần và có hệ thống” thông qua việc “giết chóc, bắt cóc, tra tấn và phóng hỏa các nhà thờ”.

Chỉ trong thập kỷ qua, kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Giáo phận của mình ở bang Benue miền trung Nigeria, vị Giám chức nói rằng ngài đã mất đi 160 nhà thờ vì các cuộc tấn công mà ngài cho rằng đang được thực hiện bởi các thành viên cực đoan của một bộ tộc Hồi giáo được gọi là Fulani.

Đức Giám mục Anagbe đang có mặt ở Washington, D.C. trong tuần này để thu hút sự chú ý đến cuộc khủng hoảng ở Nigeria và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, diễn ra từ ngày 30 đến 31 tháng Giêng.

Vị Giám chức đã đưa ra nhận xét của mình vào sáng thứ Ba trong bữa sáng ở Tòa nhà Văn phòng House Rayburn. Sự kiện này được tổ chức bởi nhóm cứu trợ thuộc Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN).

Đức Giám mục Anagbe cho biết trong thời gian làm mục tử của Giáo phận Makurdi, ngài đã phải an ủi đàn chiên của mình hết lần này đến lần khác sau một vụ tấn công. Các vụ thảm sát như vụ tấn công Thứ Sáu Tuần Thánh vào tháng 4 năm 2023, khiến 43 tín hữu Công giáo thiệt mạng tại một trường tiểu học, đã trở nên phổ biến trong Giáo phận của ngài, một thực tế thường xuyên liên tục làm chấn động các tín hữu, vị Giám chức nói.

Giáo phận Makurdi không phải là nơi duy nhất hứng chịu những cuộc tấn công này. Gần đây nhất là vào tháng 12, hơn 200 Kitô hữu Nigeria đã thiệt mạng trong một loạt các vụ tấn công vào dịp lễ Giáng sinh ở bang Plateau gần đó từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 12.

Trong phần trình bày của mình, Đức Giám mục Anagbe đã trình chiếu một số bức ảnh về những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh bị sát hại dã man, nhiều người với cơ thể bị xé nát hoặc đầu và tay chân mang dấu vết của những nhát dao rựa, tất cả đều chịu đọa đày khốn khổ vì đức tin của họ bởi người Fulani.

Đối với những người sống sót sau các cuộc tấn công, tình hình cũng không khá hơn là bao. Ước tính có khoảng 3 triệu người tị nạn, được gọi là những người di tản trong nước (IDP), hiện đang sống trong các trại tập trung tồi tàn khổng lồ trên khắp Nigeria. Không có tiền bạc hoặc nguồn lực, không thể trở về ngôi nhà bị phá hủy vì sợ bị tàn sát và không còn nơi nào khác để đi, hàng triệu Kitô hữu này sống trong điều kiện nghèo khổ nhất với tư cách là những người tị nạn trên chính đất nước của họ, Đức Giám mục Anagbe cho biết.

“Khi bạn đến nơi họ ở trong trại, bạn không biết phải giảng gì. Thật khó để an ủi họ, hỗ trợ họ, chia sẻ với họ, cùng sợ hãi với họ, và ngày nào cũng có những người khác đến”, vị Giám chức nói, và đồng thời  cũng cho biết thêm rằng điều kiện nghèo nàn khiến trẻ em đặc biệt dễ bị rơi vào cái bẫy của nạn buôn người, lao động trẻ em và thu hoạch nội tạng.

Mặc dù ban đầu tin rằng chính phủ chỉ đơn thuần tham gia vào “một âm mưu im lặng”, Đức Giám mục Anagbe cho biết giờ đây ngài tin rằng các quan chức chính phủ Nigeria đang “ủng hộ, hỗ trợ và tiếp tay một cách cụ thể cho những kẻ bắt cóc và những kẻ giết người”. Điều này, vị Giám chức nói, được chứng minh bằng thực tế là chính phủ đã không bắt giữ bất kỳ kẻ khủng bố nào chịu trách nhiệm về rất nhiều vụ thảm sát.

Kết quả là, Đức Giám mục Anagbe nói, “nhân khẩu học của Giáo phận tại tiểu bang đang dần bị thu hẹp”.

 Cuộc đàn áp ở Nigeria có phải là một cuộc diệt chủng?

Một số chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng ở Nigeria là do vấn đề biến đổi khí hậu gây ra, điều mà họ cho rằng đang buộc những người chăn nuôi du mục Fulani phải chiến đấu với những người nông dân Kitô giáo để tranh giành đất đai khan hiếm. Tuy nhiên, Đức Giám mục Anagbe đã lên án câu chuyện này là điều mang tính “dối trá và tuyên truyền”. Vị Giám chức nói rằng những kẻ khủng bố Fulani trước hết được thúc đẩy bởi lòng căm thù Kitô giáo.

Đức Giám mục Anagbe nói với CNA rằng các cuộc tấn công, thường giết chết hàng trăm người cùng một lúc, “nhắm vào các nhóm Kitô giáo bản địa ở Nigeria” như “một cách để loại bỏ nhóm người có cùng đức tin này từ những nơi khác nhau”. Đây chính là định nghĩa của một cuộc diệt chủng tôn giáo, vị Giám chức nói.

“Tôi cứ hỏi có bao nhiêu nhà thờ Hồi giáo đã bị tấn công so với các nhà thờ Công giáo? Có bao nhiêu linh mục, mục sư đã bị bắt cóc so với các imam Hồi giáo?”.

“Họ đang làm việc này một cách có hệ thống”, Đức Giám mục Anagbe nói. “Khi bạn loại bỏ những người không đối đầu với bạn, những người không khiêu khích bạn, và không có chiến tranh, đó là một chương trình nghị sự mà họ phải thực hiện”.

Chương trình nghị sự, Đức Giám mục Anagbe cho biết, đó là “tiêu diệt” Cơ đốc giáo khỏi Nigeria.

Các Giám mục Hoa Kỳ đang xem xét cuộc khủng hoảng ở Nigeria

Đức Giám mục Abdallah Elias Zaidan, người đứng đầu Giáo phận Đức Mẹ Lebanon nghi lễ Maronite ở Los Angeles, cũng có mặt trong bữa sáng với Đức Giám mục Anagbe. Ngài cho biết các Giám mục Hoa Kỳ hết sức quan ngại về cuộc đàn áp ở Nigeria.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của các Giám mục Hoa Kỳ, Đức Giám mục Zaidan nói với CNA rằng các Giám mục đã theo dõi cuộc đàn áp nhưng “thật vui khi được nghe trực tiếp những người sống tại chính khu vực về tình hình này”.

“Họ nói rằng một bức hình giống như hàng ngàn lời nói và những bức hình mà chúng tôi nhìn thấy tiết lộ rất nhiều điều, những sự tàn bạo, những khó khăn và thách thức mà anh chị em chúng ta đang phải trải qua”.

Đức Giám mục Zaidan cho biết Giáo hội ở Nigeria “chắc chắn” cần tất cả các hình thức hỗ trợ, “chứ không chỉ sự hỗ trợ về tài chính mà còn về chính trị và cả tình liên đới với tư cách là một Giáo hội”.

Mặc dù đã đề cập rằng tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo đang hoạt động để giúp giảm bớt đau khổ ở Nigeria, Đức Giám mục Zaidan cũng nói rằng dựa trên lời chứng của Đức Giám mục Anagbe và các nhân chứng khác, các Giám mục Hoa Kỳ “sẽ đánh giá” cách thức ứng phó tốt nhất với cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi sẽ quay lại xem xét và nghiên cứu xem đâu là con đường tốt nhất để xử lý những tình huống như thế này”, vị Giám chức nói.

“Chúng ta thật may mắn khi được sống ở đất nước này, nơi tự do tôn giáo được tôn trọng phần nào so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta trở nên lỏng lẻo. Thật tốt đẹp khi mở rộng tầm mắt, trái tim và khối óc của chúng ta với tất cả anh chị em trên khắp thế giới và mỗi người chúng ta, trong khả năng của mình, xem chúng ta có thể làm gì cho người khác, nghĩ về họ, hỗ trợ họ, cầu nguyện cho họ”, Đức Giám mục Zaidan nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube